VH Tiếng Nói Văn Học Việt Houston VH

VVH Tiếng Nói Văn-Học Việt-Houston (Viet Voice From Houston). Xin gửi bài vở về địa chỉ wendynicolennduong@post.harvard.edu. Contributing articles and commentaries should be submitted to wendynicolennduong@post.harvard.edu.

COPYRIGHT NOTICE AND DISCLAIMER

Về vấn đề bản quyền (copyright) cho tác giả Việt Nam của các bài viết được đăng tải ở đây: Chúng tôi nhận được những bài viết này từ độc giả hoặc từ các môi trường truyền thông của các nhóm người Việt, vì tác phẩm đã được phổ biến ở một môi trường công cộng nào đó. Chúng tôi mạn phép đăng tải theo lời giới thiệu của độc giả, dưới thẩm quyền "fair use exception" của luật trước tác bản quyền, vì làm việc cho mục đích giáo dục quần chúng, không vụ lợi. Nếu độc giả nào biết tác giả, xin cho chúng tôi biết để gửi lời chính thức xin phép, hoặc nếu tác giả không bằng lòng, xin cho chúng tôi biết ngay để chúng tôi lấy bài xuống theo ý của tác giả.

disclaimer re content

Quan điểm của tác giả hay độc giả trình bày ở đây không phải là quan điểm của người hay nhóm chủ trương VVFH, và vì thế chúng tôi không chịu trách nhiệm về những quan điểm hay dữ kiện đưa ra bởi tác giả hay độc giả. The views and supporting facts expressed by the authors or commenters published here are not necessarily those expressed or endorsed by VVFH or its editors. Accordingly, VVFH disclaims liability with respect to such content.

MỤC ĐÍCH:

Lời nhắn với học trò Việt Nam của giáo sư WENDI NICOLE Dương, cựu học giả FULBRIGHT Hoa Kỳ và cựu giáo sư luật đại học Denver:


Cô thành lập tập san này là đề cố gắng giữ lại những cái đẹp trong văn hóa cội nguồn của Việt Nam, đã giúp chúng ta đứng vững trên hai ngàn năm, dựa trên những giá trị đặc thù của người Việt nhưng đồng thời cũng là giá trị tổng quát của nhân loại. Hy vọng TIENG NOI VAN HOC VIET-HOUSTON, gọi tắt là VH, hay VVFH (Viet Voice from Houston) sẽ đến với người Việt trên toàn thế giới, qua độc giả thích văn chương văn học trong cả hai ngôn ngữ Việt-Anh, từ bàn tay và ánh mắt của một số it học trò Việt đang sinh sống ở Mỹ hoặc ở Việt Nam, của chính cô, cũng như của thế hệ đi trước biểu tượng là cha mẹ cô, những giáo sư ngôn ngữ.


Wendi Nicole Duong (Nhu-Nguyen) tháng tư April 2015

TRIO OF WATER LILIES

TRIO OF WATER LILIES
TRIO OF WATER LILIES enamel, markers, pen and pencil on paper. artwork by Wendi Nicole Duong copyright 2013: in all three regions of Vietnam, one can always find Hoa Sung, water lilies!

Monday, May 11, 2015

MAY EDITION OF VVFH IS DEDICATED TO MOTHERHOOD AND THE MOTHER-DAUGHTER RELATIONSHIP -- INTRODUCTION OF THREE PIECES OF CREATIVE WRITING BY VIETNAMESE WOMEN: Wendi Nicole Duong (Nhu-Nguyen), Que^' Huong, Nguyen Thi Viet Ha

Bouquet for Mom copyright WND May 2014

MÀN ĐÊM CỦA MẸ TÔI... VÀ CÁNH HOA HƯỚNG DƯƠNG

(Viết cho mẹ, tháng ba năm hai ngàn mười lăm; 
hoàn chỉnh tháng ba, hai ngàn hai mươi ba)

Wyndi Nicole Dương Như Nguyện)

Thành phố này đông người Việt cư ngụ, vì thế có đền Thánh Mẫu thờ Bà Chúa Liễu Hạnh làm tại tư gia của người “giữ đền,” để phục vụ nhu cầu tâm linh của người Việt thế hệ thứ nhất. 

Thời điểm này, khoảng Tết Ta, là lúc mẹ tôi hay bảo tôi đưa bà đi đền Thánh Mẫu, để bà “cắt sao” cho gia đình. Thời điểm tháng 3, đầu mùa xuân, là lúc đại học có “Spring Break,” và tôi được nghỉ dạy, vì thế tôi nghiễm nhiên trở thành người con đưa mẹ đi “cắt sao.” (Từ nhỏ đến lớn tôi vẫn giữ nhiệm vụ chở mẹ đi công việc hay thăm viếng. Ở Saigon trước 75 tôi chở mẹ bằng xe Honda PC, qua Mỹ thay thế bằng xe hơi.)

Mẹ tôi là phụ nữ có học, nghề nghiệp cuả bà là giáo sư Việt Văn.  Nhưng trải qua bao thảm cảnh ở đời, nhất là biến cố 1975, bà cần phải có niềm tin tâm linh gần gũi, có thể nói là mê tín như bao mẹ già Việt Nam khác. Văn hóa cổ truyền cuả người Việt vẩ̃n đặt niềm tin vào lá số tử vi, tức là tin tưởng đời sống con người bị chi phối bởi các vì sao trong vũ trụ mênh mông.  Nếu “tuổi” các con bà có hạn sao xấu, thì mẹ tôi thành khẩn vào đền thánh Việt Nam để cầu an và gieo quẻ, nhằm cắt bỏ ảnh hưởng những ngôi sao xấu để bảo vệ người thân. Niềm tin ấy dựa trên một vũ trụ thiêng liêng, có sự liên đới giữa các ngôi sao với tính mạng và số kiếp con người, chỉ giải thoát được bằng sự cầu khẩn với tất cả lòng thành và tình thương bao la, nhằm thay đổi được tiền định huyền bí ấy. Những người nhảy múa lên đồng từ thời xa xưa đến nay trong văn hoá dân gian cuả Việt Nam là những đơn vị nối liền thế giới huyền bí cuả các vì sao với bổn mạng con người trên mặt đất. Văn hoá dăn gian đi song song với các tôn giáo chính thống cuả VN: Thiên Chúa Giáo và Nho-Phật-Lão. 

Tin hay không tin, khoa học vẫn chưa cắt nghĩa được thế giới huyền bí, vì thế mỗi lần về Houston thăm cha mẹ, tôi vẫn kiên nhẫn ngồi trước bàn thờ bà chúa lên đồng để cắt sao cho gia đình như mẹ muốn. Có lúc ngồi cả buổi tối gieo quẻ vẫn chưa cắt được hết các sao xấu. Mẹ tôi buồn rầu, thở vắn than dài. Nhưng nếu tiếp tục gieo quẻ và cầu xin thì trước sau gì quẻ cũng hiện ra (theo xác suất) để trừ khử đi những ngôi sao xấu đã chiếu mạng người thân yêu cuả bà.

Mẹ tôi không những cắt sao cho gia đình, mà bà còn nhận lời gửi gắm cắt sao luôn cho bạn bè và người quen. Bà cắt luôn cho người dưng nước lả. Đã có lần tôi phải gắt lên, vì làm sao tôi có đủ thời giờ ngồi lây lất ở đền cho bà cắt sao, hay tự tôi phải ngồi cắt sao để phụ giúp bà?

Khi tất cả các sao xấu đã bị trục xuất, mẹ tôi hỷ hả ra về, thì trời đã tối đen.

Chưa hết, tôi còn phải nhận “lộc” ở đền Thánh, thường thường là xôi, chuối và các thứ hoa quả khác. Tôi lãnh nhiệm vụ đậu xe, rồi dắt mẹ đi bộ trong đêm (không khôn ngoan chút nào về an ninh ở Mỹ, nhưng mẹ tôi muốn như thế). Hai mẹ con đem thả trôi sông các “lộc Thánh” cho các cô hồn khắp thập phương ăn nhờ chút “lộc." Trái tim thương yêu tha nhân phải trải dài đến cả những linh hồn lây lất chưa đươc vào cõi Niết Bàn, họ không còn thân nhân để̃ cắt sao cho họ ở bên kia thế giới. 

Ở trung tâm thị tứ nước Mỹ làm gì có sông, cho nên mẹ tôi hướng dẫn tôi lái xe đến con rạch của thành phố. Tôi nghe lời mẹ đậu xe ở đầu đường, rồi trong bóng đêm, hai mẹ con tôi đứng trên cầu con rạch, thảy “lộc” xuống nước để chia xẻ cho các cô hồn không nhà không cửa, không người thờ cúng. ̣(Nếu đáy con rạch có các động thực vật cần chất protein, th̀i mẹ con t̉ôi cũng cống hiến thức ăn tốt lành cho động thực vật mà thôi. Tôi tự an ủi mình như vậy. Dĩ nhiên bây giờ không còn mẹ nữa, thì tâm thức tôi cũng đã gạch bỏ con lạch ấy ra khỏi trí nhớ cuả mình -- tôi chẳng còn mẹ ngồi bên chỉ đường cho t̉̀ôi đến con lạch mà cầu an cho những linh hồn vất vưởng trong vũ trụ căn cơ này.)

***

Đó là thủ tục cắt sao đầu năm trong đời sống mẹ tôi ở thành phố Houston, khi bà còn sống.  Sao La Hầu, Sao Kế Đô, vân vân và vân vân, những sao xấu sẽ bị cắt, cho con cháu và người quen của bà được an toàn hạnh phúc.

Quá nửa đêm trời tối mịt hai mẹ con mới về đến nhà.  Sau đó tôi lại phải về nhà riêng tôi vẫn giữ ở Houston để độc lập khỏi đời sống cuả cha mẹ. 

Công cuộc cắt sao là cả một vấn đề tốn thì giờ và lao lực. Nhưng việc cắt sao đem đến cho mẹ tôi sự an tòan về tâm lý trước những nghịch cảnh trớ trêu. Cho nên tôi lấy sức khỏe tinh thần của mẹ làm điều an ủi khi phải ngồi trong hương khói lên đồng, mà gieo quẻ cắt sao phụ mẹ. Rồi lại phải cúng tiền cho đền Thánh nữa chứ.

Để khỏi tức bực việc đi đổ “lộc” xuống rạch nước cho mẹ tôi vui lòng, tôi thường ngước mắt nhìn bầu trời tối đen để ví von độc thoại với những vì sao lấp lánh. Tâm hồn nghệ sĩ giàu tưởng tượng của tôi cho tôi mường tượng thấy hình ảnh mẹ tôi – một bà già yếu đuối nhỏ bé nhiều bệnh tật, xanh xao, với đôi mắt hiền từ và nụ cười thân thiện, mò mẫm trong bóng đêm giữa một vũ trụ hằng hà sa số, rón rén đến gõ cửa những ngôi sao xấu, đem lòng thương yêu mà cầu xin các ngôi sao đó "bỏ đi ra chỗ khác chơi,"  không còn chiếu mạng con cháu hay người quen của mình. 

Mẹ tôi là người đi tìm, đi đuổi, đi trừ sao xấu trong vũ trụ của màn đêm, cùng với Bà Chúa Liễu Hạnh cuả xứ Việt Nam xưa, chắc đã “vượt biên” qua Mỹ trụ trì ở đền Thánh “dã chiến”  tại Houston, và người lên đồng là tác nhân – cái gạch nối -- giữa vụ trụ siêu hình đó với trái tim người mẹ nhân ái của tôi. Người Việt Nam, cho dù là đạo Thiên Chúa hay Phất Giáo Đại Thưà đi chăng nưã, thì vẫn theo tục thờ cúng ông bà. Bên cạnh ông bà đã nằm xuống, có thêm hình ảnh các Mẫu đầu công đức như Liêu Hạnh, Âu Cơ, tượng trưmg cho hình ảnh cuả người mẹ che chở, như Đức Quan Âm, Đức Mẹ Maria, thì niềm tin càng thiêng liêng thêm mà thôi.  

Trong thế giới dân gian cuả người Việt, Bà Chúa Liễu Hạnh sẽ là Thánh mang những lời cầu khẩn của mẹ tôi, chỉ đường chỉ lối cho mẹ tôi đến tìm sao trong cái vũ trụ huyền bí kia …

***

May mắn hay kém may mắn, tôi là đứa con gái đầu lòng, được đi cắt sao với mẹ lần cuối cùng. Đó là năm 2014, khi mẹ tôi chưa gặp nạn, vẫn còn khỏe đủ để đi đứng bình thường.  Không có năm nào mẹ tôi quên đi cắt sao cho con cháu và người quen…

---

Khoảng bốn tháng sau lần cắt sao cuối cùng thì mẹ tôi bị xuất huyết trong não…

---

Tôi và mẹ tôi, ở Hội An, đầu  thập niên 1960 

----

Sau năm 2013, thì mẹ tôi chẳng bao giờ khỏe đủ để đi cắt sao ở đền Thánh với tôi nữa.

Nước mắt tôi lưng tròng mà nghĩ về những kỷ niệm với mẹ của quá khứ. Cách đây trên 40 năm, cũng vào dịp lễ Tết, ở Sài Gòn, tôi chở mẹ tôi đi xem ciné "The Sound of Music" ở rạp Rex, và sau đó là "Toute La Vie Danse" … 

Tiếng hát của Julie Andrew và đại sảnh của giới quý tộc thành phố Vienna nhảy luân vũ (điệu valse) lúc ấy trở thành thần tượng và mơ ước của tôi. (Mãi đến năm 28 tuổi, tôi mới có đủ cơ hội học hỏi để biết rằng nếu theo nghề ca hát, thì tôi cũng leo lên được nấc thang cao nhất cuả âm thanh, độ cao âm nhạc cuối cùng cho giọng nữ, như Andrew; và năm 40 tuổi, thì tôi mới có dịp đi dự cuộc nhảy valse của giới quý tộc thành phố Vienna, nhưng tôi lại từ chối không đi, vì tôi chẳng tì̀m được ai nhày cho thật "chỉnh" điệu Valse quốc tế để nhảy với tôi ở Vienna rực rỡ ngày xưa, nơi thi thố tài năng cuả Mozart, Beethoven và Schubert. Cha mẹ tôi cũng biết điều đó.)

Cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa được nói với mẹ tôi điều này: Thật ra, Andrew hát nhạc thời trang bằng giọng nữ trung (mezzo-soprano), thành ra nốt cao nhất cuả bà mà quần chúng biết đến thường thường là note DO, C-6 (high C), trong khi các sopranos cuả sân khấu opera có người đạt đến mức tuyệt đỉnh cuả giọng nữ, ở note Fa bên phải cuả phím trắng dương cầm, mà các nhà kỹ thuật gọi là F6). Không phải là ca sĩ chuyên nghiệp, tôi cũng đã đẩy mình đi lên đến độ cao cuả C6, nhưng ngay cả giấc mộng Hoa Kỳ (The American Dream) cũng không cho tôi cơ hội mơ tưởng đến F6. Riêng về khung cảnh sàn nhảy luân vũ của Vienna (chỉ tổ chức một năm một lần), thì tôi cũng chẳng còn hứng thú, vì trong tầm tay hạn hẹp, tôi không tìm đâu ra đối tác.

Bốn mươi năm trôi qua ở Mỹ, tôi đã quên không nói chuyện với mẹ tôi về những gì đã xẩy ra cho mơ mộng đầu đời – điệu luân vũ của Vienna va giọng hát của Julie Andrew, mà chính mẹ tôi là người đã vun xới trong đầu óc của tôi những ngày tấm bé ở Huế và ở Saigon…Bà đã trồng cho tôi cái mầm để tôi leo dốc thang âm, đến một nơi chốn không còn thực thể -- ở đó, tôi hiểu ra rằng giá trị tuyệt đối của cái đẹp và sự trường tồn của âm nhạc không nằm trong khung cảnh thời thượng của một buổi khiêu vũ, cho dù đó là buổi khiêu vũ bên bờ sông Danube của thành phố Vienna, trong thế giới sáng tạo của Johann Strauss…

Tôi mất đi dịp nói chuyện với bà về khám phá này. Tôi không còn được nghe câu trả lời qua giọng nói trong trẻo của mẹ…

Và bây giờ, thì hình như tất cả đều đã muộn..

---

Ở thời điểm này, tôi đã bỏ nghề nghiệp, bỏ những ước mộng cao vời, để trở về với mẹ. Chưa kịp cười nói, san xẻ với mẹ niềm vui, từ mua sắm thường tình cho đến bài hát, câu văn, thì định mệnh oái ăm và các ngôi sao xấu nào đó trong vũ trụ đã quyết định không dung tha tấm thân nhỏ bé và tâm hồn nhạy cảm của mẹ tôi.

Than ôi, số phận …

---

Hồi tưởng lại những năm trước khi mẹ tôi còn khỏe, tôi giật mình nhận ra: Hình như trong những buổi cắt sao, mẹ tôi quá bận rộn nghĩ đến người mà không cắt sao cho chính mình thì phải??? 

Mẹ tôi chưa bao giở cắt sao cho chính mình cả.

Hình ảnh của mẹ tôi làm kẻ độc hành đi mò mẫm giữa màn đêm huyễn hoặc của vũ trụ bao la đầy rẫy những vì sao kia -- người phụ nữ đi tìm sao để ngăn chận ảnh huởng các ngôi sao xấu chiếu mạng con cháu mình, mà chẳng thiết gì đến ngôi sao chiếu mạng chính mình, là hình ảnh tuyệt vời của kẻ cho đi mà không nhận lại, với trái tim hy sinh tuyệt đối.

Chao ơi, công việc “cắt sao”! 

Màn đêm và vũ trụ các vì sao, của mẹ tôi!

---

Những ngày tháng kế tiếp sau lần cắt sao cuối cùng, mẹ tôi là người liệt giường liệt chiếu. Bà không ăn được bình thường, và không đi đứng được. Tôi trở thành kẻ hầu hạ mẹ giỏi hơn người trợ tá được cấp bằng ở các viện dưỡng lão. Những giấc mộng cao vời và cuộc đời bay nhảy ngày xưa, bây giờ tôi thu hẹp lại vào đôi mắt xót xa nhìn bờ môi run run của mẹ khi bà gắng nuốt, và nỗi mừng rỡ khi bà thải được chất cặn bã ra ngòai với hệ thống tiêu hóa đã gần như kiệt quệ …

Tôi bắt đầu nằm mơ thấy bà ngọai, quay trở về đứng bên cạnh cửa để giúp đỡ tôi, cho mẹ tôi chóng lành. Bà ngoại sẽ đem đến sự nhiệm mầu của các vì sao tốt và mẹ tôi sẽ bình phục đi đứng trở lại như xưa. (Bà ngọai tôi qua đời ở Việt Nam, trong cảnh nghèo đói thiếu ăn, trước khi Việt Nam mở cửa “đổi mới,” gần nưả thế kỷ trước đây.)

Khi tôi tỉnh dậy, thì hình ảnh bà ngọai biến mất đi, chỉ còn mẹ tôi nằm cô độc thiêm thiếp trên chiếc giường sắt nhỏ bé, caì giường tượng trưng cho nhà thương và viện dưỡng lão.

---
Từ thế giới thu hẹp cuả chiếc giường ấy, mẹ tôi vẫn hiểu, vẫn cố gắng nói, vẫn cố gắng ăn, thỉnh thoảng bà vẫn cười. Có lần tôi viết xuống trên trang giấy:

--Me ráng ăn đi để sống với con. (Theo phong cách của người Huế ở tỉnh thành, tôi gọi mẹ bằng “Me,” như chữ “mère" tiếng Pháp.)

Bà viết xuống câu trả lời:

--Ừ!

Tóc bà bạc trắng (tôi đem cắt ngắn), nét mặt đã đổi vì sự thụt lùi của sức khỏe, nhưng nước da mịn màng và đôi mắt vẫn long lanh buổi sáng. Bà đẹp như chưa bao giờ đẹp như thế. Và tôi bám víu hy vọng vào các nhân viên vật lý trị liệu cho bà cử động thân thể, dần dần biết đâu y khoa sẽ cho mẹ tôi hồi lại sức sống bình thường … Nếu không được 10 phần thì tôi xin Trời Phật Chúa cho 4, 5…

Mẹ tôi hay tát vào mặt tôi khi tôi phải bồng bế bà. Vì bà quá yếu, cái tát của bà chẳng khác chi lời mắng yêu. Tôi không đủ sức lực hay tầm vóc để bồng bế mẹ tôi lên như bế em bé cho bà khỏi phải đau đớn. Tôi chỉ có thể vòng tay kéo lê hay nhắc bà lên, theo lời y tá chỉ dẫn, cách ấy làm cho bà ê ẩm bắp thịt và xương cốt. Nhưng đành chịu vậy.

Ngôi sao xấu nào đó đã chiếu xuống bà? Tôi tự hỏi.

Bà cau mặt lại, không bằng lòng khi thấy tôi nhỏ nước mắt … Để khỏi buồn thảm, tôi giả vờ đóng vai Marilyn Monroe cho bà xem, bà lắc đầu tỏ ý không bằng lòng.

A kiss on the hand is far too sentimental
But diamonds are a girl’s best friend…

Bỏ tất cả, trở về thành phố để được gần mẹ, tôi cứ tưởng mình sẽ được đem mẹ đi mua kim cương, cho mẹ chút niềm vui vật chất ở tuổi 80, sau một đời khổ cực, làm vợ một giáo sư thanh bạch, và làm mẹ một người con gái mang hoài bão ngòai đời sống bình thường như tôi…

Diamonds are a girl’s best friend…

Các vì sao trong màn đêm huyễn hoặc, không phải cái nào cũng là viên kim cương hiền lành sáng long lanh trên bàn tay những phụ nữ nhiều may mắn hơn mẹ tôi … Có những vì sao trông thì đẹp nhưng đầy ác tính, như mảnh lụa bị đốt cháy trở thành ngọn lửa cuồng nộ của một vũ trụ không công bằng…

Tôi lại miên man tự hỏi: Tại sao vũ trụ đã thiếu công bằng với người mẹ mang hết lòng thành đi cắt sao cho các con cháu, và cắt luôn cho tha nhân đã nhờ vả bà?  Vâng, rất nhiều người không có thì giờ hay…làm biếng nên đã đến nhờ vả lòng thành của bà.  Bà sẵn sàng cầu nguyện và cắt sao cho bất cứ ai cần tấm lòng thành của bà để họa may hoán chuyển định mệnh của tạo hóa. (Thật tình tôi không thể tưởng tượng được tại sao lại có những người, hoặc làm biếng hoặc quá bân rộn buôn bán làm ăn, đến nổ̃i một lời nguyện cầu vớ tâm thành vào thế giới huyền bí, mà cũng phải đi nhở vả mẹ tôi cầu dùm họ???)

***

Trở lại chiếc giường sắt cuả mẹ tôi, những ngày bà lâm bệnh nậng...
 
Ban ngày mẹ tôi hay thiếp đi. Tôi phải cố lay bà dậy để nhân viên vật lý trị liệu tập thể dục, làm bà đau đớn. Bà lại tát vào má tôi bằng những ngón tay gầy yếu.

Tối đến, sau khi làm vệ sinh, đo áp huyết, tôi hay nằm bên cạnh bà, chen chúc trên chíếc giường sắt hẹp vì cà hai mẹ con đều gầy ốm.  Tôi giữ lấy sức ấm cuả mẹ, như mẹ ru tôi thời thơ ấu, chờ mẹ tôi khép mắt ngủ yên. Đây là những dịp hiếm hoi tôi được ôm thân thể gầy ốm của mẹ. Ôm mẹ trong tay, tôi hay hay hỏi bà:

-- Me ơi, hai tay của me đâu???

Mẹ tôi trả lời bằng sự giao động của những ngón tay gầu guộc…

Rồi mẹ tôi nhắm mắt, nhưng hai bàn tay gầy yếu của bà mò mẫm nắm giữ lấy tấm chăn.  Bà nắm giữ lấy sự yên bình êm ấm của đời sống, do tấm chăn mang đến. Thỉnh thoảng bà nắm lấy những ngón tay của tôi. Tôi tìm tay mẹ dưới tấm chăn.

***

Khoảng 3 giờ sáng, mỗi đêm, tôi đều thức dậy để chăm sóc vệ sinh cho bà. (Đây là tiêu chuẩn của các viện dưỡng lão.)

Đi về phía giường của bà để làm vệ sinh nưả đêm, có một hôm, đột nhiên tôi rùng mình lạnh buốt …

Tôi thảng thốt nhận ra, trong ánh đèn lờ mờ, tôi đã bắt gặp ánh mắt nhìn chăm chú của mẹ tôi. Ánh mắt buồn rầu như muốn nói lên trăm nghìn chữ mà không nói được. Ánh mắt sâu như màn đêm bên ngoài.

Tôi run lên, đau đớn suốt thân mình. Me tôi không ngủ được suốt đêm? Hay bà chỉ mới vừa thức giấc? Bà nghĩ gì? Muốn gì? Trong màn đêm, tâm hồn và trí nhớ của bà đã du hành những đâu?

Đây không phải là màn đêm của những buổi tối đầu năm trong thủ tục cắt sao, khi mẹ con tôi lái xe đi tìm rạch để đổ lộc Thánh cho cô hồn thập phương nghĩa tử.

Đây là một màn đêm khác.

Tôi muốn mắt tôi xuyên thủng màn đêm ấy. Tôi muốn đi vào bóng đêm ấy để đuổi cho hết những ngôi sao xấu đã tạo nên nỗi đau thuơng của mẹ. Trời hỡi, làm sao tôi lay chuyển được, quay ngược được bánh xe của số phận? Chữ hiếu của Mục Kiền Liên ư? Nhưng mẹ tôi nào phải là người mẹ hung ác của Mục Kiền Liên?

Ở đây, khép đời sống còn lại vào chiếc giường sắt chung quanh có “hàng rào” giống như giường bệnh viện, mẹ tôi có còn đi tìm những vì sao xấu, để tấm lòng thành đẫy rẫy thương yêu của bà tìm cách ngăn chận ảnh hưởng của những vì sao ấy, cho người chung quanh?

Nhìn vào mắt bà, tôi thấy hết màn đêm của bà, trong những ngày tháng này.

Tôi có thấy màn đêm, mà không hiểu được màn đêm ấy chứa đựng những gì.

***

Trong màn đêm của những ngày tháng này, tôi cố gắng mà không thể nào biết thật rõ, hay hiểu hết được tất cả những ước nguyện, những kỷ niệm hồi tưởng ngày xưa, hay những ý niệm của tương lai trước mắt, của mẹ tôi…

Màn đêm ấy là một vũ trụ bí mật, ngòai tầm tay với hay tri thức của tôi.

Mẹ tôi ở trong thế giới của riêng mình?

Ôi, màn đêm của mẹ tôi …

---

Tôi không có câu trả lời tại sao -- ngôi sao nào đã quá độc ác với người mẹ hiền lành của tôi, nhưng sáu tháng tiếp nối, tôi ở bên mẹ và nhìn thấy một hình ảnh màn đêm khác, trong thế giới của riêng mẹ tôi, với sự thóai hoá sức khỏe và tuổi già của bà.

Thế giới mới của mẹ tôi, thế giới chật hẹp quay chung quanh giường bệnh.

Mới hay cũ, tôi cố nhìn màn đêm ấy trong tuyệt vọng. Tôi không còn muốn tưởng tượng, như đã tưởng tượng ra vũ trụ bao la trong đó mẹ tôi bước những bước nhẹ nhàng rón rén đi tìm sao, những lúc tôi đi đổ lộc Thánh xuống con rạch thành phố để làm vui lòng người mẹ hiền lành, học thức, sâu sắc nhưng đã trở thành  mê tín, vì bà đã phải chịu khổ quá nhiều trong đời, cho nên cảm thấy bất lực trước số mệnh, và con đường độc nhất còn lại cho bà, là đi tìm một thế giới tâm linh ngoài phạm vi minh chứng của khoa học hay ngay cả tôn giáo chính thống.

---

Nhưng rút cục thì tôi vẫn phải đối diện với màn đêm ấy, như chuyến tàu chuyên chở những hồi tưởng của mẹ tôi.

Bà là giáo sư Việt Văn và là người rất yêu thơ, mớm cho tôi không biết bao kiến thức văn hóa và văn học nguồn cội. Bà yêu thuơng cái đẹp của “lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,” của "cỏ cây xanh ngắt một màu xinh sao." Trong thế giới văn chương của bà, có hình ảnh của màn đêm. Của ánh trăng. Của thơ văn Hàn Mặc Tử một ngày “lâu quá không về thăm thôn Vỹ."

Bà xa xót cái không may của Thúy Kiều và bà chỉ nổi giận khi có ai khen tặng tôi "tài sắc.”

Bà thích tôi ca hát như Jennette McDonald, như Thanh Nga cuả "Tiếng Hạc Trong Trăng," hơn là cãi vã lý luận trước tòa án, trong chính trường, chắc nịch, đanh đá như bà Ngô Đình Nhu.

Mẹ tôi là người con gái mảnh mai của xứ Thần Kinh, mang theo tâm hồn giàu cảm lụy của xứ Huế và nỗi buồn ảo não của bà ngọai tôi.

Mẹ tôi tốt với bạn hơn chính bản thân mình, cho nên ai bà cũng quen biết như “bà chủ nhật trình” hay “bà chủ nhà giây thép” (ngôn từ mô tả những phụ nữ giao tế rộng cuả xứ Huế, khác hẳn với tôi, rất hài lòng với bản mệnh là sao Vũ Khúc (ngôi sao chiếu mệnh mang tính cách độc lập của những kẻ thích sống một mình).

Me tôi lấy chồng là con cả, người Bắc di cư, cho nên bà đã mang luôn nỗi buồn xa xứ của bà nội tôi, khi người phụ nữ gánh gạo trên bờ đê phải rời bỏ ruộng lúa của đồng bằng sông Hồng vì bản án oan ức của thảm kịch “đấu tố” năm 1954.

Năm 1975, mẹ tôi đã phải bỏ cha mẹ già ở bên kia bờ đại dương để theo chồng và các con vượt đường trường khi chiến tranh chấm dứt. Những ngày giờ của cuộc sống sau đó là những ngày giờ của nước mắt …Vậy mà mẹ tôi vẫn cố cười vui với bè bạn, bà con. Trong những ngày tha huơng, bà lấy lòng thuơng yêu người mẹ chồng đức độ để tự an ủi cho sự trơ trọi của bản thân bà. Và lấy cái học của các con làm sự thôi thúc của con đường đi tới trước mặt trong xã hội Mỹ.

Khi mẹ chồng nằm xuống, mẹ tôi khóc mẹ chồng bằng bài điếu văn của đứa con dâu có nghĩa và có tài văn học:


“Mẹ ơi, lưu lạc xứ người có bát cơm đầy nuôi thân là nhờ đức mẹ.
Đàn cháu thành người hữu dụng nơi xứ người, là nhờ lộc bà…"

Ai có lòng và biết gia đình tôi đều phải sa nước mắt khi đọc bài điếu văn này. Những ngày mẹ tôi liệt giường liệt chiếu, tôi thu dọn phòng bà, và góp nhặt những tờ giấy rời, trong đó có bài điếu văn này: mẹ tôi viết cho bà nội của tôi. Mẹ tôi, người con dâu trửởng làm nghề dạy học, đã ghi lại thành văn những lời bà nội tôi hay nói khi bà còn sống. 

Lời mẹ dạy: “Giúp người ta, cho người ta, kẻo phải tội!” Vâng, nếu không giúp người,, tức là có tội với trời.

Lời mẹ nói về việc trông nom đàn cháu: Có hoa mừng hoa, có nụ mừng nụ.” Vâng, nuôi dạy và lo cho con cháu bất kể thân mình, đó là nhiệm vụ của mẹ già như kẻ làm vườn: mừng hoa, mừng nụ của trời đất ban cho…”

Tôi giật mình tìm thấy căn bản đạo đức cho cả một văn hóa tha hương, nằm ngay trong lời nói giản dị của người mẹ già đã từng gánh gạo trên bờ đê Việt Bắc ngày xưa để làm gương cho tá điền ̣(trong cuộc đấu tố Cải Cách Ruộng Đất, hai người tả điền ông bà tôi nuôi trong nhà, nhất định không nghe lời cán bộ để đứng ra đấu tố "Cụ Tổng," vì "Hai Cụ Tổng ăn ở nhân đức, đưa ruộng cho chúng t̀ôi cày lấy công hậu hỷ, cụ có ác đức bọc lột gì đâu mà bắt chúng t̀ôi đấu tố cụ? Cụ bà còn gánh gạo cùng với chúng tôi trên bờ đê cơ mà? Nhất định chúng tôi không làm ác, không đấu tố."
 
Và rồi, mất tất cả, và bà gánh nước trên hè phố Sài Gòn để nuôi đàn con đi học, những ngày đầu mới di cư vào Nam. 

Lời mẹ dạy: “Giúp người ta, cho người ta, kẻo phải tội!”  Ai cơ khổ, nhờ mì̉nh giúp mà mình không giúp, tức là mình có tội...

Lời mẹ nói về việc trông nom đàn cháu: "Có hoa mừng hoa, có nụ mừng nụ.”  Trời ban cho có con, có cháu, là trời cho nụ, cho hoa.  Bổn phận phải trông nom, hy sinh, nuôi dạy.  

---

Khi mường tượng rằng tôi gặp việc bất như ý trên đường công danh, không vui hay nản chí, mẹ tôi luôn nói:

--Con ơi, “mấy kẻ biết anh hùng khi vị ngộ?”

Câu thơ Nguyễn Công Trứ mà bà đã giảng trong lớp học ở Việt Nam trở thành phương châm cho con gái bà. Tôi mang câu thơ ấy và lời nói dịu dàng của mẹ để tiếp tục bắt đầu trở lại sau những lần bỏ dở con đường công danh. Và tôi chua chát hiểu ra rằng, hình như anh hùng chỉ có thật ở cõi đời này khi họ còn… vị ngộ!  Anh hùng khi "đượ́c ngộ" rồi thường hay biến dạng hay lộ ra bộ mặt thật tiểu nhân, kiêu căng, phè phỡn! 

Để tránh cho bà sự lo nghĩ và để…tiết kiệm thì giờ giải thích, tôi bắt buộc không cho phép mình tâm sự nhiều với mẹ về vấn đề công danh và nước Mỹ, những sự chọn lựa gay go, không người chỉ dẫn, cuả tôi. Vì cha mẹ tôi là những kẻ di dân vì hoàn cảnh mà đứng ngoài dòng chính để tôn tr̀ọng sự chọn lựa cuà̉ con mình.

Trong kiếp di dân ở Mỹ, sự xa cách giữa tôi và mẹ tôi là kết quả của con đường công danh và những thử thách mà tôi chọn lựa. Đến một lúc nào đó, mẹ tôi không hiểu và không biết tôi làm cái gì, động cơ từ đâu, như thế nào. Khi gặp tôi về thăm nhà, bà hay nói:

--Con ơi, làm người, có số!

Trong thế giới rất “Việt Nam hải ngọai” của bà, bà theo dõi chính trường, chọn những thế đứng rất rõ ràng về những vấn đề đạo lý. Bà rất hay đi quyên tiền để giúp người nghèo ở Việt Nam, một công việc làm nhiều người kính phục mà cũng làm rất nhiều người khó chịu -- ở đời này, ai là kẻ thích mở hầu bao cho những người không quen biết chỉ vì một bà cụ già (thay vì một đoàn thể có tiếng tăm) đứng ra xin??? Dần dần thì thiên hạ hình như ai cũng biết mẹ tôi là người… dễ sai và hay đi làm việc…chùa. Ai cũng có thể đem việc đến nhờ bà, và hình như chẳng bao giờ bà từ chối. Không những thế, người ta nhờ một phần thì mẹ tôi lại vui vẻ mà làm…mười phần. Bà lấy việc giúp người làm căn bản cuộc đời và làm niềm vui cho mỗi ngày trôi qua, dù rằng có rất nhiều ngày bà vẫn khóc vì những tâm sự riêng tư không lối thoát.

---

Mẹ tôi hay khóc những ngày giỗ ông bà trước bàn thờ tổ tiên.

Khi quay trở về thăm quê cuối năm 1994 (năm tổng thống Clinton bỏ lệnh cấm vận của Mỹ ở Việt Nam), sau gần 20 năm, mẹ tôi mới được khóc trước mồ ông bà ngoại cuả tôi. Đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng. Đó cũng là kỷ niệm hiếm có giữa mẹ con tôi.

Y hệt như ngày mới ra trường làm cô giáo ở Hội An, mẹ tôi đã cởi áo len cho học trò nghèo năm 1955, thì chuyến về quê cuối năm 1994,  khi Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa còn rất nghèo nàn,  mẹ tôi, ở tuổi 60, đã cởi áo ngòai, cởi đồng hồ, vòng đeo tay để cho người nghèo ở Việt Nam trên bước đường du hành.

Bà cởi luôn đôi giày Reebox cho người bà con xứ Huế trước khi lên máy bay.

Về lại Mỹ, bà nhận việc đi trông coi cô giáo cũ ở Đồng Khánh Huế bị bệnh Alzeimer’s, công việc làm khong phải vì tiền mà là vì tình nghiã. (Tôi chua xót tự hỏi: Ngày nay, khi bà khắc khoải trên giường bệnh, ai là kẻ ghé thăm hay trông coi bà, như bà đã chăm sóc cô giáo của bà ngày xưa?)

---

Trong màn đêm cuả mẹ tôi, như cuốn phim, như chuyến tàu đi ngược dòng thời gian, tôi quay trở lại thập niên 1975.

Để nuôi con nuôi chồng những ngày đầu đến Mỹ, mẹ tôi đã đứng sắp hàng làm việc trong xí nghiệp, nai lưng bên cạnh với những con người xốc vác, sức khỏe như lực sĩ vượt hẳn bà trong môi trường làm việc chân tay. (Tôi vẫn nhớ hình ảnh mẹ tôi xanh xao đi bộ trên vỉa hè trong mưa tuyết của tiểu bang Bắc Mỹ, sáng sớm mỗi khi tôi đậu xe lề đường để bà vào xí nghiệp làm việc). Bà đứng làm việc trong xí nghiệp sản xuất vitamin để tôi đi học đaị học. 

Chì trong vòng hai năm rưỡi, tôi tốt nghiệp cử nhân, thì bà không còn phải làm việc chân tay ở xí nghiệp nữa. Tôi đi làm để bắt đầu dành dụm tiền giúp bố mẹ mua căn nhà đầu tiên ở Houston, và bắt đầu theo đuổi công danh cho riêng mình, không còn sự che chở của mẹ.

Khoảng cách bắt đầu từ đó, và mẹ tôi không còn nắm vai trò hướng dẫn công danh cho tôi được nữa.

Không quay trở lại nghề dạy học, mẹ tôi trở thành nhân viên Bộ Xã Hội, một nghề nghiệp rất thích hợp với bà, cho đến khi bà mang bệnh hiểm nghèo … Bà đi một mình vào nhà thuơng để làm giảo nghiệm (biopsy), rồi từ đó bác sĩ giải phẫu mang bà vào thẳng phòng mổ, một mình, không ai biết. Khi tôi biết thì mẹ tôi vẫn còn hôn mê trong phòng hồi sinh. Tôi là người đầu tiên đứng bên giường hồi sinh khi mẹ tôi mở mắt. Hai dòng nước mắt chảy dài trên gương mặt hốc hác của bà khi bà nhận ra tôi. Đó là những ngày tôi bắt đầu học luật (vừa đi học buổi tối vưà đi làm "executive" trẻ nhất cho Quận Học Chính Houston, bước đầu theo đuổi công danh). 

Ngày đầu tiên vào giảng đường lớp Luật đầu tiên là ngày mẹ tôi rời phòng hồi sinh, và tối hôm đó, tôi gối đầu lên cuốn sách luật đầu tiên, ngủ dưới chân giường bệnh viện của mẹ.

Sau đó là những tháng ngày đau khổ của mẹ tôi. Bà rụng hết tóc, không còn đi đứng vững, nhưng mẹ tôi can đảm tự chăm sóc lấy mình chống trả bệnh nan y, để con gái rảnh tay đi học. Tôi là người dẫn mẹ đi mua tóc giả và các dụng cụ cần thiết cho người bệnh. Ngày hạnh phúc đầu tiên là ngày tôi dẫn mẹ đi ăn nem nướng ở một trong những tiệm ăn Việt Nam đầu tiên của thành phố, sau một thời gian dài bà nôn mửa không ăn được …

Suốt đời, mẹ tôi can đảm chiến đấu với bệnh tật, với những tai nạn hiểm nghèo, và mang trong tim nỗi đau đớn tinh thần, sự chịu đựng phi thường của phụ nữ Việt Nam.  Đối với tôi, cuôc chiến đấu của bà còn dũng cảm hơn võ sĩ của đấu trường La Mã …Ở Mỹ, mẹ tôi có thể đi học lại, nhưng bà hy sinh cho chồng con đi học. Ở Mỹ, mẹ tôi cam chíu bất hiếu với ông bà ngoại tôi ở lại Việt Nam tuổi giả không người săn sóc, và mẹ tôi ̣đi làm để gửi tiền về Việt Nam nuôi cha mẹ, và nuôi cả học trò cũ chịu cảnh tù đày. Bà không hề nhờ vả chồng con.  Bà nuôi luôn ông Nhạc Sỹ Nguyễn Văn Tý qua văn sỉ̃ Văn Quang, và tư tay nuôi những kẻ khốn cùng cuả một Việt Nam nghèo ̣đói trước và sau thời điểm cấm vận.  Tất cả ở hai bàn tay ốm yếu và trái tim quá lớn cuả mẹ tôi.  

Sức khỏe èo uột, nhưng mẹ tôi rất dai sức và có óc khôi hài tuyệt vời. Bà nói chuyện rất văn chương, thành thật, tinh ý, và nhạy cảm. Bà thông minh và biết xoay xở tình thế, nhưng luôn luôn nhận chịu sự thua thiệt vì bản tính ngây thơ, nhu mì, bà không thể và không muốn ăn thua với người chung quanh.  Khi còn trẻ, ước muốn cuà mẹ tôi là daỵ văn chương làm đaọ diễn cho học sinh làm kịch sân khấu.  Nghĩ đến mẹ tôi, là tôi phải nhớ đến vở kịch thơ "Cô Gái Bán Gươm," cuà nữ sinh Đồng Khánh Huế, thập niên sáu mươi...  

Khi nói về bố tôi, có lần bà ngậm ngùi:

--Suốt đời, chỉ còn lấy cái học để leo bước thang xã hội…

Tôi ớn lạnh toàn thân: bà nói về chồng, hay nói về đứa con gái đầu lòng chính là tôi, hay về nguyên cả một văn hóa nhược tiểu của nguồn cội, nguyên cả một quá trình lập nghiệp và những mộng ước của số kiếp di dân?

Về những nỗi buồn tinh thần của bà, thì tôi chỉ có thể nói vắn tắt một câu: Mẹ tôi rất ủy mị, rất yếu ớt, nhưng cả đời, bà đã đưa tấm thân mảnh dẻ cua mình ra nhận lãnh tất cả những ngôi sao xấu cho chồng con, đến từ chồng con.  Mẹ tôi là mẫu phụ nữ Việt Nam hy sinh cho chồng con và thương yêu người xấu số trong xã̉ hội. 

Tôi, đứa con gái hiểu cuộc đời của bà nhiều nhất, biết tất cả những niềm đau của mẹ, cũng không tránh được việc làm cho mẹ phải lo âu phiên não vì những sự chọn lựa khác thuờng của tôi. Khỏang cách giữa tôi và mẹ chính là nỗi buồn tôi đã mang vào đời mẹ, tạo thành một phần trong màn đêm của mẹ. Và mẹ tiếp tục lo lắng cho tôi: từ miếng ăn, sức khỏe, cho đến ngôi nhà bỏ hoang khi tôi đi vắng, xa nhà, cho đến tiếng bấc tiếng chì trong cộng đồng di dân.

Nỗi lo lắng cho chông, cho con, cho người chung quanh, tiếp tục cho đến ngày bà liệt giường liệt chiếu…

Tôi biết rằng, trước cơn hoạn nạn bệnh tật không may cuối cùng, kể từ 1975, hình như mẹ tôi mang bệnh mất ngủ và gần như uống thuốc triền miên, dù bà vẫn nói cười và hết lòng trong việc từ thiện …

---

Màn đêm của mẹ tôi!

 Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam mang trái tim tha thiết vì tha nhân, cặm cụi đi tìm tia chiếu của những ngôi sao xấu, để mang tấm thân mình ra làm bình phong ngăn chận những tia chiếu vô cùng hung hãn ấy. Lúc nào bà cũng chịu thiệt thòi cho tha nhân được huởng phần hơn. Và bà gọi đó là tình bạn, tình người ….

Những ngày tháng mẹ tôi liệt giường liệt chiếu vẫn tiếp tục trôi qua. Những người đã chịu ơn sự giúp đỡ của bà, người Mỹ có, người Việt có, lần lượt đến thăm... Có người ghé thăm rồi thảng thốt và mủi lòng đứng khóc. 

Nhưng rồi, càng ngày càng thưa thớt đi, những thắm thiết và bịn rịn của mọi người chung quanh.  Chỉ còn tôi với mẹ. 

Còn lại là màn đêm của bà, và đứa con gái đầu lòng là nhân chứng bất đắc dĩ của màn đêm ấy.

***

Mẹ tôi chỉ còn có 74 pounds, bà không thế gượng ngồi dậy một mình. Bà không thể xoay đổi thế nằm. Phải có người bế, có người đẩy. Nhưng khi được mang ra ngồi ở bàn ăn, mẹ tôi nắm lấy cạnh bàn để ngồi cho thẳng trong xe lăn. Rồi bà đan hai tay vào với nhau, để ngay ngắn trên bàn -- phong cách ngồi của một cô giáo, một nữ nhân có học và có lòng tự trọng, không phải của người đầu hàng trước sức khỏe èo uột, hay gục ngã trước căn bệnh trầm kha.

Tôi vẫn làm người đầy tớ trung thành cho mẹ. Vẫn chăm chú nhìn đôi môi run rẩy của mẹ hé mở đón từng muỗng cháo, từng miếng trái cây đã cắt nhỏ hoặc xay mềm. Vẫn mừng rỡ cho mẹ thải ra được chất nhơ qua hệ thống tiêu hóa đã mòi mòn.

Tôi chống đỡ với số mệnh. Tôi làm người “cắt sao” cho mẹ tuy không bước chân vào đền thánh nào cả.  Tôi không còn dịp lái xe chở bà đeo mang “lộc thánh” để chia xẻ với những linh hồn côi cút không chỗ trú chân, không người thờ cúng, trong thế giới siêu hình.

Và tôi vẫn bắt gặp, vẫn nhìn thấy ánh mắt chăm chú hết gan hết ruột của mẹ trong màn đêm, dưới ánh đèn mờ, từ chiếc giường sắt … Ánh mắt thăm thẳm như cả một vũ trụ đối diện người phụ nữ vì thuơng chồng con và hết lòng với mọi người mà lần mò trong bóng đêm để đi tìm những vì sao…

---

Ngày lại ngày, mẹ tôi vẫn thường mở mắt lúc nửa đêm, hay lúc trời tờ mờ sáng, những khi tôi phải thức dậy làm vệ sinh cho bà trong ánh đèn leo lét. Đôi mắt bà nói lên cả ngàn lời mà tôi không nghe được. Bà đã thao thức từ bao giờ? Màn đêm ấy bao phủ bà như thế nào? Đâu là giải ngân hà để bà đi qua bằng tâm thức?

Càng suy nghĩ về mẹ tôi, tôi càng tin tưởng rằng: Trong kiếp này, mẹ tôi đã tạo được cho chính bà một giải ngân hà kết toàn bằng những vì sao thánh thiện, sẽ che chở cho tấm thân nhỏ bé và trái tim vô cùng vị tha của bà. Suốt cuộc đời, mẹ tôi chưa hề làm ác hay hại ai bao giờ. Bà cho đi rất nhiều mà nhận chẳng bao nhiêu. Nếu có trách móc ai, đó chỉ là lời mẹ tôi than thở về định mệnh: số kiếp của những kẻ giàu tri thức, giàu tình cảm, nghèo vật chất, có tất cả, mất tất cả, hay cho đi tất cả, chung quy cũng chỉ là sự chịu đựng tia chiếu của các sao Địa Không, Địa Kiếp!!!

Có chăng, chỉ là câu than thân trách phận của người phụ nữ Việt Nam, khi phải một mình đi tìm cắt những vì sao…


***

Rồi từ đó, từ khái niệm của màn đêm, ở thời điểm này, tự nhiên tôi bắt đầu đi tìm mua cho mẹ những món đồ dùng hàng ngày có mang theo hình ảnh hoa hướng dương: tôi chỉ có thể tìm thấy ít chén bát, khăn ăn, khăn lau mặt…

Tôi loay hoay muốn có hình ảnh của hoa hướng dương chung quanh thế giới cô đọng vào chiếc giường bệnh của bà. …Tôi không muốn đi hái hướng dương ở ngoài đồng hay mua ở tiệm, vì e rằng phấn hoa có thể làm mẹ tôi bị khó khăn hay gây ô nhiễm đường hô hấp. Tôi sẽ phải quay về với nhũng cánh hướng dương tưởng tượng trong thế giới sáng tạo của hội họa.

Tại sao lại là hoa hướng dương?

Tôi suy nghĩ mãi về màn đêm của mẹ tôi và cho rằng con đường của mẹ tôi đi tìm những vì sao ác tính để cắt bỏ chúng, bắt buộc phải có sự hướng dẫn của một nguồn ánh sáng rực rỡ, trong lành. Tôi kết luận rằng nguồn ánh sáng ấy đến từ trái tim vượt bực của mẹ tôi. Với nguồn sáng ấy, màn đêm, sự lẫn lộn giữa sao ác và sao hiền trong vũ trụ bao la dầy đặc một màu đen kia sẽ trở thành vô nghĩa lý. Sự khác biệt hay ngăn chận giữa sao tốt, sao xấu bằng một giải ngân hà tốt đẹp sẽ không còn cần thiết nữa nếu mẹ tôi nương theo nguồn ánh sáng trong lành của mặt trời để cắt bỏ tất cả những vì sao hung hãn.

Cánh hướng dương của mẹ tôi nằm ngay trong tâm khảm của bà: ý niệm của lòng thành tuyệt đối, đã thôi thúc bà không quản ngại đi vào vũ trụ tối tăm để cầu xin sự buông tha của các vì sao xấu, để ngăn chận những tai ương của định mệnh, tất cả cho người chứ không phải cho mình.

---

Ấy thế mà trong những chuỗi ngày mẹ tôi liệt giường liệt chiếu, như một định mệnh oan nghiệt tạo ra bởi những vì sao xấu – những oái oăm tôi không thể ngờ tới, những khúc quanh tôi không muốn giải nghĩa cho tha nhân -- tôi đã phải để mẹ tôi nằm một mình với màn đêm của bà. Những vì sao độc vẫn còn ngự trị nhưng mẹ tôi sẽ không còn hay biết nữa. Tôi trở thành người chống đỡ tia chiếu của những ngôi sao ác độc hướng vào bà và vào tôi – tôi biến tôi thành tấm bình phong che chở, để bà được yên bình không biết gì về những thầm kịch của cuộc đời chung quanh vẫn còn tiếp tục. Thay vì khóc lóc, tôi chỉ còn biết đem đến để chung quanh mẹ một vài món đồ mang hình ảnh đẹp của hoa hướng dương.

Để tiếp tục bước đi, tôi phải tự cho rằng mình là kẻ độc hành, kẻ mồ côi, không còn mẹ để chia xẻ những đau đớn trong đời, dù rằng mẹ tôi vẫn mở mắt nhìn đêm tối.

Những óai oăm, oan nghiệt của cuộc đời ấy đang tiếp tục xảy ra chung quanh cái giường sắt kiểu bệnh viện tại gia của bà. Nếu tôi ghi tất cả vào một cuốn nhật ký, thì đó sẽ là cuốn nhật ký cần đem đi đốt, để tro bụi của những trang giấy bi thảm ấy sẽ không làm vướng bận đến giấc ngủ và trái tim mang bông hoa hướng dương của mẹ tôi.

Tôi nghĩ rằng những khắc nghiệt bất công của cuộc đời, những độc dược đến từ con người, chính là mớ tro bụi ấy. Tôi sẽ không bao giờ để cho mớ tro bụi ấy vướng lụy đến chỗ nằm thánh thiện của mẹ tôi.

Và tôi vẫn tiếp tục cầu mong cho mẹ tôi lành bệnh, được chừng nào hay chừng ấy. Tôi tin vào sức sống bền bỉ của mẹ tôi (life force), tin chất mầu nhiệm của sự nhiệm mầu (the miraculous nature of miracles). Và tôi vẫn tin tưởng y khoa. Nhưng tôi cũng chấp nhận rằng, ở kiếp này, chắc tôi không bao giờ còn được dịp đưa mẹ đi cắt sao buổi tối ở đền Thánh. Tôi không còn được giúp mẹ đem thảy lộc Thánh vào con rạch giữa thành phố, trong màn đêm.

Tôi chỉ còn có thể nhớ mãi ánh mắt của mẹ tôi chăm chú nhìn tôi khi tôi thức giấc làm vệ sinh cho bà và đó sẽ là hành trang còn lại độc nhất trên con đường thiên lý tôi đi. Trên con đường ấy, tôi chỉ có thể giữ lại cho bà, và cho mình, cánh hướng dương độc nhất. Cánh hướng dương không bao giờ tàn phai, vì ánh sáng của nó là muôn thuở. Nụ hướng dương ấy nở tung trên những ngón tay gầy guộc của mẹ tôi đi tìm những ngón tay của tôi dưới nếp chăn hay níu vào thành giường những ngày mẹ tôi liệt giường liệt chiếu. Đóa hoa nở tung trên khóe mắt xúc tích của bà. Nó tạo nên nụ cười yên lành trên đôi môi héo hon của bà, những buổi sáng trên giường bệnh, bà thức dậy và đã nhìn thấy tôi đứmg bêm cạnh giường. Nụ hoa hướng dương ấy sẽ là giải ngân hà cho chặng cuối đời bà, sáng óng ánh giữa màn đêm dày đặc.

---

My mother's sunflowers
(c) WND 2014

______

Tôi nhớ mãi giây phút sau đây, trong những ngày tháng săn sóc mẹ:

“Mẹ quay qua bên này với con,” tôi nói với bà một buổi sáng đứng bên cạnh giường.

I don’t know how to “qua,” bà trả lời bằng tiếng Anh, nhưng lại dùng chữ “qua” tiếng Việt. (Câu nói rất ngộ nghĩnh. Điều này nói lên tình trạng bệnh lý của bà: Khi một số tế bào não phia dưới, bên trái, đã mai một hay bị hư hại, trí nhớ gần (recent memory) và sự điều động khả năng ngôn ngữ bị xáo trộn hay rối loạn.)

Đôi tay gầy guộc của bà di động dưới tấm chăn như những lúc tôi nằm ôm mẹ, và tay tôi đi tìm tay bà. Rồi bà ngơ ngác nhìn tôi, đưa đôi tay gầy guộc ra trước mặt để phân bày. Như một trẻ thơ…Và rồi đôi tay gầy guộc ấy níu lấy thành giường để giúp tôi đẩy bà, vì bà biết bà không tự xoay người được nữa.

Tấm chăn và thành giường trở thành giải ngân hà cho mẹ tôi bám víu???

Giải ngân hà ở đâu, mẹ yêu thuơng của con?

Ở đây, ở nụ hướng dương quý báu của mẹ.

Tôi đã có câu trả lời, cho dù tôi rơi lệ.

---

Nụ hướng dương bất tử, ươm mầm, đến từ trái tim sáng ngời của mẹ tôi, nở trên những ngón chân yếu đuối, những ngón tay gầy guộc, mi mắt và khóe môi nhăn nheo, trên lồng ngực mỏng manh như tờ giấy của bà.

Nụ hướng dương ấy sẽ chẳng bao giờ tàn … cánh nở tung, rồi sẽ khép, quay về, lại bắt đầu ươm nụ, và bất tử, ở khởi điếm bắt đầu hay cứu cánh cuối cùng, tất cả trở thành một vòng tròn như luân hồi của đạo Phật, như giải ngân hà vòng quanh mặt đất bao bọc con đường đi của bà.

Nụ hướng dương làm rực rỡ màn đêm, vượt tất cả các vì sao. Xấu hay tốt, các vì sao sẽ nghiêng mình, cúi đầu, lu mờ trước cành hướng dương rực rỡ. Mẹ tôi sẽ không còn phải mò mẫm trong màn đêm của vũ trụ đảo điên để ngăn chận ánh sáng mục rửa của cái ác.

Ở đó, trên cành hướng dương, mẹ tôi tìm thấy hạnh phúc, yên bình, và sự che chở.

Nụ hướng dương bất tử ấy……

… chính là trái tim, TÂM THIỆN,* của mẹ tôi.
---
*Chú thích: Ngày xưa ở chùa Từ Đàm, Huế, mẹ tôi cho tôi, đứa bé lên bốn, quy y nhà Phật, lấy pháp danh là TÂM THIỆN.

Hình ảnh mẹ tôi, Giáo Sư Nguyễn Thị Từ Nguyên, ở trường Đồ̉ng Khánh Huế
đầu thập niên sáu-mươi 

Trìu mến ḱinh dâng hương hồn cuả Mẹ tôi, Bà Nguyễn Thị Từ Nguyên,
Giáo sư Việt Văn trường Trần Quý Cáp, Hội An, và Đồng Khánh, Huế,


DƯƠNG NHƯ NGUYỆN Copyrighted March 2, 2015; March 2023


3 comments:

  1. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
  2. Cua người phụ nữ Việtnam
    Thương yêu quý trọng âm thầm khắc ghi
    Nhọc nhằn vất vả ngại chi
    Mẹ hiền tần tảo chỉ vì con ngoan
    Trái tìm trong sáng nghĩa nhân
    Hy sinh chịu đựng ân cần chăm lo
    Tình yêu tỏa sáng thơm hương
    Hướng dương một đoá kính gửi
    Bà Nguyễn Thị Từ Nguyên cùng
    DƯƠNG NHƯ NGUYỆN

    ReplyDelete