VH Tiếng Nói Văn Học Việt Houston VH

VVH Tiếng Nói Văn-Học Việt-Houston (Viet Voice From Houston). Xin gửi bài vở về địa chỉ wendynicolennduong@post.harvard.edu. Contributing articles and commentaries should be submitted to wendynicolennduong@post.harvard.edu.

COPYRIGHT NOTICE AND DISCLAIMER

Về vấn đề bản quyền (copyright) cho tác giả Việt Nam của các bài viết được đăng tải ở đây: Chúng tôi nhận được những bài viết này từ độc giả hoặc từ các môi trường truyền thông của các nhóm người Việt, vì tác phẩm đã được phổ biến ở một môi trường công cộng nào đó. Chúng tôi mạn phép đăng tải theo lời giới thiệu của độc giả, dưới thẩm quyền "fair use exception" của luật trước tác bản quyền, vì làm việc cho mục đích giáo dục quần chúng, không vụ lợi. Nếu độc giả nào biết tác giả, xin cho chúng tôi biết để gửi lời chính thức xin phép, hoặc nếu tác giả không bằng lòng, xin cho chúng tôi biết ngay để chúng tôi lấy bài xuống theo ý của tác giả.

disclaimer re content

Quan điểm của tác giả hay độc giả trình bày ở đây không phải là quan điểm của người hay nhóm chủ trương VVFH, và vì thế chúng tôi không chịu trách nhiệm về những quan điểm hay dữ kiện đưa ra bởi tác giả hay độc giả. The views and supporting facts expressed by the authors or commenters published here are not necessarily those expressed or endorsed by VVFH or its editors. Accordingly, VVFH disclaims liability with respect to such content.

MỤC ĐÍCH:

Lời nhắn với học trò Việt Nam của giáo sư WENDI NICOLE Dương, cựu học giả FULBRIGHT Hoa Kỳ và cựu giáo sư luật đại học Denver:


Cô thành lập tập san này là đề cố gắng giữ lại những cái đẹp trong văn hóa cội nguồn của Việt Nam, đã giúp chúng ta đứng vững trên hai ngàn năm, dựa trên những giá trị đặc thù của người Việt nhưng đồng thời cũng là giá trị tổng quát của nhân loại. Hy vọng TIENG NOI VAN HOC VIET-HOUSTON, gọi tắt là VH, hay VVFH (Viet Voice from Houston) sẽ đến với người Việt trên toàn thế giới, qua độc giả thích văn chương văn học trong cả hai ngôn ngữ Việt-Anh, từ bàn tay và ánh mắt của một số it học trò Việt đang sinh sống ở Mỹ hoặc ở Việt Nam, của chính cô, cũng như của thế hệ đi trước biểu tượng là cha mẹ cô, những giáo sư ngôn ngữ.


Wendi Nicole Duong (Nhu-Nguyen) tháng tư April 2015

TRIO OF WATER LILIES

TRIO OF WATER LILIES
TRIO OF WATER LILIES enamel, markers, pen and pencil on paper. artwork by Wendi Nicole Duong copyright 2013: in all three regions of Vietnam, one can always find Hoa Sung, water lilies!

Saturday, July 25, 2020

SU RA DI CUA VAN SI TUY HONG



FAIR USE EXCEPTION TO COPYRIGHT:

https://damau.org/65079/ty-hong-qua-ci-nhn-cua-hoc-gia-tn-nu-nha-trang


Túy Hồng qua cái nhìn của học giả Tôn Nữ Nha Trang(Trích đoạn)
Nguyên tác: Women Writers of South Vietnam – 1954-1975
Chuyển ngữ: Trùng Dương
Trong khi Nhã Ca và Nguyễn Thị Thụy Vũ chuyên chú vào việc mô tả tình thế khó xử của người đàn bà trong những hoàn cảnh cay nghiệt, chú tâm chính của Túy Hồng nằm ở việc tái duyệt xét sâu sắc vị thế của người phụ nữ trong mối liên hệ nam-nữ.
Túy Hồng sinh ra dưới tên Nguyển Thị Túy Hồng tại làng Chí Long, Tỉnh Thừa Thiên, vào năm 1937. Bà lớn lên tại Huế, theo học các trường trung học Đồng Khánh và Quốc Học, rồi trải qua hai năm tại trường Đại học Huế, tới năm 1961 thì quay qua dậy học. Lần đầu tiên bà thử sáng tác là vào lúc chờ nhận nhiệm sở đi dậy học, và truyện đầu tiên của bà là “Bát Nước Đầy,” do tạp chí Văn Hữu in vào năm 1961. Sau đó lần lượt xuất hiện những truyện ngắn khác trên Văn HữuBách Khoa, và Văn, ngay lập tức lôi kéo sự chú ý của độc giả và khiến bà trở thành một tác giả đáng kể. Một số trong những truyện ngắn này xuất bản thành sách với tựa Thở Dài (1964). Tiếp theo là tập truyện ngắn Vết Thương Dậy Thì (1965). Cả hai tập cùng được xuất bản tại Huế. Vào năm 1966, Túy Hồng cùng gia đình dọn vào Sài Gòn, tại đây bà kết hôn với Thanh Nam, nhà văn, và tiếp tục vừa dậy học vừa viết văn. Sau khi sinh con trai đầu lòng vào năm 1968, bà nghỉ dây học và chú trọng vào viết văn toàn thời. Thời kỳ viết sung sức nhất của bà là từ 1969 tới 1972 khi bà viết thường xuyên cho trên hai mươi nhật báo và tạp chí. Bà cũng còn dùng bút hiệu Hân Tố Tố cho những bài phiếm viết vào 1969-1970. Tới tháng Tư 1975 bà đã xuất bản hai mươi cuốn sách, quan trọng nhất là Thở Dài (tập truyện ngắn, 1964), Tôi Nhìn Tôi Trên Vách (tiểu thuyết, 1970), và Những Sợi Sắc Không (tiểu thuyết, 1971).
Thở Dài gồm năm truyện ngắn. Truyện ngắn dùng làm tựa tập truyện kể về hoàn cảnh của một cô giáo trẻ khi nhỏ bị một lính Pháp hiếp, cảm thấy mình bị cô lập với các bạn cùng trang lứa, bị ám ảnh bởi nỗi sợ trở thành gái già vì người đàn ông duy nhất hiểu và chập nhận được cô thì lại ở ngoài tầm với. “Vòng Tay Anh” kể về kinh nghiệm của một cô giáo khác đã yêu thương một người đàn ông suốt ba năm mà không biết là anh ta đã có vợ và là cha của năm người con. Cô ngủ với anh ta trong cơn tuyệt vọng để khám phá ra anh ta không xứng đáng với nỗi nhục nhã và đau đớn của mình. “Ngày Xuân Đêm Xuân” kể về một cô công chúa nhà Nguyễn nổi loạn đối với đời sống ngột ngạt, trì trệ trong Hoàng Thành. Sự nổi loạn của cô là thẳng thắn khước từ cung cách đạo đức áp đặt trên cô qua việc đối xử tệ với người chồng chọn cho cô và mối tình của cô dành cho một người đàn ông khác ngay sau khi chồng cô bị giết chết. “Nhìn xuống” mô tả tâm trạng bối rối của một cô dâu trẻ sống chung với đại gia đình nhà chồng với bà mẹ chồng ghen tuông đã phá hỏng hoàn toàn hạnh phúc của cô, một phần của hạnh phúc ấy cô đang tìm lại được khi biết mình mang thai. “Lòng Thành” trình bầy hoàn cảnh của một cô ca sĩ trẻ mong ước một cuộc sống riêng tư làm vợ và mẹ, song bị chồng áp lực phải tiếp tục bán giọng ca của mình để tăng thêm ngân quỹ gia đình. Với giọng ca ngày một sa sút, kết quả là lợi tức suy giảm khiến chồng cô hết còn tình cảm đối với cô, và sau khi con cô chết vì thiếu sự săn sóc của mẹ, cô tìm an ủi nơi một cô bạn, người mà sau đó lại là kẻ chính phục trái tim của chồng cô ca sĩ.
Tôi Nhìn Tôi Trên Vách là tiểu thuyết đầu tay của Túy hồng, xuất bản năm 1971. Đây là câu chuyện về cuộc hôn nhân giữa một phụ nữ không-còn-trẻ-lắm xuất thân từ Huế, với một nhà văn không-còn-trẻ-lắm gốc Bắc, cả hai gặp nhau khi cùng sống ở Sài Gòn. Cuốn tiểu thuyết mô tả đủ loại xung đột [Bắc, Trung, và Nam], những xung đột càng trở nên phức tạp khi họ quyết định dọn về sống chung với gia đình của người vợ, gồm cha mẹ và các em của nàng. Sự bất bình và khó chịu của người vợ vì tình trạng bất bình đẳng trong hôn nhân vì bà phải hy sinh và tỏ ra rộng lượng hơn được tác giả diễn tả một cách hiện thực và châm biếm hài hước.
Những Sợi Sắc Không, tác phẩm mà tác giả hài lòng nhất, đã đem về cho bà Giải Văn Học Quốc Gia năm 1971. Tiểu thuyết này đã được đăng từng kỳ trên tạp chí Vấn Đề từ tháng Mười 1967 tới tháng Mười Hai 1970, và chưa cả xuất bản thành sách khi bà gửi đi dự thi. Chuyện kể về giai đoạn vừa anh dũng vừa bi thảm đối với người dân Huế khi giới trí thức trẻ bắt tay với giới Phật tử để lật đổ nền Đệ nhất Cộng hòa dưới thời Ngô Đình Diệm. Trong thời gian sau khi nhà Ngô bị lật đổ đã diễn ra sự chia rẽ giữa các nhóm một thời liên kết. Giới sinh viên thì muốn duy trì cái nhìn lý tưởng về một cuộc cách mạng và muốn dân chúng theo họ trong cuộc tranh đấu chống lại chính quyền; tuy nhiên giới Phật giáo thì lại từ chối không muốn tiếp tục tổ chức chống đối. Trong bối cảnh đó là hai nhân vật nữ trẻ tuổi: một gia nhập phong trào vì những lý do lý tưởng; người kia, một nhà văn đang lên, tham gia để có dịp tìm hiểu tình hình nhiều hơn. Kinh nghiệm của các nhân vật này phản ảnh tình trạng rối rắm, rối loạn, và thay đổi mãnh liệt trong thực tại xã hội tại Huế – điều này còn bao gồm cả việc khước từ khuôn thước của các định chế xã hội chưa từng xẩy ra nơi nhà văn trẻ.
Túy Hồng cũng còn viết về phụ nữ trong yêu đương. Đây là những phụ nữ có bề ngoài trung bình và thuộc gia đình tầm thường, hoặc kết hôn trễ hoặc còn độc thân trong khi các bạn đồng trang lứa may mắn hơn đã ổn định chuyện chồng con. Việc họ đã quá tuổi kết hôn và bị xã hội nhạo báng hay kết tội đã khiến họ nghĩ về tình yêu như một thỏa mãn lãng mạn riêng tư, song đúng ra là để tự phóng thích khỏi cảnh không chồng. Áp lực tuân theo những đòi hỏi của xã hội thường đẩy họ vào các liên hệ tình cảm và tình dục ngoài ý muốn, khiến họ bơ vơ, khao khát của họ không được tiếp nhận và thỏa mãn. Các [nhân vật] phụ nữ này bác bỏ và chỉ trích những định kiến xã hội không còn hợp thời và đã cho họ rất ít chọn lựa, song cuối cùng thì họ lại bị lôi cuốn vào các định chế đó.
Khác với các nhân vật phái nam vốn dĩ là ích kỷ của tác giả Linh Bảo, người đàn ông trong tác phẩm của Túy Hồng được trình bầy như cũng là nạn nhân của hệ thống xã hội [cổ hủ] này. Bởi chính họ đã từng bị nhồi sọ việc coi phụ nữ phục tòng và chịu mọi bất lợi là điều đương nhiên nên chính họ cũng không thấy chọn lựa nào khác – cho họ cũng như cho người đàn bà. Túy Hồng mô tả cái địa ngục mà những người phụ nữ trẻ không chồng này phải trải qua ở mức độ sâu xa nhất của tâm lý của họ, luôn bị ám ảnh bởi bề ngoài và khát vọng tình dục, lùng bùng trong một mạng lưới yêu, ghét, ganh tị, ghen tuông, hứng khởi, tuyệt vọng, tự thương xót – đầy dẫy ràng buộc của đạo đức đòi người đàn bà cho đi song không nhận lại được bao nhiêu. Sự chú tâm của nhà văn vào khối nữ giới vốn bị bỏ quên này đã, nói không quá, phong phú hóa nội dung của văn học Việt hiện đại. Khía cạnh tình dục trong liên hệ nam nữ, như đã trải nghiệm bởi người phụ nữ, chưa bao giờ đã được mô tả sâu sắc như vậy. Trên một khía cạnh khác, sự khoái lạc thể xác đã được diễn tả một cách có nghệ thuật, phần lớn qua kỹ thuật gợi hình hoặc qua ngôn ngữ, do đấy mà sự mô tả không bao giờ trở nên thô tục.
Khác với Nguyễn Thị Thụy Vũ dùng ngôi thứ nhất để kể chuyện của các nhân vật của mình, các nhân vật nữ của Túy Hồng được trình bầy như là chính họ dùng ngôi thứ nhất để kể lại chuyện của họ, khiến kinh nghiệm và cảm xúc của họ có cái gần gũi và xác thực một cách sâu sắc. Tuy nhiên, trên cả cái nhìn soi sâu này có lẽ đã khơi dậy sự tò mò của nhiều độc giả, mà còn là thái độ của tác giả đối với một chủ đề đã tạo nên một chỗ đứng riêng biệt cho bà so với đồng nghiệp. Bà có thể được nhìn như cây bút hài hước thuần thành qua khả năng sử dụng chất liệu của mình với giọng châm biếm khiến người đọc phải bật cười đồng thời không khỏi suy nghĩ. Trong khi văn của Linh Bảo tế nhị và cay đắng xuất phát từ cảm nhận về các nghịch cảnh lố bịch của đời sống, ta tìm thấy trong nghệ thuật của Túy Hồng sự châm biếm vừa trào lộng vừa huyên náo của một người đàn bà luôn cằn nhằn trong khi nêu lên những lề luật và định chế phi lý khôi hài trong khi chính mình lại đang ngụp lặn trong đó. Theo thời gian, tính hài hước nghịch ngợm này dần bớt huyên náo và trở thành phê phán tinh tế hơn, chuyển biến từ hành động sang nhận định châm biếm – thể hiện qua những câu đối thoại khai triển một cách có nghệ thuật. Khai thác tâm lý nhân vật và xử dụng đối thoại là hai khía cạnh nổi bật trong văn chương của nhà văn. Sâu xa hơn thì ta có thể nói là chính qua đối thoại mà tâm lý nhân vật được phơi bầy hơn là qua những mô tả động tác. Sự căng thẳng của cốt chuyện, qua các chuyển biến bất ngờ trong đối thoại, khiến người đọc thích thú theo dõi, và từ đó thấm đượm một cách tự nhiên việc xây dựng nhân vật của tác giả.
Cuối cùng, ta có thể đưa ra giả thuyết là văn phong của Túy Hồng ngầm chứa một nỗ lực tìm kiếm sự mới mẻ cho văn chương Việt hiện đại, một quan tâm của nhiều người đồng thời với bà. Quả thế, bà không bước theo con đường mòn đầy những ngôn ngữ sáo mòn vay mượn không phù hợp với kinh nghiệm địa phương. Bám sát cái bột phát tự nhiên xuôi chảy của tiếng địa phương Huế nơi bà sinh trưởng, bà sản xuất ra một văn phong gói gọn nhịp đập của đời sống ấy vào thế giới bà tái tạo trong tác phẩm. Đọc văn bà là nghe cái giọng Huế mô tả người và vật trong ngôn ngữ và châm ngôn địa phương thuần khiết; là lắng nghe những diễn tả đầy phản kháng bí mật và tinh quái của phụ nữ Huế đằng sau cái bề mặt bảo thủ và khắc khổ của một thành phố kiêu kỳ. Đọc bà là thấy cái độc đáo của tiếng Huế chộn lộn với tiếng mẹ đẻ vốn phong phú trong so sánh và ẩn dụ, và đầy âm điệu. Sự so sánh của bà thật bất ngờ và thông minh, do đấy không hề buồn chán; thay vì thế, chúng cho ta cái thú vị ở chỗ tìm thấy cái gì đó quen thuộc cách lạ lùng. Cũng vậy là việc bà khéo léo dùng những từ thông thường và cả sáo ngữ nhưng mang nghĩa mới, trong một bối cảnh nào đó, song ai cũng hiểu và chấp nhận. [Dứt trích đoạn]

Sunday, July 19, 2020

cung tich bien va cai nhin ve van hoc VN: "thương tật VN"

http://vanviet.info/gap-go-va-tro-chuyen/phong-van-nh-van-cung-tch-bien-ky-1/
17 Tháng Bảy, 2020

Phỏng vấn nhà văn Cung Tích Biền

Phạm Viêm Phương thực hiện

Kỳ I.
Một cách Ra-Đi. Một Đời viết.
Cái đuôi con thằn lằn đứt lìa này
biết bao giờ ráp lại
cái thân mình thương tật Việt Nam
[Lời Nhà văn Cung Tích Biền trả lời phỏng vấn]

Phạm Viêm Phương: Thưa Nhà văn, ông đã qua xứ người được hơn ba năm rồi, và chắc mọi sinh hoạt đã đi vào nề nếp ổn định?

Cung Tích Biền: Thưa anh, nói về sự ổn định của một người cầm bút thì hơi khó, dù “ổn định” hiểu theo cái nghĩa thông thường nhất.
Tôi xin nói thật một điều. Tôi nguyện ở lại với quê nhà, và đã ở được hơn bốn mươi một [41] năm, kể từ tháng Tư năm 1975. Nay phải sang Mỹ định cư, vì vợ, các con và các cháu của tôi đã có quốc tịch từ lâu bên ấy; và, vì tuổi tác gia đình không đành để tôi sống một mình thiếu người chăm sóc tại Sàigòn; những điều kiện ấy buộc tôi phải đành lòng.
Tôi vốn thức ngủ, từ hơn ba mươi năm nay, với nhiều căn bệnh nan nguy lẫn những bệnh mãn tính cần thường trực phải có thuốc chữa trị hằng ngày tới suốt đời. Tôi là một bệnh-nhân-chuyên-nghiệp của nhiều khoa, mà tiêu biểu là hai khoa ung thư và tiểu đường, tại bệnh viện FV [Pháp Việt] Sàigòn, rất hao tiền tốn của. Tại Xứ người, tôi được cung cấp đầy đủ không sót một món thuốc trị bệnh và vật dụng y khoa nào. Có thể nói là được cấp thừa những thứ mình cần có. Bốn tháng bắt buộc xét nghiệm máu toàn bộ, và tái khám một lần. Tất cả chi phí khám bệnh, chăm sóc y tế, tiền thuốc men là do nhà nước cho không, tôi không phải chi trả một đồng cắc nào. Lại được sống trong một đất nước tương đối là có đủ các quyền tự do hành xử, một xã hội văn minh, mọi người luôn dành lòng thân ái cho nhau.
Tôi xin mở một dấu ngoặc. Tôi không có ý ca ngợi nước Mỹ, điều ấy là không cần thiết. Văn minh hay lạc hậu, giàu nghèo, xấu tốt, nơi đáng sống hay nơi đang bị cướp mất quyền sống của con người, đó là những hiện thực, cái đang-là, trên mỗi đất nước. Định mệnh đã sẵn vậy rồi. Khi trả lời, nếu những điều tôi nói có liên quan tới người Mỹ, nước Mỹ, đó chỉ là những cứ liệu cần thiết phải nêu ra, để minh chứng, khi trả lời câu hỏi, mà thôi.
Vậy, hiện nay, là ổn định, là sung túc. Ngồi trước bàn viết đủ mọi phương tiện; tự do rất mực, muốn đọc gì trên mạng Internet thì đọc, không phải vượt tường lửa; không hề có một quyển sách nào bị chính quyền cấm đoán tịch thu, phải chuyền tay xem chui; muốn viết gì thì viết, in ấn tha hồ; viết cái gì in ra cái đó, không hề có ai kiểm duyệt; chẳng bị ai tóm cổ cho vào nhà giam; hoặc cảnh cáo bằng cách cho xe cán gãy xương sườn, hoặc lọt tỏm trong lòng chiếc xe tải may mà sống sót.
Nhưng giờ đây, trong tôi, lây lất tâm thức, lại có một bất ổn khác. Đó là cái cách Ra-đi.
Với tôi, hãy còn đâu đây, trong thân phận, một cái đuôi con thằn lằn run rẩy khi phải bị đứt lìa thân mình.
Anh ra đi từ đâu? Đâu phải đến Mỹ, từ Tokyo, Luân Đôn, một Paris hoa lệ. Đâu phải chỉ thay đổi cư trú từ một nơi bình an này đến một chốn an lạc khác. Ra-Đi! Rời bỏ quê hương tôi đã có, mới ngày hôm qua, hôm nay, và những ngày mai còn xa lắc lơ, vẫn một Việt Nam trong hoàn cảnh xót xa như anh hiểu. Tất cả tình cảm, những tài sản tâm linh, đâu phải cái va-ly hành lý muốn mang theo, là gởi máy bay đi theo. Ổn định làm sao trong bước đi, mắt nhìn!
Đến một xứ sở không riêng con người, tới con vật cũng có luật lệ bảo vệ, công bình. Một nền văn hóa đã rất đỗi quen thuộc, rằng con người có thật lòng yêu thương nhau, vì mối tương sinh, trường tồn chung cùng trên một mặt đất. Sống trong một cõi người cõi vật như thế, tôi thấy mình mang một nỗi đau ám ảnh; khắc khoải hơn khi ở ngay trên quê nhà.
Nay tôi đã ngoài tám mươi tuổi. Cái kiếp bình sinh đã hóa màu, chẳng còn bừng sáng rực rỡ của nắng mai. Mỗi chiều xuống, mỗi khuya lơ, vào các blog, các facebook của bà con anh em ở quê nhà, là đầy rẫy những lời than oán, căm hờn, những tâm sự sâu thẳm, những cõi lòng khao khát tự do, những tiếc nuối bao la danh dự con người bị bất ngờ tướt đoạt.
Mà, lời-trên-mạng ấy là của ai? Chỉ những ai còn tấm lòng yêu quê hương, những tâm thức lung linh, trong ngần mong mỏi một xã hội có tự do công bằng, quyền con người được tôn trọng, bản đồ của đất nước nghìn năm mỗi ngày không bị mòn nhỏ lại, như một thân thể bị teo cơ.
Quả thật, bên kia biển, nơi bãi bờ cố quận, một trời nguy hãi, triệu con người đang trong vực thẳm. Nghĩ quẩn nghĩ lung, phải chăng mình là một kẻ ích kỷ, kẻ phụ tình, không còn cái tình chung trong chịu đựng một số phận cùng bà con anh em, với quê nhà.
Tôi thật sự thấy mình luôn không chút nào bình an.
Cái đuôi con thằn lằn đứt lìa này biết bao giờ ráp lại cái thân mình thương tật Việt Nam.

Phạm Viêm Phương: Tôi trân trọng những điều ông vừa tâm sự. Chúng tôi hiểu ông ở lại quê nhà, sau 1975 đến nay, cũng đã hơn bốn mươi mốt năm, cũng đẫm mình đầy đủ trong cuộc trầm luân như chúng tôi. Nhưng dẫu sao, và đầu tiên, ông cũng có thể kể về một ngày thường lệ, một ngày thường gặp nhất trong cuộc sống của ông không, để bạn đọc dễ hình dung ra kiểu sống và làm việc của một người cầm bút hơn sáu mươi năm?

Cung Tích Biền: Nói cho rốt ruột, một ngày đời của tôi, hô hoán cho vênh vang, Đời một nhà văn, ngày nào cũng chỉ là một ngày cằm cụi làm ra “Cái-vô-dụng”.
Nhân loại hôm nay có bao nhiêu nhu cầu thiết cấp đều đã được đáp ứng đầy đủ. Cần gì thì cần, chẳng ai cần văn chương. Đã qua thời văn chương là vũ khí, là vận động cách mạng, chấn hưng dân trí, tấm gương soi đạo lý làm người. Với “giặc corona”, người ta trữ gạo, thuốc men khẩu trang mỳ gói, chẳng ai mua về nhà vài quyển tiểu thuyết, tập truyện ngắn.
Vậy mà “Vô dụng đã hơn sáu mươi năm?” Hẳn, tôi là một người vô-dụng-chuyên-nghiệp.
Một đời thành bại nhục vinh, đói no lây lất cũng chỉ với ngòi bút và chữ nghĩa của mình. Xem Cái-Viết như một định mệnh, một hành nghiệp trọn đời.
Nơi “nhất thốn tâm tư”, chỗ tấc lòng, nghiệp oan nghiệp chướng! chỉ tự nơi người thừa nghiệp riêng biết, riêng chịu.
Tôi không ảo tưởng, chỗ tháp ngà, cho rằng việc cầm bút là một thiêng liêng cao cả, nhà văn là một kẻ cao quý hơn người. Chỉ là trời đày vào chỗ “Oan, chướng”, mà thôi. Cái nghề tồi, ta có thể đổi nghề xịn. Nghiệp chướng, thì luôn khó thoát.
Có người cho rằng viết lách chỉ là một trò chơi, tác phẩm là một đồ chơi. Chao ơi, được vầy vui sướng quá.
Những bậc tài danh cổ kim, từng lưu đời những danh tác, tất thảy đều có một lời nấu-cao-nỗi-lòng:
Với Viên Mai, “Lập thân tối hạ thị văn chương – tệ mạt nhất là dùng văn chương để lập thân”.
Nguyễn Du, “Văn tự hà tằng vi ngã dụng – chữ nghĩa ta dùng giúp được gì cho ta
Nguyễn Khuyến cũng từa tựa Nguyễn Du thuở kia, “Sách vở ích gì cho buổi ấy!”
Nguyễn Vỹ thì chén cơm manh áo hơn, “Nhà văn An Nam khổ như chó”.
Biết vậy, được răn đe vậy, nhưng tôi đã trót chọn Con đường chữ nghĩa từ thuở đầu đời, lúc hồn lâng lâng, trái tim hai mươi bừng nở tình yêu, hy vọng. Hôm nay, già mái đầu mới thấy ra, Tản Đà phán đúng bon, “Văn chương hạ giới rẻ như bèo”. Tuy vậy cũng đành sùng bái cái nghiệp đã trót mang. Khó mà giữa đàng “dứt gánh tương tư”.
Trả lại cho ai đây? Trả lại ông Phật, Đức Chúa, Mẹ cha!
Chết đi, được ông Trời cho vào trại học tập cải tạo, đề mần người kiếp sau; kiếp sau, tôi vẫn nguyện làm cái việc “tối hạ”. Tôi, kẻ vớt bèo.
Đôi khi nghĩ xà quần, y rằng đánh lận con đen, là vầy:
Làm ra cái “hữu dụng”, sẽ luôn bâng khuâng, “Có một ngày nó chẳng còn hữu dụng”.
Làm ra cái “vô dụng” ta luôn nuôi hy vọng, “Sẽ một ngày nó hữu dụng”.
Có gì thảm trạng hơn, bám vào cái vô dụng mà sống, suốt cả một đời người.

Phạm Viêm Phương: Đành vậy, mong ông trở lại với câu hỏi, chỗ sinh hoạt bình thường, nơi ông gọi là một kiếp-phận-đã-rồi.

Cung Tích Biền: Một ngày thường lệ, một ngày thường gặp nhất trong cuộc sống của một nhà văn? Đó luôn là một ngày bất thường so với cuộc sống bình thường của mọi người.
Hắn, cái từ thân yêu nhất để gọi, cũng như mọi người, một ngày như mọi ngày, cần ăn uống, ngủ nghỉ, giải trí, làm việc. Được liệt vào loại “lao động trí óc”, hắn lại khác với những nghề “lao động trí óc” khác.
Luôn riêng biệt trong mọi sinh hoạt cộng đồng, và luôn cô đơn dù ngay trong gia đình, họ hàng. Có thể, được nhiều người quý trọng, nhưng người được quý trọng ấy luôn lánh mặt, ẩn mình để được riêng cõi tịch mịch.
Cho dù có dịp uống cùng bữa rượu, cốc cà phê, trò chuyện chỗ đông anh em, hắn vẫn luôn là kẻ một-mình. Một hắn chỗ chung chạ, và một hắn nữa là cái phần phân thân, tách thoát. Ăn ngủ trong đời thực, viết lách với cõi riêng tây, mộng ảo.
Cầm bút, với hắn, không là nghề tay trái. Không công sở, không lệ thuộc vào bất cứ giờ giấc nào do tập thể quy định. Nếu có sự quy định, sự lệ thuộc, ra kỷ luật, hoặc “vô kỷ luật”, giả dụ khi khỏe mạnh đi rong chơi, không muốn làm việc, lại lúc mệt mỏi, nhưng được gợi hứng, có thể làm việc cực lực thâu đêm; ấy là do tự thân quyết định.
Suy tư kịch liệt hay mộng mơ thơ thẩn, nhà văn cũng phải ra công lao động, miệt mài tối sớm mới có tác phẩm. Nhưng sự gia công ấy qua một thể thái thoát thường.
Một ngày, mọi người có tám giờ đồng hồ để làm việc, hắn có thể không làm gì cả, vì không chút hứng gợi. Đêm, khi mọi người yên ngủ, bên ánh đèn, hắn một mình, cặm cụi thâu đêm. Ấy là lúc, bị thao túng bởi cuộc viễn du trong mộng tưởng. Thế giới của hắn là từ một cõi đời có thật, một nhân gian cụ thể, được mang vào trí tưởng, và tu sửa nó, biến hóa nó theo mực độ trí tuệ và tài năng riêng mình có. Nhà văn, ăn ngủ, yêu đương, làm tình, đi về, hít thở trong hoa cỏ bụi bặm, vạn sự có thật ấy, và “tác phẩm của hắn đi ra”, phải/ là /có /của, một thế giới khác, có khi huyền ảo, trừu tượng, siêu thực.
Một cách khác, nhà văn “hành nghề”, có thể, với-một-cái-không-có-thật, lẫn một-cái-gì-chỉ-có-thật-qua-biểu-cảm-trừu-tượng. Thường hằng “vật liệu, chất liệu” để viết, là những hoằng viễn liên tưởng, mộng tưởng; luôn là nối kết hiện thực với tiềm thức; cả với cái đã mất tích là vô thức, nay bỗng hiện về, điều động nhà văn lúc sáng tác. Hắn có thể nương nhờ thần linh biến hóa qua ngòi bút, để cái tục lụy, cõi nhân gian này trở nên đa biểu hiện, rõ mặt hơn.
Vì câu hỏi anh nêu, có dính dấp tới “cái sống“, “kiểu sống” và của “sáu mươi năm cầm bút của tôi”, nên tôi phải nói rộng ra, cho cạn nguồn cơn.
Một ngày của tôi, luôn là viết và đọc. Ham đó đây, tâm tình với người trong trang sách, đánh cờ tướng với một hảo thủ ảo trên màn vi tính, rong chơi thơ thẩn với chim chóc hươu nai nhảy nhót trong trí tưởng. Lúc nhắm mắt, tôi thấy cõi đời thần tiên hơn khi mở mắt thấy rõ hạt bụi con ruồi bay.
Khi viết, nếu lúc không gõ ngón tay lên bàn phím, tôi thường ngửa đầu ra phía sau, nhắm tít hai con mắt, không gặp thần linh thì cũng có lũ quỷ quây vờn. Truyện của tôi, anh thấy, hào phóng là những cái chết, kiểu cách chết, buồn nản chết, hăng hái chết, ma quỷ thánh thần luôn thay đổi chỗ ngồi cho nhau.
Mỗi ngày sống, mỗi đêm ngủ, chừng là tôi có gian díu với cõi vô hình, bị trói cột vào những đời đã mất; lọt tỏm vào cái hồ cái hang tiền kiếp. Chừng có thần linh vây bủa, có bọn âm binh tác động; tôi nhờ chúng, như ca sĩ nhờ ban nhạc, thêm nhịp điệu, thanh âm hô hoán. Tôi luôn nhờ cái hoang mị, huyền ảo, những cảm hứng “ngoài cõi” nghi ngút trợ lực. Anh đọc truyện tôi viết, là, đầy rẫy Xác-xương-máu-mùi-bóng-quỷ, hẳn anh hiểu. `
Tuy nhiên may mắn có nhiều đêm êm đềm, tôi thường mơ thấy những cảnh trí thơ mộng, những thị trấn nắng mới, bến sông, vòm biển với ghe thuyền. Cái lạ, thường lúc về sáng, chen lẫn trong cơn ngủ lơ mơ, là văng vẳng tiếng người, kể như ru, một câu chuyện, rất rõ đầu đuôi. Trong các sáng tác của tôi, có rất nhiều ảnh hưởng từ những câu chuyện kể, của kẻ vắng mặt này.

Phạm Viêm Phương: Nhưng hiện nay ông đang sống tại Mỹ, một xứ sở bên kia trái đất, thực tế là vạn sự khác biệt, hẳn nó tác động một cách triệt để tới việc sáng tác [suy nghĩ và làm việc] của ông? Ông có thể nói rõ hơn.

Cung Tích Biền: Ở trong nước, tôi như con mèo bị trụng nước…“sôi”, sang tới đây tôi là con mèo được tắm nước lạnh, nước lại được lọc sạch kỹ lưỡng. Cả hai hoàn cảnh, đều làm cho ta phải kinh ngạc.
Ở một nơi toàn bóng tối, một nơi thường trực chói lòa ánh dương, cả hai đều là sự bất bình thường.
Trong hai cái bất bình thường đông tây, tôi chọn Việt Nam, nơi, mới đúng nghĩa bất bình thường.
Quê nhà, bao nhiêu năm, là một kịch trường, bi hài đâu ra đó, hí lộng tràn đầy, kích động mê man; ác lạ, bạt mạng, cuồng si, đều ở đỉnh. Là, quyến rũ, thôi thúc người cầm bút phải nên-viết-một-cái-gì. Muốn viết một-triệu-cái-gì, cuộc thế quê hương tôi sẵn sàng có hơn một triệu cái gì, để viết. Lòng người, luôn cơn lốc, bộ não núi lửa, trái tim chập điện. Ngôn ngữ không êm đềm, đã thường trực trở ra hằn học, u uất. Dân chúng rất thừa mứa những nỗi oan, quan lại thì heo hút lương tri.
Nói túm cái quần què, những chất liệu phi luân tồi tệ, bãi rác vũng lầy, ruồi nhặng thần linh trà trộn, quỷ ma thánh thần chào bái nhau chia nhau tro cốt những xác chết dân lành, là nguồn cung cấp vô bờ, là thác đổ vào sự phong phú trên những trang chữ cho những ai dụng chữ thành văn.
Nhà văn đứng sừng sững trên bãi oan khiên. Chỗ này, tựa là lúc nhà vua đã an tọa vững chãi trên ngai vàng.
Ví rằng, xã hội thời nàng Thúy Kiều nếu không đầy mùi xú ế, quan lại không là đám diều quạ kên kên, em gái xinh đẹp Vương Thúy Kiều, gốc người An Giang, miền Tây Nam bộ không bị gia oan, thì đâu đến nỗi phải “xung phong mần đĩ” “ký hợp đồng dài hạn mười lăm năm lưu lạc” chỉ để thay cha, cứu nhà! Nếu không ứa máu đỉnh núi oan, Nguyễn Du mần răng trở thành thiên tài sẽ nghìn năm trong văn học.
Nhà văn, con bò gặm cỏ, bỏ đồng cỏ xanh Việt Nam hôm nay mà ra đi, thì thật uổng của. Lão nhà văn Cung Tích Biền nhất thiết không nên rời bỏ “Nơi tràn đầy thức ăn cho ngòi bút”; đồng xanh bao la, con bò Biền ăn no bụng, ăn thừa mứa, lúc khuya lơ trăng bạc thì ói ra, nhai lại trên trang giấy; hà tất đành chốn nơi mà ra đi.
Một nhà đấu tranh cho tự do nhân quyền, Việt Nam Hôm nay, cũng vậy. Tới được bến bờ tự do, thì, “Hết việc để làm”. Là, chìm lỉm xuống cái đáy tịch mịch. Bọn trẻ Phây với Búc chúng gọi là hết xíu quách.
Trong đấu tranh, để cấp cứu lâm nguy cấp thời, tình trạng ngộp thở nơi “quê ta hôm nay”, không có loại “Cách mạng từ xa”- remote. Một sống một chết phải ngay chỗ máu lửa, không thể cách ly hiện trường.

Phạm Viêm Phương: Nhưng một nhà văn hãy còn biết bao đề tài khác, những tình yêu khác, giảm đi sự thù hận thì ta ca ngợi tự do! Ông nghĩ sao về hai thế sự này.

Cung Tích Biền: Tôi hiểu, không phải chỉ trong môi trường sống đầy khổ nhục, bất công, mất quyền làm người mới có văn chương. Nhưng là một nhà văn Việt Nam hôm nay, không có gì khác hơn, để làm mồi nhóm lửa. Bếp lửa, trong nồi nấu không có gì ngoài máu thịt Việt Nam anh em của nhau. Luộc chín bạn bè. Nấu rục thiếu niên lấy xíu quách tính số lượng anh hùng. Văn chương không tự có bằng cách thủ dâm với những hạnh phúc, những tình người không có thực. Nhà văn, không sẵn sàng mang xà phòng thau nước đến rửa những bàn máu cho bọn sát nhân. Hãy cứ Viết ra sự thật. Hãy cứ nói về sự thật đi. Đành lòng dùng dao kéo mổ tử thi.
Đúng là như anh hỏi,“Hãy còn biết bao đề tài khác, những tình yêu khác, giảm đi sự thù hận thì ta ca ngợi tự do!”
Trong hiện tình, với tôi, là chưa đủ bình tâm, sẵn một cõi lòng say đắm để ca ngợi những tình yêu không kém phần cao quý, tình yêu thiên nhiên, tình yêu nam nữ, vợ chồng.
Nói theo cách gồng mình hô khẩu hiệu là như vầy: “Bao nhiêu tình yêu đều nằm dưới tình yêu đất nước. Bao nhiêu nỗi âu lo riêng tư đều phải nằm dưới nỗi lo chung của cộng đồng, nòi giống”. Ác nỗi, khẩu hiệu thì chán, nhưng khẩu hiệu này ta luôn phải thuộc nằm lòng.
Để có món ăn lạ, khổ đau và hạnh phúc, tự do và bất hạnh, tôi xin đưa ra một đề tài để bàn luận chơi. “Đời sống mấy con chó”.
Một nơi, nuôi một con chó – gọi chung là pet, vật nuôi — phải làm sao cho nó ngày ngày sung sướng. Nó được gắn vào người một con chíp, để tiện theo dõi, phòng khi nó đi lạc, nhờ cảnh sát tìm về. Anh phải nộp tiền phạt vì lỗi thiếu chăm sóc con pet để cho nó đi lạc.
Nó có cái “nhân vị”. Anh đánh đập hành hạ nó, bỏ nó đói, đau không đưa đi bác sĩ thú y chữa trị, nó chết thảm, nếu bị khám phá ra, tùy mỗi trường hợp anh sẽ bị phạt tiền, tù. Có cửa hàng thức ăn, bánh kẹo đóng hộp, khu bán thuốc chữa bệnh, khu bán hàng đồ chơi, có cả khách sạn, tất cả là dành riêng cho pet. Tất cả là phải được kiểm nghiệm, thẩm tra, phải hợp vệ sinh, không nhiễm độc, đúng tiêu chuẩn.
Mỗi vài tuần đưa con chó tới thẩm mỹ viện – đương nhiên là dành riêng cho chó – chăm sóc sắc đẹp, tỉa lông, lông mi mày, ráy tai, nhỏ thuốc vào mắt… chi phí một trăm đô la Mỹ. Tất cả những việc làm này dành cho con vật là với tình thương, sự âu yếm rất mực của người chủ vật nuôi.
Lại một nơi khác, thường xuyên trên con đường quốc lộ xuyện Việt, từ Sàigòn ra Hà Nội; anh thử ra ngóng gió, vừa ngáp, và nhìn vẻ đẹp quê ta; thời tiết nắng nóng nung người; anh sẽ thấy từng tốp xe tải, hầu hết là chạy về phương Bắc. Hàng chục cái mõm chó tội nghiệp thò ra khỏi cái ô lưới sắt. Xe chạy vun vút. Chúng thở dốc, cái lưỡi trắng nhợt thè ra, thòng gần xuống cổ. Chúng tìm chút gió thoảng. Chúng sắp chết khát, qua những đôi mắt lạc thần cầu xin vài giọt nước. Một chuyến xe hôi thối mùi súc vật lâu ngày không hề được tắm rửa. Chuyến đi này là “Đường về Tây phương cực lạc” của số phận.
Anh nên ca ngợi hạnh phúc của loài pet kia, hay dành đáy lòng chia sẻ với những con vật bất hạnh này.
Anh nghĩ dùm tôi, chừng non một trăm năm nữa, con chó thè lưỡi, có thể có được một “cuộc đời” như con chó từ thẩm mỹ viện kia không.

Phạm Viêm Phương: Tuy thế, với một nhà văn chuyên nghiệp, theo quy luật thích ứng, được tiếp cận vùng đất mới, mọi sự mới, hẳn ông sẽ còn cảm hứng để viết?
Cung Tích Biền: Tôi vẫn viết, nhưng không với một cái não u uất, và một trái-tim-thuốc-nổ như khi còn ở quê nhà. Mỗi sớm mai, mở cửa nhà bước ra, là nơi chốn cách biệt nửa vòng trái đất. Nam California, miền Tây Mỹ, nơi được thiên nhiên ưu đãi, mùa hè không quá nóng, mùa đông không tuyết đổ dày như ở miền Đông. Khí hậu trong lành, vòm trời luôn thanh thản, mây từng sợi nhỏ như tro bụi loãng tan trong nền cao rộng xanh lơ, quanh năm không bão lũ. Môi trường nhân gian để hòa mình, là phẳng lặng, dịu êm.
Ác nhơn, sự ưu đãi này lại là một cái hại cho văn chương, ít ra là với riêng tôi, lúc này. Lúc viết, chữ nghĩa có thoáng đãng, bay lộng, thể hiện sự thông tuệ. “Viết”, chừng là một thú tiêu dao. Phong vận ấy, cũng là một hữu ích cho sáng tác, đối với một nhà văn khi đã thoát ly đất nước tù đày của mình.
Được tiếp cận cái mới, xã hội mới, được tự do với ngòi bút; tĩnh lặng trong hồi tưởng; thoát ra khỏi cuộc trùng vây của bất hạnh; người sáng tạo ấy có thể, mất cái này nhưng được cái kia; sẽ tạo nên những tác phẩm lớn lao, vượt thoát, khác xa với những gì mình đã viết trước đó. Nói chung, có thể là tác phẩm để đời. Nhưng sự may mắn này, hãy còn là một điều đang chờ đợi đối với tôi. Chữ nghĩa không dễ thay như thay áo. Vì tôi đã sống, đã quen, hơn nửa thế kỷ trong tuổi đời, với những điều đáng rùng mình hơn là những nụ cười hạnh phúc.

Phạm Viêm Phương: Nhưng kinh nghiệm cho thấy, trong bất cứ hoàn cảnh nào bấy nay, ông cũng có tác phẩm mới. Mong ông cho biết những dự án hay chương trình nào về văn chương học thuật, trong tương lai?

Cung Tích Biền: Về những dự phóng tương lai? Tôi không có dự án, hoặc chương trình nào về văn nghệ như anh hỏi. Không phải từ bây giờ, mà trước đây cũng vậy. Hành trình viết của tôi, là con tằm ăn dâu. Tà tà. Từ tốn. Thế giới của nó là trong cái nong, cái nia nhỏ bé. Cuộc đời, cõi đời, chỉ là cái vòng tròn quanh quẩn. Nhưng mỗi giai đoạn trong tiến trình của nó, từ trứng ra con sâu, sâu ra tằm, từ màu xanh lá dâu biến ra sợi tơ vàng, mỗi/ một giai đoạn là mỗi lột xác, hóa thân một cách triệt để. Rất nhiều kiếp trong một “đời” nó.
Bây giờ con kén đã bị cho vào nồi nước sôi; nó bị lột hết, trả sạch cho cuộc-hóa-ra-sợi-tơ rồi; tôi đã thành con nhộng. Một loài không lông không cánh, không đầu chẳng đuôi, lòng ruột nó đã làm hết việc hiến dâng của đời nó rồi.
Tôi không tự mãn, hài lòng với những gì mình đã viết, cho là quá đủ rồi. Nhưng là một người đã trọng tuổi, nay, viết được gì nữa thì viết, không thì thôi. Không tìm kiếm gì nữa. Chẳng mong đợi gì thêm. Không còn gì buồn vui. Thành tựu hay thất bại, đều có thể. Có hay không, gọi “Có” rằng “Không”, hay gọi ngược lại, đều không sai trái gì.
Những người cùng thế hệ với tôi, tập tành lai rai, nhưng đầy đam mê, đi vào con đường văn chương nghệ thuật khoảng những năm 1950s, đã thành danh từ thời Cộng Hòa. Vì nhiều lý do, thời cuộc, số mệnh, anh em đã buông bút, không còn viết gì nữa, đã trên dưới hai mươi năm nay. Phần lớn khác, đã ra người trăm năm cũ. Nhìn lại, một nẻo dài hun hút. Chúng tôi như khoét sâu lịch sử mà rúc vô.
Đi cùng cuộc chiến hay bên lề cuộc chiến; vào quân trường với cây súng hay tìm mọi cách trốn quân dịch; sống thực tiễn hay mơ màng, buồn nôn phi lý; là một người hào sảng phung phí cả trí tuệ, lý tưởng, máu xương cho số phận chung, hay một kẻ ti tiện thu vén cho riêng mình; và, sau cuộc hoang tàn, những ai được tự do dù thân phận lưu vong, hay một “lũ chúng ta lạc loài dăm bảy đứa”- [thơ Vũ Hoàng Chương], ở lại quê nhà với khốn nhục tù đày; tất cả, đối với lớp chúng tôi, giờ đây chừng là hình bóng xa xăm như từ kiếp trước. Chừng là bỏ lại dọc dài trên hành trình lịch sử là những chiếc mề đay lẫn những đôi nạng. Chừng là những mái đầu bạc, hôm nay, thầm chia sẻ cùng nhau một thời đại Việt Nam, một thời hiếm hoi, lạ lùng nhất trong lịch sử nhân loại.
Tôi cùng đi một thời với những số phận ấy. May mắn, một ít chúng tôi, còn sống rán. Chỉ thủ vai, “Một sinh-vật-trong-sổ-đỏ, chờ diệt chủng”, như các anh thường nói đùa mỗi lần nhậu mút chỉ với tôi. Trong nụ cười, chúng ta vẫn nghe xa xăm những tiếng khóc.
Tôi cũng hiểu một ít đạo lý Đông phương, tia sáng an thiền. Một người vào bực thềm tuổi 85 như tôi, thì chẳng nên hứa hẹn gì với tương lai. Không nên vung vít, va vịn vào những tham lam không phải đạo.
Đêm đặt lưng xuống giường, đêm nào của tôi hôm nay, cũng có thể là đêm cuối cùng. Tôi viết một truyện luôn nghĩ là truyện cuối cùng. Mỗi câu, mỗi chữ là mỗi cái bắt tay, rất thân ái, trên đường tiễn biệt. “Chào chữ nghĩa, Ta đi”
Nghĩ vậy, sớm mai lỡ mình còn thức dậy, còn nở nụ cười dưới ánh dương, nhận ra mình còn tràn đầy hạnh phúc trời cho. Đặt bước chân lên con đường hôm qua, luôn nghĩ đây là một con đường mới, con đường đứa bé vừa bước đi những bước đầu đời… Mỗi sớm mai, một ngỡ ngàng. Đứa bé, chưa có quá khứ, đang còn chờ tương lai! Nó chưa dám hứa hẹn gì với Những-Ngày-Sẽ-Lớn.
Tái sinh! Vậy cũng nên viết thêm một cái gì. Viết thêm được một cái gì, ấy là do cái phận tái sinh.
Tôi hằng nghĩ ra câu chuyện như vầy. Xưa, có ba người bạn già đi trong đường núi. Thấy một viên đá tảng nâu đen, quá đẹp quá lớn, một người bỗng chỉ tay vào tảng đá, mà nói: “Kiếp trước Ta là tảng đá này. Kiếp sau, Ta là tảng đá này”. Nhiều năm sau ba lão đã ra người thiên cổ. Nơi đường núi ba người từng đi qua, bên cạnh tảng đá có sẵn đã hiện thêm hai tảng nữa. Một cụm ba. Đã hóa đá, vẫn còn Tìm nhau.

Phạm Viêm Phương Xem ra ông rất còn yêu đời, một điều đáng quý. Theo chỗ tôi biết, hầu hết các tác gia sau khi viết xong một tác phẩm thường là cho công bố và in thành sách sau đó không bao lâu. Điều này rất tiện lợi cho độc giả, khỏi phải lục tìm rời rạc đó đây trên các báo giấy hoặc trên các trang mạng.
Riêng ông, một đời dài làm việc, ông viết rất nhiều, và liên tục, từ trước 1975, sau 1975 ở trong nước, và bây giờ ra khỏi nước ông vẫn công bố nhiều tác phẩm mới viết gần đây. Nhưng đầu sách ông cho in ra là rất ít so với những gì ông đã viết. Vì lý do gì? Ông nghĩ gì về việc này?

Cung Tích Biền: Câu hỏi rất thú vị. Ngày nay có những phương cách lưu giữ tài liệu theo kỹ thuật tân tiến, có thể trăm năm còn. Trước 1975, chỉ có cách in ra thành một quyển sách mới lưu giữ được lâu bền những gì mình đã viết, lại tiện cho người đời về sau, muốn truy tìm tài/ tư liệu về một tác giả.
Nói về thời Cộng Hòa, tôi có nhiều sai quấy về việc in sách. Phụ bạc cái chữ mình viết ra. Do nhiều lý do:
- Thời chinh chiến, tôi là một người lính, sống chết biết lúc nào, viết rồi, báo hỏi bài, đưa đăng ngay. Không ít trong đó, chỉ là bản sơ thảo. Rất may, nó đã khá hoàn chỉnh.
- Mỗi sớm mai, chiều chiều, khuya khoắt, hễ ngồi vào bàn viết là tôi bị ý tưởng trào dâng, chỉ có viết và viết cái mới, không có khoảng trống cho việc đọc lại cái gì mình đã viết qua. Do vậy, bản thảo quá nhiều, bài chưa đăng cũng còn rất nhiều.
Hiện nay, số bài viết, loại sơ thảo, xem như tài liệu trong ngăn kéo của tôi, tôi in ra trên giấy A4 [không phải sách] để lưu lại cho vợ con. Về sau người ta muốn in thì in bằng không thì bỏ/vất đi.
- Thời trai trẻ đầy tự mãn, nghĩ rằng, nếu tác phẩm mình có giá trị, đời nay mình không in, thì mai sau, cũng có kẻ liên tài, vì chữ nghĩa, vì đòi hỏi của người đọc, người ta sẽ in tác phẩm của mình.
Hóa ra, sau 1975, sách báo bị đốt bỏ, bị cấm in ấn lưu hành. Tất cả là trụi hủi. Một thời viết, trở ra đồi hoang núi trọc.
Nếu trước kia tôi in cho xong phần đã viết – đương nhiên một mớ, nay nó có thể lỗi thời, xưa rồi Tám – nhưng hãy còn những sách trong thân phận sống sót. Bây giờ nếu muốn in lại những tác phẩm của tôi trước 1975, xem là tương đối còn chút giá trị lưu đời, thì không thể. Xem như tuyệt bản.
Tất cả thư viện tại Việt Nam, người ta vừa muốn lưu trữ vừa muốn “Cho chết mẹ mày đi”, nên việc sưu tầm rất khó. Tất cả các tạp chí có giá trị, như Bách Khoa, Văn Học, Sáng Tạo, Nghệ Thuật, Khởi Hành…đều không còn trọn bộ, có số này mất số kia.
Mà chẳng dễ gì tự thân nhà văn Miền Nam, trong trường hợp của tôi, làm được cái việc sao lục tác phẩm của mình.
Một lần, năm 2005, tôi đã làm đơn xin phép sao lục. Bao lần khó khăn, sao lục được một mớ, nhưng sau cùng thư viện xét lại, không cho tôi đem ra khỏi thư viện.
Lý do, văn chương phản động.

Phạm Viêm Phương: Theo chỗ tôi biết, có nhiều thư viện lớn của Mỹ hiện vẫn còn lưu trữ tất cả những gì được in ấn thời Việt Nam Công Hòa, rất tiện cho việc sưu tập. Ông có nghĩ rằng những gì ông cho là tuyệt bản vẫn có thể tìm thấy ở những nơi này?

Cung Tích Biền: Đúng là như vậy. Một số tác phẩm tôi nghĩ là nay nó chẳng còn vết tích, nhà văn Trần Hoài Thư đã tìm thấy tại các thư viện Mỹ. Phần lớn nằm trong thư viện Đại học Corneil. Truy tầm ra, ông đã rải rác cho đăng lại trên Thư Quán Bản thảo — một tạp chí do ông chủ trương tại Mỹ, mục đích bảo tồn văn học Miền Nam 1954-1975. Nhân đây, một Lời nặng tình, tôi xin cảm ơn Nhà văn Trần Hoài Thư.
Từ nay, sang được nơi có tự do in ấn, tôi sẽ cố gắng, được chừng nào hay chừng đó, thu dọn, một cách làm vườn, đốt lá khô chiều tà, để rồi lần lượt in thành sách những gì mình đã viết. Nhiều lắm, rất nhiều, những sáng tác thuộc nhiều thể loại, cả những tác phẩm xuất hiện trên các trang mạng Internet, nay vẫn chưa in thành sách.
Không hiểu ra làm sao, mỗi thể tài dù nhỏ nhoi, tôi cũng viết một phùa tới ba bốn nghìn chữ. Mỗi truyện “Cây đa đầu làng”, tôi viết đăng bốn kỳ tuần báo Đời, 1968, một thiên thời sự, nhiều độc giả rất ưa thích, nay đã không còn lưu giữ được một trang nào. Nhiều truyện vừa, những truyện dài, đăng báo Nghệ Thuật, Khởi Hành, Đời, Quần Chúng, chưa kể nhiều tiểu thuyết feuilleton, xuất hiện trên các nhật báo Độc Lập, Đông Phương, Dân Chúng, Điện Tín, Sóng Thần, Hòa Bình... nay tôi chưa hề in một quyển nào.
Nói vậy, giày dép còn có số. Đã vậy hay vậy. Từ từ “ Gỡ rối tơ lòng… thòng”.


http://vanviet.info/gap-go-va-tro-chuyen/phong-van-nh-van-cung-tch-bien-ky-2/
18 Tháng Bảy, 2020

Kỳ II.
Tiếng Nói của Đời. Tiếng Nói của Chữ.
Văn chương, gọi là sống, khi nó còn Tiếng Nói. Tiếng Nói cho hôm nay. Tiếng Nói vì mai sau”.

Phạm Viêm Phương: Nhân nói về tác phẩm của ông, tôi muốn hỏi về bộ hồi ký. Đọc bài phỏng vấn ông trên trang mạng www.talawas.org năm 2007, tôi thấy Lý Đợi có đề cập tới bộ hồi ký của ông. Hồi ký cũng là thể loại độc giả luôn tìm đọc Trên một thập niên rồi hẳn ông đã hoàn thành?

CungTích Biền: Chưa hoàn thành. Chỉ có thể hoàn thành khi chính tôi phải tuân thủ một số tiêu chí nghiêm ngặt khi viết hồi ký.
Hồi ký là một loại rất dễ viết, nhưng với tôi, lại rất khó.
Phạm Viêm Phương: Vì sao lại trớ trêu, khó lẫn dễ trong thể loại này?

Cung Tích Biền: Hồi ký là một thể loại dễ viết nhất, mà cũng là khó viết nhất. Cả hai đều đúng bon cả.
Dễ viết, là một người Việt Nam, sống qua một lịch sử khá kỳ lạ non thế kỷ nay, nếu muốn viết về cuộc đời từng trải của mình, thì bất cứ ai cũng có thể viết nên một quyển hồi ký.
Một cô gái lớn lên vào thời chiến chinh, bỏ đồng quê làng mạc, chạy nạn vào thành phố, giàu có nói chi, tới bao nhiêu gian truân, có khi làm đĩ nuôi con; có khi lấy một lính Mỹ, theo chồng Mỹ qua Mỹ thời hậu chiến, bao nhiêu vật đổi sao dời. Một cô gái đẹp, phải nhà nghèo, đành lấy chồng người Hàn Quốc, cả người cà thọt, anh cà nhỏng; thu món tiền lo cho cha mẹ, già bệnh nợ nần; sống trên đất người, cho tới ngày luống tuổi, đêm hắt hiu, chiều tàn hương bên xứ người, thương cha nhớ mẹ, mái nhà bụi chuối, đám bèo trôi miền sông Tiền sông Hậu.
Một người lính Cộng hòa, đẫm máu trận mạc, là một thương binh, nạn nhân của một kẻ thù cùng chung họ hàng huyết thống, nay chống nạng đi giữa Sàigòn bán vé số, con cái bị đuổi khỏi trường, vợ bị bệnh tâm thần, nhà dăm mái tôn nóng nung người, gạo đong từng bữa; lâu lâu có chút tiền được đồng đội cũ thương tình từ nước ngoài gởi về cho, tức khắc bị an ninh phường làm khó, tịch thu…
Muôn vạn cái sự đời tưởng khó xảy ra lại là chuyện thường ngày, cơm bữa trên Xứ Việt.
Ông trời thương tình, cho mỗi phận người chúng ta quá nhiều “chất liệu” lẫn “chất lượng” sống. Ngay cái chết, xác chết cũng nhiều màu. Cờ vàng chết vàng. Cờ đỏ chết đỏ. Vàng đỏ pha lộn tùng phèo, thì chết nâu. Chết nâu kéo dài hơi lâu. Phải tốn vài mươi năm sau để hối hận, phản tỉnh vì hai chân bước nhầm, trí não mê sảng một thời, trái tim hóa ra nồi cơm thiu ngay tuổi thanh xuân. Dưới bóng mặt trời hóa ra Người-mất-Bóng.
Mỗi đời người Việt Nam là một vở trường kịch, một tiểu thuyết tâm tình, một hồi ký đáng đọc.
Dễ viết, vì đó là kể về đời mình, sống thế nào viết/kể ra thế ấy. Không cần hư cấu, tưởng tượng, tìm tòi; mọi thứ đã có sẵn, cứ tuần tự theo trí nhớ; như có sẵn gạo, đủ nước, sẵn củi, thì đổ vô nồi mà nấu. Gạo ngon thì cơm ngon. Đời nhiều éo le uẩn khúc, các nhà văn học giả, tài tử giai nhân, tướng tá trận mạc, bậc quan quyền, dính líu tới đủ thứ vận mệnh chung, của lịch sử, của thế gian một thời, thì hồi ký của họ càng nhiều người tìm hiểu, cần đọc.
Khó viết, vì trước khi viết phải tự hiểu mình là ai. Cái đời mình có là một tượng trưng, qua đó người hậu thế nhặt ra được gì từ quá khứ, mang giá trị khái quát về lịch sử, xã hội… một thời. Viết, để bàn thờ cho riêng con cháu mình đọc, để biết ông cố nội thuở ấy sống ra sao, khác với những gì cần công bố cho toàn thể, đời sau.
Khó viết, là phải trung thực – tôi không bàn tới những thể loại biến thể của hồi ký, cận hồi ký – không hoa lá cành thêu thùa, tiểu thuyết hóa. Không đặt điều mạ lỵ vu khống kẻ khác để trả thù, hoặc người đó tài năng danh vọng hơn mình. Khách quan. Khiêm tốn. Thành thật. Không lợi dụng hồi ký, di cảo, để lắm lời tự tôn vinh, đánh bóng mình. Không ngụy trá, tìm cách biện hộ, thanh minh, để chối bỏ những sai lầm, thậm chí tội ác, do chính mình gây ra.
Hồi ký, là bản sao của người thật việc thật. Cầm bút, viết cho đúng cuộc đời của chính mình không là một việc dễ dàng. Xấu che, tốt khoe. Cái gì cũng nâng cấp chút ít. Tổng thể, y rằng con nhái hóa ra to đùng con bò vàng.
Khó viết, giá trị của hồi ký là từ nội dung, những sử liệu, dữ kiện, cái thực tế trực tiếp diễn ra; văn chương, chữ nghĩa, kỹ thuật hành văn, chỉ là phần phụ. Tuy nhiên người có văn tài, hồi ký của họ mang một ý nghĩa khác, giá trị khác, rộng tỏa, hấp lực hơn.
Có những hồi ký mang giá trị một tác phẩm văn chương.
Cái khó nữa, là giới hạn của văn tài. Cái bay bổng, lãng đãng thoát ngoài, cái quyến rũ của văn chương nghệ thuật làm cho “rời xa” sự thực, sa đà vào con đường hư cấu – điều tối kỵ của hồi ký. Những thẩm xét, nhận định, thay vì chuẩn xác, lại trở ra mất tính trung thực, thuần cảm tính, phi khoa học. Biến cái gai đâm chảy máu người hóa ra cái hoa Đỏ hoa Hồng.
Dễ – khó là vậy, nên tôi đã qua hơn ba lần, đúng ra là ba loại, bản thảo hồi ký mà vẫn lưỡng lự. Hãy còn trong vòng “Cần đọc lại”, trước khi công bố.

Phạm Viêm Phương: Vì sao có ba lần lẫn …ba loại?

Cung Tích Biền: Khởi đầu, những năm cuối của thập niên 60 thế kỷ trước, tôi chủ tâm viết một bộ trường thiên; dưới dạng hồi ký tiểu thuyết. Bộ này có tựa đề, Chiến tranh và Quê nhà, đăng trên nhật báo Hòa Bình, phát hành tại Sàigòn. Được đâu hơn trăm kỳ báo, tôi ngưng. Lý do, không thể viết bằng văn phong nhật báo.
Năm 1970, lần nữa tôi viết Luống Cải Vàng một tiểu thuyết có tố chất hồi ký, đăng trên tuần báo Đời. Đây là tác phẩm có nhiều độc giả ái mộ. Mãi gần đây, non nửa thế kỷ, nhiều anh em còn nhắc lại, như nhà văn Phùng Ng. Nhà thơ Nguyễn Đức T… Sau khi chấm dứt Luống Cải Vàng, đang viết và sẽ đăng tiếp quyển thứ hai, thì tuần báo này đóng cửa.
Sau 1975, ngưng bút 12 năm. Năm 1995 thấy mình đã nhiều tuổi, cần phải thực hiện gấp. Ngoài một bản viết trên máy tính, tôi đọc vào máy ghi âm. Lúc uống cà phê, lúc ngồi bóng cây trong vườn, về đêm khi chưa ngủ, tất thảy là đọc máy ghi âm.
Con gái tôi giúp cha, thuê một cô thư ký đánh máy những gì tôi đọc vào máy. Thật là tiện lợi. Đọc một giờ, cô thư ký đánh ra khá nhiều trang. Nhưng một trở ngại không ngờ. Tôi dân Quảng, giọng Quảng thô thiển chính gốc. Cô đánh máy người Nam, khá nhỏ tuổi, chưa kinh nghiệm gì. Ý chừng cô cũng có tài văn chương! Đánh đâu được hơn trăm trang giấy A4, tôi đọc lại thấy sai be bét. Tá hỏa tam tinh. Những phát âm giọng Quảng Nam, như “bô gộ, tồ lô”cô vẫn đánh máy nguyên xi, không hiểu ra là “bao gạo, tào lao”. Cô lại có cái thói quen thêm chữ, cô bảo là cho êm xuôi và đủ nghĩa. Tôi đọc “Chiều vàng”, cô đánh máy là “Những buổi chiều vàng” “lá rơithành ra “lá rụng rơi xuống đất”.
Nhà văn, có khi viết một trang truyện, nhanh hơn ngồi chỉnh sửa, cũng một trang ấy. Công trình thu âm đành bỏ, Hiện nay tôi còn lưu phần ghi âm trong máy.

Phạm Viêm Phương: Ông đã đọc và nghĩ gì về các di cảo, hồi ký của các tác giả trong nước?

Cung Tích Biền: Tôi đọc khá nhiều, nhưng không có ý kiến gì cả. Hồi ký, di cảo của họ đã là sách, là của-công-chúng rồi. Việc thẩm định hay-dở, yêu-ghét, đúng-sai, đó là việc của công chúng, đời nay lẫn đời sau.
Tuy nhiên tôi hiểu, bất luận là ai, ở phía thắng hoặc bại, muốn khen chê, nên hãy đọc tận mắt cái chữ, trang sách, thì sự khen chê nó trung thực hơn.

Phạm Viêm Phương: Qua nhiều tác phẩm, cả ngắn lẫn dài, tôi thấy ông thay đổi nhiều kỹ thuật và bút pháp. Xin hỏi ông, vì nguyên nhân nào khiến ông thay đổi?

Cung Tích Biền: Nguyên nhân đầu tiên, là thời gian cầm bút của tôi quá dài – trước 1975, sau 1975, hôm nay tại hải ngoại – khá tùy thuộc vào mỗi cấp độ thời cuộc. Thời cuộc này luôn biến động biến chuyển chóng mặt. Nhịp bước của đời sống, và nhu cầu của người đọc luôn phải khác. “Muốn ứng đáp đúng cái nhịp điệu, cái hơi thở bình sinh, cần tới cái nơi nó-phải-tới, thì văn chương của chính mình phải chuyển hóa.”
Chuyển hóa, là luôn phải gạn lọc để từ bỏ cái cũ, và nhạy bén trong việc tìm ra và hòa nhập với cái mới. Viết một tác phẩm mới, phải có gì khác lối viết cũ, cả nội dung lẫn hình thức. Anh thấy rõ hành trình sáng tác của tôi khá cách xa và khác biệt nhau, ở mỗi thời kỳ.
Trước 1975, Miền Nam tuy có chiến tranh khói lửa, loạn ly, nhưng nền Cộng Hòa có một chính thể đa nguyên, một hệ thống hành chánh đâu ra đó, luật pháp tương đối minh sáng, một nền văn hóa, giáo dục có mục đích nâng cao dân trí, chấn hưng đạo lý, lấy nhân văn, đạo đức làm người, làm đầu. Trong một chế độ có mọi quyền tự do, trong đó có tự do sáng tác, mọi ngành văn học nghệ thuật âm nhạc phát triển vượt bậc hơn mọi thời đại, đương nhiên là riêng Miền Nam Cộng Hòa. Văn chương của tôi, với bước khởi đầu là phóng khoáng nhưng đơn giản, minh bạch.
Sau tháng Tư 1975 tới hôm nay, thế sự đã khác thời Cộng Hòa một trắng một đen. Trong sự theo đuổi ngày ngày, để tìm diệt sự tự do sáng tác, thủ tiêu chân lý, bao vây tư tưởng, đưa lên giàn hỏa những gì mang tính nhân văn, văn chương tôi cần thiết phải tìm nơi trú ẩn. Đó là sự thay đổi thủ pháp. Là, thay áo cho ngôn ngữ.
Vẫn một lòng trung thành với mục đích mình chọn, là luôn-phải-có-mặt, nên phải tìm cách ngụy trang.
Trước 1975 là tả thực, văn phong giản dị, những căn cốt để trình bày là trực tiếp. Sau 1975, là bước từng bực thềm, phải nhờ vả tới phép ẩn dụ, mã hóa, sang biểu hiện tượng trưng. Nặng tính ngụ ngôn, huyền ảo, biểu niệm siêu hình, qua Bóng, Máu, Mùi, Xác, Xương…
Đời viết của tôi như vở bi hài kịch có ba màn. Màn Cộng Hòa, màn Cộng sản, màn Cờ Hoa. Màn nào tôi cũng phải trên sân khấu, phải tròn vai mình thủ, diễn.
Bây giờ tôi ở Mỹ, đang trên sân khấu màn thứ ba. Một tình trạng bão hòa. Thể thái là tìm một sự quân bình. Chắc chắn bút pháp văn phong, nội dung chung chạ hẳn sẽ khác hơn trước. Có một chút ung dung, một chút tươi thắm.
Ở màn thứ nhất, trước 1975, có tình người rộng lớn, có em mơ mộng, có Mẹ rộng lòng. Ở màn thứ hai, sau 1975, trên bàn viết là dao búa, mặt nạ chống hơi độc, là cái bình độc dược để tự xử. Nay màn Kết, lúc có thể cắm một cành hoa trên bàn viết. Ám ảnh dần phai màu. Gió Đông phương bây giờ, là kỷ niệm, gợi nhớ, làm nền cho suy tưởng.
Mỗi lịch sử can qua, mỗi đổi thay môi trường sống, cũng là mỗi nguyên nhân để văn chương đổi khác.

Phạm Viêm Phương: Đó là nguyên nhân thay đổi của riêng ông. Mong ông nói rộng hơn, có tính tổng quát?

Cung Tích Biền: Nguyên nhân chung, là phải đuổi theo nhịp tiến hóa. Thay đổi, cải tiến, làm mới, tái nghiệm, tất thảy đều là tiêu chí, nội hàm, của sự tiến bộ, một thể hiện sự tồn tại và sức sống mạnh mẽ của chính đời sống ấy, ngay đó.
Có một chỗ khác nhau giữa văn chương và khoa học. Một bên luôn làm mới sản phẩm của mình sao cho càng ngày càng đơn giản, gọn nhẹ, tiện và đa dụng. Một bên, sự thay đổi, của ngay một nhà văn, có khi từ câu ngắn, giản đơn, tả chân rõ nghĩa, trở ra trùng điệp câu chữ; nghĩa từ đa tầng, thủ pháp biểu trưng, ẩn dụ, huyền ảo, siêu hình.
Một nguyên nhân trọng yếu khác là vì nhu cầu thưởng ngoạn của người đọc. Họ luôn cần cái lạ, cái mới. Đòi hỏi những đáp ứng hiện tình. Đối với người đọc, không kể các loại sách ở những lĩnh vực khác, một tác phẩm văn chương, qua thử thách thời gian, nó không thể biến ra một giá trị đồ cổ. Một cuốn tiểu thuyết, một tập truyện ngắn, muốn tồn tại nó phải có sức sống, nghĩa phải đáp ứng nhu-cầu-đọc của từng thế hệ.
Những vật hữu dụng ngày ngày từ đời trăm năm cũ, ngày nay không còn hữu/hiện dụng, một ít có thể biến ra, trở thành món hàng mỹ thuật, mang giá trị đồ cổ. Với một tác phẩm văn chương, ta sẽ không có cái thú nhìn ngắm, thưởng ngoạn những giá trị mỹ thuật, rất đời đời, như khi đứng trước cái bình sứ thời Tống, cái bình trà đời nhà Thanh, hàng nội phủ, cái hoàng bào của một vì vua.
Nhìn một cái bình cổ, người ta không đòi hỏi, không cần biết trong ruột nó có gì. Chẳng ai cầm một quyển tiểu thuyết một tập truyện, dù được lưu trong thư viện với danh nghĩa một quyển sách xưa, mà không lưu tâm tới cái ruột của nó.
Nay, ta đọc lại truyện Kiều, không phải bằng cái nhục nhãn, cái tâm thế lặng yên, là xem món đồ cổ, một vật dụng chỉ để nhìn ngắm, và nhiệm vụ cần phải bảo tồn. Những gì của chữ nghĩa Nguyễn Du nhiều trăm năm trước, hôm nay nó vẫn “còn sống nhăn”, vì nó đang là cái gương soi thời thế, bản ghi nhớ cần thiết về bao quát cuộc sống, thân phận mỗi con người, chúng ta hằng sống.
Nguyên nhân này bắt buộc người cầm bút phải hiểu rằng “đổi mới” không chỉ ở kỹ thuật dựng truyện, bút pháp, mà chính là phần ý tưởng, tư tưởng.
Người thợ mộc làm ra sản phẩm từ gỗ, người thợ gốm làm ra cái chén cái tô từ đất nung, nhà văn mần ra sản phẩm từ cái chữ, con chữ. “Con”, có thể vì nó “biết nói” chăng! Đời xưa nói với đời nay, qua chữ. Cha chết rồi, con mở di chúc cha để lại, xem Cha của mình đã “Nói” những gì.

Phạm Viêm Phương: Đó là nguyên nhân. Ông có thể nói thêm về điều kiện nào, và phương pháp nào để ông luôn thay đổi thành công. Những câu trả lời của ông, chúng tôi xem như một món quà kinh nghiệm cho những cây bút trẻ hơn không?

Cung Tích Biền: Phương pháp ư? Có hành trình, tất sẽ có thích-ứng-hành-trình.
Nếu tình nguyện cho Cái-Viết, cứ viết, sẽ đẻ cái phương pháp.
Muốn vào đường cách mạng, thề bỏ mạng cũng cách cái mạng! Mần đi, sẽ có sách-lược-hành-động.
Chẳng hạn, trước khi viết một truyện ngắn, tác giả cũng rất mơ hồ về “Cái mình sẽ viết ra”. Khởi đầu, chỉ một ý niệm, một trực giác, rằng, Sẽ-viết-về. Tỉ như chị Hai, một buổi sáng bất ngờ tưng tưng,“Mình có bầu rồi”. Hẳn nhiên, nhưng, “Con trai hay gái? Chửa biết!”
Cứ ngồi vào bàn mà viết, như vác dao vô rừng. Núi lạ, rừng hiểm. Phạt cây đạp cỏ mà đi. Từ đó thấy thêm ra trong rừng sâu có hươu nai thác nước suối trong. Thấy suối trong ngồi rửa mặt nhìn lung lay bóng mình trong nước. Nghe gió thấy nắng rừng. Gió nắng này nghe ra, khác gió đồng nội. Gió kia thổi qua thoáng đãng của đồng cỏ, bờ lúa. Gió này của sầm uất khí thiêng.
Ngành nghề nào cũng có phần kỹ thuật.
Trong văn chương, nói ra cái thủ pháp, cách dựng truyện, cấu trúc, bố cục, xử dụng từ ngữ, là bàn tới cách viết văn rồi.
Nên đọc những nhà văn lớn, không phải ròng bắt chước, đạo văn, mà rút ra ít nhiều bài học. Họ cực dị biệt về mọi mặt, tuy cùng một nền văn học. Lev Tolostoy với F. Dostoyvsky [Nga]; E. Hemingway và W. Faulkner [Mỹ]; Marcel Proust với Saint-Exupéry [Pháp]. Ta sẽ thấy ra chỗ đồng đẳng, cái giá trị thượng thừa của thế giới chữ nghĩa. Một bên văn chương đơn thuần, ngắn gọn, kiệm chữ, một bên đa ngôn, rừng thẳm, nhưng mục đích cùng là đưa người đọc tới chỗ ân hưởng được hoa thơm cỏ lạ, những tư tưởng vàng ngọc.
Nhìn qua người họa sĩ, cách dụng màu, có nóng, có lạnh, màu chủ đạo, trọng tâm. Quan sát ở nhà điêu khắc, phác thảo là tạo lập hình tượng tổng quan, tới đường nét nhỏ/vặt khi phúc thảo. Những nhà sáng tạo bậc nhất thường lưu tâm tới những nét nhỏ, khi nó mang tính đặc trưng, tiêu điểm, đi tới chỗ vi tế của mô tả. Viết cái truyện như xây một tòa lầu.
Chữ nghĩa trong một chương/ đoạn/ câu văn, có loại chữ là sắt làm cốt vững chãi cho xi măng, có loại chữ gạch ngói, vôi, gỗ; màu nóng màu lạnh như trong trong hội họa; như phông màn, đèn màu, vai chính vai phụ trên sâu khấu.
Mỗi nhân vật truyện là mỗi đứa con đẻ của nhà sáng tác.
Phương pháp, là tài sắp xếp chữ, câu chữ, tương hòa cấu trúc, bố cục ở mỗi thể tài, thể loại nơi nhà văn.
Bút pháp truyện ngắn rất khác biệt với truyện dài — tiểu thuyết. Bên này là gỏi cuốn ăn từng cái. Bên kia là một cái lẩu, cần thập cẩm, một tập hợp “đa nguyên”, hào phóng bung vãi, mở rộng, cho một cần thiết đại thể.
Vì phương pháp dựng truyện, có khi tôi phải cắt đoạn này chuyển sang chỗ khác. Không nên tiếc của. Có khi phải loại bỏ vài ba trăm chữ đã viết ra hoàn chỉnh. Trong văn chương, không nói bao đồng, phô bày kiến thức, không ra công dạy dỗ ai.
Viết, phải cô đọng, kiệm chữ, chôn giấu phần ý/tư tưởng. Nên dành sự suy nghĩ, chiêm nghiệm, sáng tạo, cho độc giả.
Có một “bọn chữ” rất cần thiết cho các thể văn chính biện, nghị luận, văn báo chí… nhưng chúng là giặc, bọn phá hoại văn chương, người sáng tác nên tránh xa. Đó là bọn “tuy nhiên, tuy vậy, thế là, bởi vậy, đương nhiên, thật ra, nhưng là, thì là, chính vì vậy cho nên, tức thì, trái lại, do vậy, tuy thế, tóm lại, bởi vì…” Lũ đó phần nào làm cho khô cứng, hỏng văn chương.
Minh biện trong văn chương là một thơ mộng, thả lỏng. Vì, chính bản thân nó, một tảc phẩm, là giả dụ, hư cấu.
Để kết thúc câu trả lời, tôi dùng cái phép “ba phải”, rằng nói cho cùng, chẳng phương pháp nào hơn cái… “phi phương pháp”.
Nhà văn khi vào ghế ngồi, hắn là nạn nhân của một vô tình thúc đẩy, sẽ tự “diễn biến”, theo cái xu hướng mới, có khi từ trực giác sai bảo.
Chẳng nên gồng mình quá. Trước tiên, phải có tự do với chính mình. Nên thả hồn đi. Phải nhẹ nhõm, thư thái, để bay bổng.


http://vanviet.info/gap-go-va-tro-chuyen/phong-van-nh-van-cung-tch-bien-ky-3/
19 Tháng Bảy, 2020

KỲ III
“Trên hành trình sáng tạo, nhà văn không chỉ thấy chiếc bóng của những thực thể hữu hình, sản phẩm của ánh sáng, mà là cả chiếc bóng vô hình, linh hồn của vạn vật”.

Phạm Viêm Phương: Sau biến cố 1975, phần lớn nhà văn đã thành danh thời Cộng Hòa ở lại trong nước đã bỏ bút. Riêng ông cầm bút trở lại, sức viết lại sung mãn hơn xưa. Xin ông cho biết vì lý do gì?

Cung Tích Biền: Bất cứ vì lý do gì, một nhà văn khi còn sức viết mạnh mẽ, mà không thể viết được nữa là một bất hạnh. Khi “Không còn được viết nữa”, vì những lý do áp bức, cường quyền, vì chữ-nghĩa-bị-gông-cùm, ta phải cố mà thoát khỏi cái bất hạnh ấy.
Trong hoàn cảnh một Việt Nam Hôm nay, một nhà văn khi còn sức viết mà không được viết, chỉ là bất hạnh thứ nhất. Nếu anh buông xuôi, chữ nghĩa anh sẽ chết, anh đành phải sống, trong thảm cảnh chết dần. Nếu anh viết tiếp với lòng trung thành, nhân văn, với cái gan nói ra sự thật, bất hạnh sẽ được nhân đôi. Đó là sự trừng trị từ phía nhà đương quyền.
Anh bảo rằng ngòi bút tôi sung mãn, sâu sắc, về sau?
Chính một giai đoạn lịch sử cuồng nghịch, xã hội con người dần biến ra một nhung nhúc tử thi, xú uế tối tăm, chính đó, đã tạo ra cho mỗi con người một sức bật mạnh mẽ để thoát ly.
Mỗi thoát ly một tính cách biểu hiện. Có người dương khẩu hiệu, cầm đao kiếm. Tôi là nhà văn, tôi trút vào chữ nghĩa. Chữ nghĩa, cũng là một loại thuốc nhuộm màu cho tâm cảm, tâm thức con người.

Phạm Viêm Phương: Nhưng vì sao ông cầm bút trở lại vào năm 1987 mà không là sớm hơn hay muộn hơn?

Cung Tích Biền: Lý do trực tiếp nhất là do/từ, một “Hy vọng về một tương lai chính trị, cho một Việt Nam không còn bị độc đảng toàn trị”. Từ những năm giữa thập niên 1980, những biến chuyển chính trị và xã hội lớn lao, từ nội bộ các nước Đông Âu và Đế chế Sô Viết, đã tỏ rõ là thời kỳ mùi chín để tự kết liễu. Các chế độ Xã hội Chủ nghĩa, sau đó nối tiếp nhau tan rã. Thể chế đa nguyên đã hình thành tại các nước này.
Lúc bấy giờ, dân chúng Việt Nam rất mực mong chờ một sự đổi đời. Nhưng những ngày “Mới” không hề tới, như ý nguyện của muôn người.
Trong cái ánh sáng hắt hiu của mong chờ, trong ngỡ ngàng của hy vọng dần tan, như một phục sinh từ lòng một chiếc áo quan, tôi cảm thấy mình “Có thể sống lại”. Một nhà văn, gọi rằng hắn ta còn sống, đang sống, khi hắn ta còn viết.
Việc cấp thiết là cầm bút trở lại, sau 12 năm gác bút. Được viết như được thở.
Truyện đầu tiên [1987] là Dị Mộng. Cuộc tái sinh này, là, Một Trở Lại ngậm ngùi. Một Lên Đường, vẫn trong sương mù.
Nhân vật truyện, Trần Khương Bật, một con người đang tuổi trung niên, đã chết, đã được tẩm liệm hẳn hoi trong áo quan đậy nắp. Nhưng Bật bỗng sống lại. Một cuộc đời khác. Một linh hồn tái sinh, một bộ não được tái khởi động, nhưng từ một hiện thực còn đóng kín bóng tối, Khương Bật đành phải sống trong kiếp người giả câm giả điếc. Khi cần thiết phải Nói-Ra, để thể hiện một quyền tối thiểu của con người, là hộc máu. Khương Bật chết vào một đêm thiêng liêng giao thừa, mồm ngậm máu oan, khi khói hương được con cháu thắp sáng trên bàn thờ tổ tiên.

Phạm Viêm Phương: Như thế, khá nhiều tác phẩm của ông hình thành từ những dấu ấn thời cuộc, ông nghĩ gì về mối liên hệ giữa văn chương và chính trị?

Cung Tích Biền: Theo cái nghĩa rộng của từ chính trị, thì văn chương không bao giờ thoát khỏi nó; hiện thực chính trị, hậu quả chính trị, ám ảnh chính trị; thêm/ và, món quà tiền bạc, quan tước, mà “người chính trị” ân thưởng cho “kẻ văn chương”.
Nhà văn luôn phải thể hiện chính kiến của mình, qua tác phẩm. Giữ cho chữ nghĩa, hình thức thẩm mỹ lẫn nội dung còn là “dung nhan” văn chương; không bị chính trị “dắt mũi”, sai khiến, quả là rất khó khăn. Làm sao để một truyện ngắn truyện dài không là một bài xã luận chính trị, một thông/báo cáo, một phiếu bầu ủng hộ nhà đương quyền, toa rập với những điều phi nhân nghĩa, là do thái độ của nhà sáng tác.
Có một chỗ cốt lõi, cũng là một phẩm hạnh và lòng trung thực với những gì đích thực là văn chương, thì nhất thiết, “không thể dùng văn chương của mình làm tay sai, là con tin cho chính trị”.
Chế độ độc đảng, độc quyền, chuyên chế nào cũng xem văn chương là nàng xinh đẹp, cái đối tượng để dụ dỗ, cưỡng hiếp. Nàng là của mình, phải phục vụ cho mình.
Ngã rẽ cuộc đời là rất khó khăn đối với một nhà văn, để, “Anh đường anh, tôi đường tôi”.
Chỗ này không phải nói suông mà được. Hãy xem một nhà văn, họ đã sống như thế nào, và đã viết những gì, thì ta mới cho ra một câu trả lời thỏa đáng.

Phạm Viêm Phương: Vậy ông làm thế nào để vượt qua “số phận” hiểm nghèo này của văn chương?

Cung Tích Biền: Phải răn đe với chính mình. Phải mang chữ nghĩa của mình “vượt biên” ra khỏi chốn nơi cưỡng bức tư tưởng, bôi nhọ tự do. Phải giữ cái dung nhan Nàng-xinh-đẹp, là chính Nàng. Phải luôn hiểu “Mình chỉ đến với văn chương, văn chương là cứu cánh”.
Xã hội chúng ta qua bao thập kỷ, bao cuộc biến thời cuộc, luôn bị chính trị, hay ít ra ảnh hưởng chính trị áp đảo. Bất cứ một sinh hoạt xã hội nào cũng dưới áp lực chính trị; được/bị chính trị hóa. Người cầm bút phải luôn nhật tụng, “Dù viết bất cứ những gì cũng phải trong cung cách, bản thân văn chương”.
Cuộc tách thoát là rất khó khăn.
Tôi viết “Ngoại ô Dĩ An và Linh hồn Tôi”, tháng 11 năm 1965, là lúc những con đường Việt Nam đã có dấu xích xe tăng Mỹ. Lúc này, tôi là một sĩ quan cấp úy thuộc Sư đoàn 21 bộ binh, Bộ Tư lệnh đóng tại thành phố Bạc Liêu.
Đã qua thời kỳ những người Mỹ ít ỏi có mặt tại Miền Nam Việt Nam trong vai trò cố vấn, tháng 3 năm 1965, một binh đoàn tác chiến của quân đội Mỹ đã đổ bộ lên cảng Non Nước, Đà Nẵng, để tham dự trực tiếp vào cuộc chiến tranh Việt Nam. Từ đó, chiến trường mở rộng, đồn lũy to lớn của quân đội Mỹ có khắp nơi ở Miền Nam. Trong núi rừng, giữa phố thị, trong các lũy tre làng Việt Nam, từ đây, đã có những biển người của quân đội Miền Bắc, và những thi hài của người lính viễn chinh Mỹ. Và, trên xứ sở thân yêu, đã có những cô gái Việt Nam – như nàng Dĩ An – mang thân phận không may, vì thảm cảnh điêu tàn từ chiến tranh đã mở rộng cửa.
Năm 1968 tôi viết “Bạch Hóa”, năm cuộc nội chiến đã lên đỉnh điểm, lộ rõ mặt “huyết nhục tương tàn”. Cán bộ Sáu Vu nhân danh cách mạng một đêm khuya về tụ họp dân chúng chứng kiến việc mình chặt đầu cha của mình, vì ông ta là một chủ tịch xã dưới chế độ Cộng hòa.
Cùng lúc, “Tết Mậu thân”, cũng những người con thân yêu của Huế ấy, trong những ngày thiêng liêng thờ cúng ông bà, ngày vui xuân chí mạng, họ đã lập tòa án nhân dân để giết người lương thiện, và tạo bao nhiêu nấm mồ chôn sống tập thể.
Anh thấy đó, “Viết về nó”, nói rõ, vạch rõ sự kiện, đứng giữa máu xương lửa đạn, sự thù hằn, mưu oan hiểm độc, thái độ người cầm bút phải trái rất phân minh, nhưng phải cố gắng giữ sao cho “cái chữ” ngoài hình dung, trong xác cốt, phải là văn chương.

Phạm Viên Phương: Ông đã có hơn nửa thế kỷ cầm bút và vẫn giữ được sức viết khi đã ngoài tuổi tám mươi. Tôi nghĩ rằng điều đó chắc hẳn dựa trên một nỗ lực tìm học và trầm tư không ngừng (ta tạm gác bỏ yếu tố sức khỏe). Ông có thể cho bạn đọc và thế hệ trẻ biết nên làm gì, tìm đọc những lãnh vực gì, rèn luyện gì để giữ bút lực sung mãn như thế không?

Cung Tích Biền: Đúng là phải nỗ lực tìm học, hàm dưỡng, trầm tư không ngừng, miệt mài làm việc. Hành trình của một nhà văn là kẻ-đan-lưới-chữ, khác với một thi sĩ. Nhà thơ có tác phẩm để đòi, đôi khi, chỉ qua vài phút nhập thần, một thoáng hiển linh câu chữ biến ra lời kinh.
Cuộc sống của tôi dai dẳng, khá phóng khoáng, lưu linh bạt mạng, trên cái nền chung hào hoa, hòa mình, gìn giữ cái tình thân với mọi người. Về đời văn, những gì tôi tự thân thực hiện và cố gắng gìn giữ, đương nhiên là trong chừng mực tôi có thể, khi còn sống còn viết, là những điều dưới đây.
1- Khiêm cung – một nghĩa nới rộng của khiêm tốn. Để tránh sự tự mãn và thậm xưng. Hiểu rằng, luôn luôn, lúc nào, mình cũng chỉ là một đóng góp nhỏ nhoi, chưa có thành tựu gì lớn lao. Lịch sử văn học, thế giới cổ kim của tạo tác trong văn chương nghệ thuật, là một núi rừng vĩnh cửu bao la, liên tục thay đổi và, luôn tiếp nối. Mỗi cây mỗi chiếc bóng, một vị trí nhỏ/ riêng. Mỗi riêng/nhỏ, may mắn là một đóng góp cho toàn cảnh, mà thôi.
Khiêm cung để mở rộng cõi lòng. Không khích bác, chê bai ai, không bầy đàn để áo thụng vái nhau. Luôn nhìn lại những sai trái của mình để chỉnh sửa, không lưu tâm tới những dư luận tin đồn ác ý, đặt điều, vu oan.
Khiêm cung là một thứ thuốc bồi bổ sức khỏe thượng hạng, không phải mất sức lên lớp ai, chẳng cãi cọ cùng ai.
2- Thành thật. Muốn nỗ lực tìm học, trước tiên phải thành tâm nhận ra sở học của mình còn thiếu/ kém. Xem đó là một “điểm chết” đầu tiên, cần phải có mục đích dài hạn theo đuổi, để thoát tối tăm, tăng dần sở kiến.
Khiêm tốnthành thật, là yếu tố dễ dàng tiếp cận cái mới, những trào lưu mới, luôn biết tôn trọng những phát biểu của người khác, thậm chí những phát biểu ấy trái ngược với quan điểm của mình.
Khiêm tốnthành thật, kết hợp với tài năng sự thông tuệ, sẽ sinh ra sự bao dung tự tại. Sự minh sáng của tự tại sẽ tỏa ra những điều lớn lao lẫn tế vi, trong cuộc sống.
Trên hành trình sáng tạo, nhà văn không chỉ thấy chiếc bóng của những thực thể hữu hình, sản phẩm của ánh sáng, mà là cả chiếc bóng vô hình, linh hồn của vạn vật.
3- Hiểu ra sự ràng buộc. Nghề văn khác biệt rất nhiều những ngành nghề khác. Vị bác sĩ chữa bá bịnh. Nhà văn nhức đầu thì bác sĩ cứu chữa. Không có thuốc bổ não, thuốc tăng sức tưởng tượng, mơ mộng nào để viết văn hay.
Khó thể tin rằng có học vị tiến sĩ văn chương, thật đáng trân trọng, là đương nhiên trở thành một nhà văn. Trường Đại học Văn khoa bao thế hệ, nhiều nghìn sinh viên, đã sản sinh ra bao nhiêu nhà văn, qua tác phẩm, đúng với danh nghĩa.
Trường dạy Viết văn, hữu ích thật đấy, ở chỗ dạy người làm văn, làm con đều được buộc vào đầu một sợi dây. Từng ấy tầng cao, tung bay “phấn khởi” lắm, nhưng thế giới rộng trải của chính nó, là chỉ cố định, ở đầu một sợi dây. Dạy viết văn? là nơi chuyên nghiệp đẽo gọt, bào mòn trơn tru góc cạnh cá tính, nơi trợ lực để thủ tiêu tài hoa, gây thương tật cho những Đích-thị-văn-tài.
Hiểu ra những ràng buộc, những chỉ định phương hại tới dòng chảy tư/ý tưởng khi sáng tác, người cầm bút mới chấp nhận, dấn mình vào cuộc vượt thoát. Dứt bỏ những chướng ngại ma cỏ, những thường tình ươn thiu; để hướng tới những viễn kiến, tiên tri, dự phóng, vọng tưởng, hư cấu; và mạnh dạng, phóng khoáng cho ngòi bút trôi chảy.
4- Cái Học. Nói vậy, không phải nhà văn là không cần đi học, và Học.
Không thủ đắc được một nền tảng học thuật, triết học, thi ca, cả hội họa, âm nhạc nghệ thuật, người cầm bút, ngoài một ít năng khiếu trời cho, chỉ còn là cạn cợt, nghèo nàn, thiếu hơi. Chung chung là sống thêm những ngày trí não teo cơ.
Được một hạt giống tốt, chôn xuống đất, đương nhiên nó tự nảy mầm. Phải tận tâm xới đất, vào phân, tưới nước, cây mới sum sê dài ngày, bền vững, cho trái ngọt, quả lành. Nhà văn, kẻ luôn bức thoát khỏi vị trị trí cũ, khắc khoải chờ một lột xác, phục dựng.
Ngoài những lời dạy dỗ bao la chi tào của các triết gia, thánh hiền, nhà cầm bút muốn viết /tả cái sự đời cho rõ/tỏ, cho lung linh tận cùng cũng phải biết đến cả những cái nhỏ nhoi, vụn vặt. Chính cái vô tình của thiên nhiên, cái đương nhiên của tự nhiên, cái hành động thuần bản năng phi ý thức, do hằng đời đời đã tự có trong muôn loài, lại là cái “nết” biểu trưng chung cho muôn đời.
Hãy nhìn miệt mài cái cách con chim làm tổ, không đôi tay chúng dùng cái mỏ điệu đàng; xem cách con diều lao vút từ tầng không xuống mặt đất chớp nhoáng “đớp” một con gà con, và, sự tận hiến của gà mẹ bung hai cánh nhỏ bé bảo vệ đàn gà con. Cái an lòng một niềm vui tổ ấm, sự cạnh tranh, chiếm đoạt giữa các loài trong trời đất, và sự tự vệ để sinh tồn. Những hoạt cảnh ấy, ngoài tác động của thị giác, với nhà văn, hãy còn một biến thể, những cảm nghiệm trừu tượng, hằng lung linh lưu dấu trong tâm thức, tâm linh. Nó sẽ biến dạng, là ánh sáng rộng tỏa, khi kể lại sự vụ, trong cái truyện, trên trang sách.
Với người cầm bút, việc đọc sách không là một giải trí, thoát sầu, tìm vui. Đọc/ học/ ghi nhận từ sách vở, từ bầu trời trăng sao, từ mặt đất con thác đổ con kiến tha mồi mùa mưa lũ. Nhất nhất đều cho ta bài học, đều dạy ta, cho ta chất dinh dưỡng, nuôi sống ngòi bút.
Với chữ nghĩa, y chừng là một cái Đạo đối với người cầm bút. Một con đường khó khăn, phải năng tu tâm dưỡng trí; “cố cùng” mới đạt thành. Các Nho sĩ thời xưa, phải tắm rửa sạch sẽ, khăn đóng áo dài, mới ngồi trước án thư, mở cái chữ của thánh hiền.
5- Cái Đi. Cái Đi chính là cái sống. Bước đi càng dặm dài sự hiểu biết càng mở rộng. “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, “Đi ra cho biết đó đây, ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn”, người xưa từng dạy. Nhà văn cần từng trải, qua không gian lẫn thời gian. Thời gian, để có đường trường sáng tác. Không gian để bản thân văn chương luôn thay áo mới.
Một người ở mãi trong làng trong nước, đương nhiên bằng lòng với sự thân thiện, hòa mình, thỏa mãn với tụng ca, “Chỉ chốn quê hương là đẹp hơn cả”. Nhưng ai đó “lỡ” đi ra ngoài nước một lần mới thấy mình cần đi đó đây.
Trái đất rộng tênh, biển chữ cổ kim vô bờ, đọc được chừng nào, thì đọc. Có điều kiện, tùy nghi túi tiền, du lịch đến được chỗ nào thì đến. Ít nhiều cũng là cái “có thêm”, là bề dày từng trải.
Người dân ở những nước văn minh tiên tiến, người ta quanh năm làm việc hết mình, dành dụm chút tiền bạc, để tới mùa nghỉ dài ngày, là a-lô, ba-lô lên đường du lịch.
Đi ra ngoài, nhìn ngắm nhiều, giựt mình nhiều món lạ, cảnh đẹp, ông da trắng bà da đen, bác lạc đà, cô chuột túi, ngữ ấy phần nào nó triệt tiêu cái tánh nhỏ nhoi, thủ cựu, ta đây là nhứt.

Phạm Viêm Phương: Xin được cắt ngang câu trả lời của ông. Hôm nay, đa phần bà con cho rằng việc đọc sách để tìm kiến thức là phí phạm thời gian. Đã có ông Gu-Gồ, thầy dạy bách khoa.

Cung Tích Biền: Đúng là như vậy. “Ông” ấy là tay ký lục tận tụy, vô tư và rộng lòng, luôn sẵn lòng ban phát thông tin cho bất cứ ai cần. Nhưng muốn có một kiến thức sâu rộng ta phải cần một đòi hỏi khác, khắt khe hơn. Phải cần nhiều chiều hướng thông tin soi rọi, sâu rộng, ta mới có cái nhìn khách quan và cho ra một kết luận [tương đối] chính xác. Nó không đơn giản như việc tìm công thức để nấu một tô bún bò.
Hãy cho một thí dụ, đòi hỏi sự nỗ lực tìm kiếm và giàu trầm tư. Văn bản một lịch sử nào cũng có “kể lể”, “kể công”. Một của triều đại, của thể chế đương quyền. Và, một kia, là của thực thể đã tiêu vong, trước đó.
Nhà đương quyền luôn chép sử theo những gì mình cho là đáng/nên ghi chép. Tham vọng dương danh của kẻ đương ngôi, là luôn hạ nhục cái thể chế mình đã hạ gục. Thể thái ấy luôn bày rõ một sự đồi bại, thiếu công minh, bỏ đi sự thật, tạo ra sự bịa đặt, hỏa thiêu, an táng những gì là đáng tôn vinh của bên chiến bại. Kết quả, đã lái công-việc-sử-ký sang “Con đường một chiều”.
Bản “tự vinh danh” này của nhà đương quyền, đã đươc công khai dạy cho công chúng, được đưa vào sách giáo khoa học đường, cưỡng chiếm niềm tin của một thời; tất thảy đó, là hàng giả mạo.
Một bản kia, là viết vì sự thật, của máu, trong hàm oan. Bản ấy, có thể đang còn ẩn kín đâu đó, đó mới là Sự-thật-lịch-sử dành cho mai sau.
Nhà văn qua tác phẩm của mình, trong chừng mực khiêm tốn, ít nhiều đóng góp, là một người có trách nhiệm ghi lại, thanh minh cho lịch sử. Cần một cẩn trọng, nghiêm túc, không vì những thông tin son phấn, đánh lừa của những kẻ đã quên đi các công lao của tiền nhân, xem thường danh dự của giống nói.
Tôi xin dài dòng thêm, vì câu hỏi, “Ông đã có hơn nửa thế kỷ cầm bút và vẫn giữ được sức viết khi đã ngoài tuổi tám mươi. Tôi nghĩ rằng điều đó chắc hẳn dựa trên một nỗ lực tìm học và trầm tư không ngừng (ta tạm gác bỏ yếu tố sức khỏe). Ông có thể cho bạn đọc và thế hệ trẻ biết nên làm gì, tìm đọc những lãnh vực gì, rèn luyện gì để giữ bút lực sung mãn như thế không?
6- Sự hàm dưỡng. Con ong làm tổ, con nhện giăng tơ, là ở chỗ ra công nhặt nhạnh, từ từ gom tụ, tuần tự bày biện. Sự hàm dưỡng của một nhà văn là một công năng quan trọng. Không tùy hứng mà phải khổ công miệt mài, mới nên tơ, thành mật.
Tiếp nhận, giữ lại, tô bồi những dưỡng chất cho đường dài sử dụng. Hàm dưỡng tài năng, tri thức, sở học, kinh nghiệm, trên nữa là tâm thức tâm linh. Một cuộc tu tập man mác biển rộng sông dài, luôn phải thường trực, linh động.
7- Ngoại ngữ. Nhà văn cần biết ngoại ngữ là điều cấp thiết. Các nhà văn, học giả tổ tiên của chúng ta, vào thời Gia Định báo [Trương Vĩnh Ký], đến Đông Dương tạp chí [Nguyễn Văn Vĩnh], Nam Phong tạp chí [Phạm Quỳnh] đến Tự Lực văn đoàn [Nhất Linh]… hầu hết các vị đã thông tạo chữ Hán và tiếng Pháp.
Nguyễn Bá Trác [1881-1945] viết thiên ký sự Hạn mạn du ký, nguyên là bằng chữ Hán, về sau chính ông dịch ra tiếng Việt – đăng trên Nam Phong tạp chí từ số 38 đến số 43 vào năm 1920. Cung Giũ Nguyên [1909-2008]  viết tiểu thuyết bằng tiếng Pháp. Và, còn rất nhiều trường hợp khác nữa.
Là nhà văn, tùy nghi, nhưng theo tôi, phải thông hiểu tiếng Anh và tiếng Pháp. Nói-nghe-đọc, không giỏi hai cái trước, thì cũng phải thông thạo cái sau, Đọc được.
Anh ngữ, để giao tiếp toàn cầu. Pháp ngữ, vì chúng ta có quan hệ nhiều mặt với người Pháp trong non thế kỷ lệ thuộc; muốn thông hiểu sâu rộng quá khứ qua tư/tài liệu, cần hiểu biết tiếng Pháp để tiện tra cứu.Thêm nữa, nguồn sách trước nay, được xuất bản toàn cầu, đa phần là tiếng Anh, tiếng Pháp.
Học thêm chữ Hán cũng là điều hữu dụng, vì tiền nhân chúng ta, ngoài chữ Nôm, có trên một nghìn năm dùng chữ Hán trong mọi lĩnh vực chính thống phải cần tới Hán tự.
Một lý do nữa, lâu nay, những tác phẩm nguyên ngữ rất nhiều, nhưng được dịch ra “Tiếng nước ta” thì quá ít. Việc dịch lại chậm trễ. Những danh phẩm thế giới, người ta đọc đã thời kỳ quá đát, vài mươi năm sau, ta mới thấy được bản dịch. Nếu có chút ngoại ngữ, đọc trực tiếp, trước khi được dịch, sự tiếp cận càng sớm càng tốt.
8- Cần cù lao động, dành thời gian cho nghề nghiệp. Lẽ thường, nghệ sĩ thì phóng khoáng, chơi nhiều, nhậu nhiều, nhảy đầm, đánh đàn, yêu hoa, si tình, lai rai đánh bạc, giao du đó đây tìm bạn tâm giao, lúc hứng thích mới sáng tác.
Tôi không dám bàn, dám khuyên với các “Nhà” khác. Nghề văn như nghề dệt vải, lại cung cách của thời thủ công như các gái làng quê thuở nọ. Dệt từng sợi, gõ từng chữ gian nan. Có khi khuya lơ, viết xong trang chữ, đẩy cửa bước ra ngoài, trăng về sáng mòn mỏi, một mình.
Phải thầm lặng, cần cù, ngày nối đêm mới có “sản phẩm”. Trong thời gian có hứng thú sáng tác, phải tiết kiệm thời gian, phải kiêng cữ, mọi thứ như chị có bầu, tất thảy là vì đứa con đang mang trong bụng; tất thảy là mong đứa con sắp oe oe chào đời là một sinh vật lành mạnh, tinh khôi, không dị tật.
Cho nên, nhà văn phải chịu cái an phận. Anh mừng cho tôi có một đời viết lách bền bỉ trên sáu mươi năm, tới nay tôi vẫn bàn đèn nghiện ngập cái chữ. Anh ạ, cái đó là cách trả nợ. Một mối nợ già đầu chưa trả hết. Quả là trời hành.