VH Tiếng Nói Văn Học Việt Houston VH

VVH Tiếng Nói Văn-Học Việt-Houston (Viet Voice From Houston). Xin gửi bài vở về địa chỉ wendynicolennduong@post.harvard.edu. Contributing articles and commentaries should be submitted to wendynicolennduong@post.harvard.edu.

COPYRIGHT NOTICE AND DISCLAIMER

Về vấn đề bản quyền (copyright) cho tác giả Việt Nam của các bài viết được đăng tải ở đây: Chúng tôi nhận được những bài viết này từ độc giả hoặc từ các môi trường truyền thông của các nhóm người Việt, vì tác phẩm đã được phổ biến ở một môi trường công cộng nào đó. Chúng tôi mạn phép đăng tải theo lời giới thiệu của độc giả, dưới thẩm quyền "fair use exception" của luật trước tác bản quyền, vì làm việc cho mục đích giáo dục quần chúng, không vụ lợi. Nếu độc giả nào biết tác giả, xin cho chúng tôi biết để gửi lời chính thức xin phép, hoặc nếu tác giả không bằng lòng, xin cho chúng tôi biết ngay để chúng tôi lấy bài xuống theo ý của tác giả.

disclaimer re content

Quan điểm của tác giả hay độc giả trình bày ở đây không phải là quan điểm của người hay nhóm chủ trương VVFH, và vì thế chúng tôi không chịu trách nhiệm về những quan điểm hay dữ kiện đưa ra bởi tác giả hay độc giả. The views and supporting facts expressed by the authors or commenters published here are not necessarily those expressed or endorsed by VVFH or its editors. Accordingly, VVFH disclaims liability with respect to such content.

MỤC ĐÍCH:

Lời nhắn với học trò Việt Nam của giáo sư WENDI NICOLE Dương, cựu học giả FULBRIGHT Hoa Kỳ và cựu giáo sư luật đại học Denver:


Cô thành lập tập san này là đề cố gắng giữ lại những cái đẹp trong văn hóa cội nguồn của Việt Nam, đã giúp chúng ta đứng vững trên hai ngàn năm, dựa trên những giá trị đặc thù của người Việt nhưng đồng thời cũng là giá trị tổng quát của nhân loại. Hy vọng TIENG NOI VAN HOC VIET-HOUSTON, gọi tắt là VH, hay VVFH (Viet Voice from Houston) sẽ đến với người Việt trên toàn thế giới, qua độc giả thích văn chương văn học trong cả hai ngôn ngữ Việt-Anh, từ bàn tay và ánh mắt của một số it học trò Việt đang sinh sống ở Mỹ hoặc ở Việt Nam, của chính cô, cũng như của thế hệ đi trước biểu tượng là cha mẹ cô, những giáo sư ngôn ngữ.


Wendi Nicole Duong (Nhu-Nguyen) tháng tư April 2015

TRIO OF WATER LILIES

TRIO OF WATER LILIES
TRIO OF WATER LILIES enamel, markers, pen and pencil on paper. artwork by Wendi Nicole Duong copyright 2013: in all three regions of Vietnam, one can always find Hoa Sung, water lilies!

Monday, December 7, 2020

WOMAN IN DARKNESS

 December 7, 2016 


WOMAN AND DARKNESS...WOMAN IN DARKNESS:
How would one paint darkness? Especially when one has only five minutes to spare? Here is another of my five-minute creation.
Does darkness mean all black? Painters know that there are hundreds of black shades and hundreds of white shades...I think darkness has colors. So, here is how I painted darkness, from the perspective of a woman sitting in the dark, or immerging herself in it. So her face is the color of a sombre shadow. The Vietnamese verses describe her mood (translation: "I am my own darkness, my sombre green...Loyalty or betrayal? All from the same spleen...").
The joy of impromptu raw art is the envisioning of a backdrop. I created a cheerful backdrop for these verses of sombreness, with lots of pink.
1) Woman and darkness UND C 2010, 2016 enamel and markers on grained paper
2) verses of sombreness in Vietnamese UND C2016 markers enamel and pastel on thin paper
3) variations with digital inversion and color infusion UND C 2020











Thursday, December 3, 2020

in commemoration of my mother -- dec. 2 2018

 here is the "near-perfect doll" -- my mother's product: 

My mother directed the photoshoot in Hue, and look: the "doll" has two bracelets on...



Wednesday, December 2, 2020

IN HONOR OF OLD AGE AND VIETNAMESE PARENTAL CARE

 It is with honor that I circulate this story about Vietnamese parental care and old age. With poignant humor, the author related his experience of "baby-sitting" his 100+year-old father. The author is very lucky not to run into the real tragedy of cultural collapse in the context of parental care, which brings out the worst in human beings.  

The story was written in Vietnamese.  It is lovely.  It reminds me of my father, who is from northern Vietnam, sharing the same speech pattern as the character in this story. 

How lucky yet unlucky my father was, compared to the old gentleman in this story. 

wnd 12 2 2020

MỘT NGÀY VỚI TUỔI TRĂM NĂM
(04/12/2013)
Tác giả : Cao Đắc Vinh
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, 25 năm ở Mỹ, hiện cư ngụ tại Irvine cùng gia đình. Sau đây là bài viết về nước Mỹ thứ tư của ông.
—-
Bố tôi là cụ già đang sống trên tuổi trăm năm.
Cụ bình an ở cõi trần 103 năm tính đến năm nay Quý Tỵ 2013. Con số tuổi thọ của Cụ tiếp tục cao giống như lời chúc mọi người thường tặng nhau mỗi khi Tết đến, xuân về.
Bố tôi vẫn ăn được, ngủ được nên gọi Cụ là "Tiên giáng trần" theo như câu vè lưu truyền trong dân gian: "Ăn được ngủ được là tiên, không ăn không ngủ mất tiền thêm lo..." nhưng thực tế, Cụ vẫn là "người" nên chẳng thể nào tránh khỏi cái chân lý sinh lão bệnh... của kiếp ba sinh. Một người già sống đến trăm tuổi nếu còn khỏe mạnh thì cũng chẳng khác cỗ xe cũ là mấy! Động cơ hao mòn, lúc chạy lúc ngừng tùy theo thời tiết nắng mưa... Bố tôi cũng đang bước qua chiếc cầu khổ đau của bệnh tật và thường hay than thân trách phận: "Đoạn trường ai có qua cầu mới hay!"
Sống trăm tuổi chắc chắn bệnh tật phải xếp hàng chờ đợi, không nặng thì nhẹ... Có điều là ở đời, nếu ai may mắn ít bệnh nan y lại hay tạo ra cảnh "Nhà giầu đứt tay bằng ăn mày đổ ruột". Bố tôi chẳng phải ngoại lệ! Mỗi khi trời buồn đổ mưa, cho dù thuốc men đầy đủ, con cái cũng vẫn nghe tiếng Cụ rên rả rích như tiếng mưa rơi lộp bộp trên mái nhà! Cụ không còn đủ sức tự chế để an hưởng phúc lợi mà trời ban riêng cho mình ở tuổi "bách niên," có lẽ vì ít thấy cảnh khổ của kẻ khác nên hay bực dọc với bất cứ bất an nhỏ bé nào đến với mình.
Quan sát tuổi già của Bố, tôi nghiệm thấy một sự thật đơn giản là con người ngoài số mệnh sẵn có, sống thọ và ít đau yếu còn nhờ vào sức mạnh miễn nhiễm của cơ thể. Qua bao chu kỳ bốn mùa, hết xuân lại vào thu với dị ứng, cảm cúm rình rập, Bố tôi chẳng lần nào chích ngừa mà vẫn khỏe, vi khuẩn vô tình xâm nhập tấm thân già ấy cũng phải tàn lụi vì hợp chất kháng thể. Mùa đông vừa qua, bệnh cúm hoành hành khắp các tiểu bang... Tôi đến thăm vào một buổi trưa, bàng hoàng thấy Cụ lâm trọng bệnh. Cụ ngồi ở "sofa", cặp mắt cá ươn lạc mất hồn, mê man nên không than thân như thường lệ! Ói mửa trên người, nước mũi chẩy xuống áo quần, hơi thở nghẹt vì đờm trong cổ làm cả nhà sợ hãi. Anh cả lên tiếng phiền hà em lơ đãng quên chích ngừa cho Bố, em trách anh biết lo xa, thế mà lơ là chẳng giúp? Bác sĩ khám bệnh và kê thuốc ho qua loa, ngạc nhiên chỉ một tuần sau, Cụ bình phục rồi những lúc sảng khoái lại líu lo như chim xuân đang về.
Rượu mạnh Cognac, Whisky... hết còn thích hợp với sức khỏe của Cụ nhưng thỉnh thoảng ăn miếng thịt bò cơm Tây hay "seafood" cơm Tầu thì vẫn nhâm nhi một ly vang đỏ. Bạn bè Cụ đa số đã ra người thiên cổ chỉ còn vài ông bạn già tuổi kém gần thập niên hay một con giáp. Ở tiệm ăn, có người nhận ra Cụ, vui mừng đến chào hỏi nhưng bẽ bàng vì Cụ dửng dưng không còn nhớ kỷ niệm nào với họ...
Tiên sinh Tú Xương một thời đã than, "Một trà, một rượu, một đàn bà. Ba cái lăng nhăng nó quấy ta! Bỏ được thứ nào hay thứ đó..." Bố tôi thì chẳng muốn bỏ thứ nào cả nhưng hoàn cảnh ở Mỹ bây giờ hấp dẫn chỉ còn mỗi mục "trà" nên đành phải lấy cà phê, thuốc lá làm thú giải khuây. Ngồi buồn một mình, Cụ đốt liên tu bất tận, một ngày một bao thuốc như chơi và phân trần khói thuốc hút vào lại thổi ra như còi tầu, có nuốt vào phổi đâu mà sợ độc hại? Nếu tôi cắt nghĩa về ảnh hưởng của khói thuốc đối với con cháu trong nhà thì Cụ nghĩ tôi gây chuyện làm khó rồi lẳng lặng vào phòng đóng cửa hút, khói bay mù mịt. Cụ uống cà phê đen có đường thay nước! Mỗi ngày hai ba lần, tôi pha từng đợt để giữ mùi thơm và độ nóng rồi mang ra "patio" chỗ Cụ ngồi cùng với vài điếu thuốc lá. Hút xong là hết cho ngày hôm đó, mục đích hạn chế liều lượng và kiểm soát Cụ thì mới yên ổn sống chung được...
Bữa ăn ngon lành nhất của Cụ là "phở gà phao câu" hay "hủ tiú sa tế". Ăn "steak" thì có Norm s Restaurant trên đại lộ Beach nhưng phải chờ thứ sáu đặc biệt có món súp "clam chowder" mà Cụ thích! Nói chung, Cụ chỉ chuộng những món thuộc loại "kinh dị" chẳng hạn sa tế có nước dừa kẻ thù của cao mỡ, "clam chowder" có "cream" mà người Mỹ thường phải bỏ bớt % "fat" và cuối cùng là cái của quý "nhất phao câu nhì đầu cánh" vì cục mỡ vàng ở đuôi con gà... Hôm nay Cụ đã ăn món này thì mai ăn món kia. Đi không vững, phải dìu từng bước nhưng tính thích đi chơi nên nếu biết sẽ được đến những nơi ấy thì bỗng nhiên Cụ trở thành "em bé" dễ bảo. Do đó tôi thường dùng "chiêu" này để "dụ" Cụ đi tắm, thay tã và quần áo vào buổi sáng đến chăm sóc.
"Cơm hàng, cháo chợ" ăn quen đến nỗi, vừa đến cửa tiệm phở Quang Trung hay hủ tiếu Triều Châu là đã nghe mấy cô cậu làm việc ở đấy kháo nhau ầm ĩ khi hai cha con tôi khập khiễng bước vào: "Bố đến! Phao câu bánh tươi hành trần..." Những người trẻ ấy, lứa tuổi cháu chắt của Cụ nhưng sống bên Mỹ lâu năm, ít nhiều đã quên phép tắc thưa gởi đúng đắn nên chúng tôi chỉ biết cười xòa, miễn sao vui cửa vui nhà và nếu vui cả bà con cửa tiệm thì... càng vui hơn.
Hôm nào ngon miệng, Cụ có thể ăn hết tô phở nhỏ, tay cầm từng miếng phao câu da vàng mỡ, nhai chậm rãi rồi lọc ra cục xương nhỏ, cả thẩy là 7, 8 cái "đít" gà... có khi bùi béo quá, vô ý Bố rớt cả hàm răng giả ra ngoài! Tôi nhìn quanh, lo cho những người ngồi gần bàn mình, thấy cảnh ít thẩm mỹ này sợ họ ăn mất ngon nhưng chẳng ai để ý và phiền trách một cụ già. Biết Bố còn thích ăn tiệm nên buổi trưa nào gặp nhau, dù có vất vả tôi cũng coi như bổn phận, vui vẻ dắt Cụ cùng đi.
Tuổi già xương yếu, đi đứng khó khăn nên Cụ ngồi nhiều sinh ra chứng bệnh táo bón. Cằn nhằn mãi mà vẫn chưa tiêu, uống 2 viên thuốc nhuận tràng "Bisacodyl" không thấm, tự động Cụ lấy thêm 3 viên nữa... Kết quả là tiêu chẩy tung tóe từ phòng vệ sinh đến phòng ngủ và mấy chị em tôi phải giặt giũ, dọn dẹp nửa ngày chưa xong!
Mặc dù phải dắt Cụ từng bước vì lỡ té ngã thì khổ cả nhà nhưng mỗi khi thấy quý bà đến gần hỏi thăm là Cụ tự ý chống gậy đứng một mình, tay đút túi quần ra cái điều vẫn "ngon lành", còn "gân", độc lập, tự chủ không cần ai. Trò chuyện qua loa, các bà thường hay ban tiếng khen vô thưởng vô phạt, Bố tôi tức thì nhăn mặt đáp lễ với lời than thở: "Dạo này, yếu lắm không khỏe!". Tuổi già đau nhức kinh niên, "ỉ ôi" mong đợi sự cảm thông chia sẻ của quý bà.
Chuyện "lấy le" nhỏ như "con thỏ" ấy đôi khi thành to trên đường phố xứ người, gây ra nhiều hiểu lầm với dân Mỹ sẵn bản tính trọng đãi người già! Ở những chốn ăn chơi như Las Vegas, Big Bear... Cụ muốn chống gậy khập khiễng đi một mình một phố, "complet" "cravate" đầy đủ chỉ cần phong độ và dáng dấp "ngầu" thuở xưa nữa là xong! Cứ "lê" một bước, Cụ lại đứng nhìn... Tôi cũng phải "lết" theo Cụ canh chừng. Mỗi lần thấy Cụ chậm chạp quá! Tội nghiệp tôi lại gần khoác tay, dắt Bố để cha con cùng đi bên nhau thủ thỉ cho ngày dài thêm ý nghĩa thì Cụ đuổi thẳng thừng: "Đi, đi! Cứ đi trước đi! Ông để mặc tôi..." nhưng đi trước là đi đâu? Thành ra hai cha con cứ đứng giữa đường, kẻ trước người sau ngơ ngác lo cho nhau như đang diễn tuồng! Khách bộ hành không quen cảnh tượng ấy, ái ngại nhìn hai người như muốn hỏi: "Whats going on?". Cuối cùng, có ông Mỹ cả nể đến gần hỏi han thì Cụ "nể cả" với nụ cười "ngoại giao" ròn tan, lịch sự líu lo "xổ" tiếng "Phú lang xa" và lẽ dĩ nhiên, tiếng Mỹ tiếng Pháp loạn xạ, chẳng ai hiểu ai rồi ngượng ngùng "Oui Monsieur", "Bye Bye" đường ai nấy đi! Lúc đó, tôi chỉ thấy chán nản vì bất lực... Bố con đi chơi chẳng vui mà như mắc nợ, hành tội nhau khổ sở. Tính tình như thế nên Cụ không bao giờ thích ngồi xe lăn, lần nào mang xe đi cũng lại vác về ngoại trừ những chuyến đi chơi xa, miễn cưỡng chẳng đặng đừng, Cụ mới chịu "lép vế" an tọa, chờ người đẩy.
"Bách niên" sống lão thì nhân sinh lại quay về điểm khởi đầu nên thân già co cụm trong tâm hồn trẻ thơ là chuyện thường tình. Trời cho Cụ bản chất lạc quan, sức khỏe đặc biệt hơn người cho nên cản trở lớn nhất của Bố tôi đối với gia đình là tính kiêu căng vẫn còn sót ở tuổi già đang quay lại thời "tuổi thơ": giỏi nhất, kinh nghiệm nhất, thông minh nhất, đội đá vá trời... chỉ vì cái tự cao "chủ nghĩa" lẩm cẩm. Bề ngoài giao tế tỏ vẻ "trịch thượng" nhưng nếu tự vấn lòng, khó ai biết sự thật Cụ nghĩ gì? Ai lỡ yêu thương, vồn vã chăm sóc thì Cụ làm cao, "ăn hiếp" đến "tắt thở" rồi cuối cùng phải dùng đến "đòn phép" mới được yên thân và ngược lại, đứa con nào thờ ơ, không để ý đến Cụ cũng phải nghe phiền trách mỗi khi giáp mặt.
Bên cạnh Bố, tôi thường nghe Cụ than, "Lạ nhỉ! Suốt đời, tôi có ăn ở tệ bạc với ai đâu mà chúng nó đối xử như người dưng nước lã..." nhưng thực tế, từng ấy người con mỗi đứa một tính giống như bàn tay có ngón dài ngón ngắn. Cụ nghĩ đến "ngón ngắn" vì "thiếu thốn" nên ưu tiên lưu ý đứa "ghét" Cụ hoặc chẳng may bị Cụ ghét, còn đứa thương ví như "ngón dài" đã "đầy đủ" thì Cụ thờ ơ, ít để tâm suy nghĩ. Nói cho cùng, nếu ai lỡ "ghét" cũng do tính tình khó khăn của Cụ vì mỗi lúc không đúng ý là Cụ la mắng và giận hờn nên đa số chán nản, tránh xa phiền muộn do Cụ gây nên để tìm sự bình yên cho riêng mình.
Bố tôi tuổi Thân đã qua hơn 8 lần con giáp! Theo tử vi, bản tính tự cao, tự đại một phần do cái số cầm tinh con khỉ (?). Xin lỗi người tuổi Thân... Tôi nêu ý nghĩ ấy bởi vì đôi lần muốn tìm lại một nơi chốn cũ, Cụ ngồi trên xe vẫn dõng dạc chỉ đường cho tôi nhưng đường nào thì cũng chỉ là bánh vẽ của một ký ức "mù mịt khói sương"...
- "Đi lối này gần! Ông đi lối kia vòng co tam quốc, mất thì giờ chẳng ăn thua mẹ gì, chán quá! Cứ theo tôi. Đấy đấy..." Nghe theo cái "GPS" "cảm tính" kém chính xác của Bố, lái xe quẹo Đông sang Tây, từ Nam lên Bắc loạn xạ cho nên lần nào xe cũng từ từ đi vào ngõ cụt... Đến khi bí quá thì lại nghe Cụ "phán":
- "Quái lạ! Bây giờ nó sửa đường và xây cao ốc tối tân không còn nhận ra ất giáp gì nữa cả?".
Nhiều lúc tôi phát điên, trả lời Cụ:
- "Bố ơi! Nhà mình có phước hay vô phước hả Bố? Người ta nói: con hơn cha là nhà có phúc mà Bố cứ nhất định đòi giỏi hơn con thì gia đình mình đến thời mạt rệp... à?"
Tuy nói thế, nhưng tôi hiểu mọi sự trên đời đều là hình ảnh một đồng tiền hai mặt, úp và ngửa, có trái thì có phải, cái "phải" nằm sẵn trong cái "trái"... Dù tuổi già "ba hoa", Cụ đã tạo chút không khí ngang ngạnh đáng tiếc nhưng xét kỹ... lại vui vì đó chính là giờ phút hạnh phúc mỗi lúc Bố con gặp nhau. Cụ khỏe mới đi chơi, thể lực mạnh mới xông xáo bầy tỏ đôi ba chuyện "hoang tưởng" vu vơ! So sánh còn thấy hạnh phúc hơn nhiều những lần khác, ốm đau Cụ nằm một chỗ, co rúm im lìm trên giường thì gia đình còn khổ và lo âu đến chừng nào!
Tính tình Bố tôi ở tuổi này thay đổi từng giờ, đang vui đã giận và chưa giận đã cười. Vì thế sống gần Cụ, nên hiểu tâm trạng ấy và đừng để "stress" họa vào thân. Đó là kinh nghiệm đáng ghi nhớ của tôi vì lúc đầu chưa biết rõ hoàn cảnh, tôi đã trải qua giai đoạn thật vất vả lao đao!
Dù sao, cảnh đời cô đơn của Bố cũng rất đáng thương! Mọi sinh hoạt như ngừng lại từ lúc các bạn cố tri lần lượt ra đi và Cụ tiếp tục sống trong tuổi già quên lãng. Ngày ngày, tuy có người trông coi nhưng Cụ vẫn thân một mình, ngồi tự vấn sự đời vẩn vơ... Chờ đợi mòn mỏi đứa con nào đoái thương thân già, thăm hỏi rồi dắt đi ăn uống là một ngày vui ngắn ngủi vì dưới mắt Cụ thời gian hội ngộ luôn qua nhanh. Giờ phút chia tay lần nào cũng nghẹn ngào! Tôi thường phải nói dối Cụ đi làm "ca" đêm để về với vợ con và lại nghe câu hỏi quen thuộc: "Mấy giờ về... để tôi đợi?". Bố hẹn con tái ngộ ngày mai nhưng ngày mai nào ai biết sẽ đến hay không? Chẳng may có thể là lần cuối (?)! Hai Bố con lặng nhìn nhau lưu luyến như bóng chiều ngập ngừng sắp trôi vào giữa bóng đêm...
Ý thức ngày vĩnh biệt không tránh khỏi nên mấy năm gần đây, tôi đã thu gọn đời sống để tận hưởng niềm vui mong manh bên cạnh người Bố già. Tự nhủ lòng những ngày vui qua mau và giây phút cuối đang đến gần! Cố gắng sống trọn yêu thương với đạo lý hôm nay để lòng thản nhiên trước cảnh tử biệt sinh ly ngày mai... Nếu phải nghìn trùng xa cách từ đây, Bố con sẽ nhìn nhau "an phận" không tiếc nuối như ngày tiễn Mẹ ra đi.
Giống tôi lúc xưa còn bé, đi đâu bây giờ Bố cũng muốn theo vì cuộc đời Cụ cô đơn, lẻ loi và chẳng còn nhiều ý nghĩa! Kỷ niệm những mùa hè, Bố và tôi sống bên nhau trong ngôi nhà miền núi giữa đồi thông... Quên sao được con đường chiều dạo quanh bờ hồ Big Bear, chúng tôi dìu nhau đi giữa cảnh hoàng hôn, mặt hồ chiếu rọi tất cả bầu trời nắng quái vàng cam mang chung ý nghĩa về tính vô thường của một kiếp người: mới hôm nao Bố giúp con vào đời thế mà hôm nay, cả hai đã già cùng sống trong một thành phố xa lạ miền cao nguyên, ảm đạm chẳng khác gì cảnh chiều tắt nắng trên mặt hồ...
Những nơi chúng tôi đã đi qua, khách thập phương thường tỏ sự ngạc nhiên về Cụ. Người Mỹ, người Pháp, Nhật, Đại Hàn... đều ngừng lại thăm hỏi và ngưỡng mộ về lối sống của Bố tôi vì ít ai ở tuổi "bách niên" mà còn lom khom đi lại, ăn uống trên đường phố ở chốn phồn hoa đô hội. Ngày nào, nếu Quý vị thấy một cụ già chống gậy, lưng còng, nắm tay một người trẻ đi vào một nhà hàng trên đại lộ Bolsa thì nhiều phần chính là Bố tôi đó. "Sau này... sẽ nhớ mãi những giờ phút này!" Đó là lời bà Bùi Bích Hà, một nhà tư vấn tâm lý nổi tiếng của Việt Nam nói với tôi đã lâu.
Sống với Cụ thân sinh thọ trăm tuổi, tôi lĩnh hội được nhiều điều hay để biết ơn và sửa đổi. Sinh ra vào đầu thế kỷ 20 nên nhân sinh quan của Cụ nhiều phần khác với thời đại hôm nay chẳng hạn quan điểm về hôn nhân, dân chủ hay câu nói "nhi nữ tình trường, anh hùng khí đoản" đối với gia đình, xã hội... Đã là người thì "nhân vô thập toàn" sẵn mang những khuyết điểm, đáng quý là biết nhận ra mà tránh được. Cha con sinh ra cùng một dòng giống nên bản chất hay tính tình là cái di sản "đồng lần"... Sống bên cạnh Bố, tôi thường suy tư vai trò làm cha đối với các con tôi để tự sửa đổi chẳng hạn tính nóng giận, lạc quan vô cớ và cố quên cái "ta" chấp ngã... Tôi cảm ơn người di truyền sang gia đình tôi cái "gen" khỏe mạnh "vượt thời gian và không gian", lòng trắc ẩn, tính vị tha mau quên và một tâm hồn nghệ sĩ nặng tình dân tộc...
Suy ngẫm chân lý của người xưa: "Anh em kiến giả nhất phận" đến khi sống chung với các đấng sinh thành trời cho tuổi thọ, chúng ta còn nhận rõ một sự thật không mấy vẻ vang! Anh chị em một nhà khi khôn lớn, tình nghĩa đổi thay bất ngờ... Với cha mẹ già cần chăm sóc là một nhiệm vụ, vừa thiêng liêng vừa khó khăn nên câu ca dao "Thức khuya mới biết đêm dài, ở lâu mới biết lòng người thực hư" đã giúp hiểu rõ tính nết của từng người: có anh ích kỷ, có chị lợi dụng, có em ỷ lại... hoặc người này tốt, kẻ kia xấu minh bạch như ban ngày. Những lời rao giảng cao đẹp chẳng hạn: đoàn kết, vị tha, công bằng bác ái... mãi mãi nằm yên trong sách vở. Con nào cũng yêu thương cha mẹ nhưng qua miệng lưỡi thường bầy tỏ hơn 7 lần nên khi hành động chỉ còn 3...
Thuở mới di cư sang Mỹ, cạnh nhà tôi có ông hàng xóm tuổi trung niên khi xưa là đại úy cảnh sát. Qua lại thân thiết nên chúng tôi mời ông sang dự bữa tiệc sinh nhật đứa con đầu lòng. Tình cờ gặp bố tôi, ông nhớ đến bố ông, mừng tủi như sắp khóc rồi đứng giữa nhà bếp, trước bàn ăn đông đủ mọi người, cảm động ông phát biểu:
- "Anh chị may mắn quá! Ráng mà hưởng phúc đức... Bố tôi nếu còn sống mà ngồi "i.." ngay giữa nhà này một bãi, tôi cũng vui sướng hốt chùi không la lối hay than phiền lời nào..."
- "Vâng... giữa sàn "nhà" tôi (!) và chỉ "một lần" thôi nên ông nói vậy!". Nghĩ cho vui nhưng không nói ra vì tôi tin là ông đã trình bầy sự thật của lòng mình theo cảm hứng vào thời điểm đó. Tiếc thay, sự việc sẽ mất tính "cao thượng" khi thêm vào hai yếu tố: nhân bản và luận lý. Đây là trường hợp tiêu biểu "nói dễ làm khó" bởi vì nếu mỗi lúc, mỗi ngày rồi mỗi tháng bố ông "hành hạ" ông kiểu này thì ý kiến ấy sẽ không còn vững bền. Chẳng bao lâu, vài năm sau đó, tôi không biết buồn hay vui khi nghe tin ông hàng xóm đã sớm quy tiên và gặp lại bố ông ở cõi thiên đàng...
Mỗi tuần, tôi lãnh phân vụ trông coi Bố tôi 2 buổi từ sáng đến chiều nên dù hưu trí đã 2 năm nay, tôi cũng chưa dám phác họa một chuyến du lịch xa. Hôm nay, xin ghi lại mẩu đối thoại ngắn như kỷ niệm của Bố con tôi qua câu chuyện: "Một Ngày Với Tuổi Trăm Năm".
1.
- Chào Bố! Con mới "đi làm" về. Bây giờ 9 giờ rưỡi sáng, Cụ ngủ dậy hôm nay có khỏe không?
- Khỏe cái gì mà khỏe cơ chứ! Ông không biết à? Nó bảo tôi mặc quần áo để đi Sơn Tây, ra đây ngồi đợi mãi. Nó lừa... đi mất rồi!
- Bố ơi! Bố phải để chị ấy "đi làm" chứ! Bố cứ đòi theo thì họ phải nói dối... Nếu Bố muốn lúc nào cũng có bạn bên cạnh thì phải chấp nhận vào ở trong viện dưỡng lão thôi! Hôm nay có con ở với Bố nè...
- Thôi thôi... đừng nói nữa, cảm ơn ông! Tôi biết các ông bà tốt với tôi lắm rồi! Cá mè một lứa... cả đám.
2.
- Hôm nay, Bố muốn ăn gì nào?
- Ăn gì cũng được! Ăn cho no chứ béo bở, ngon lành gì mà cứ hỏi mãi...
- Ok! Vậy thì bánh mì Cali hay bánh cuốn Tân Hồng Mai nào.
- Bánh mì chỉ có ông ăn chứ tôi nhai sao được! Răng đâu mà nhai? Bánh cuốn tôi ăn rồi... khô lắm! Tôi phải có cái gì lỏng... mới dễ tiêu.
- Thế tại sao Bố bảo ăn ở đâu cũng được? Vậy thì "phở gà phao câu" được không?
- Đâu cũng được! Phở gà ăn ở cái tiệm cũ kia! Tôi quen ở đó... Chỗ mới bây giờ làm tồi lắm...
- Lần trước Bố vừa khen, thế mà... lại chê rồi! Không sao... Bố muốn đi đâu mình đi đó.
3.
- Thôi bây giờ mình đi tắm, thay quần áo rồi Bố con đi ăn phở nhớ...
- Tôi vừa tắm xong! Đây này, áo quần vừa thay... mới cả! Có gì mà phải thay mãi thế?
- Mới tắm mà sao "khai" thế này? Bố không tắm thì mình không đi...
- Ông chờ tôi nhớ! Đừng đi như "con" kia...
- Con ở đây tắm cho Bố mà... Làm sao Bố tắm một mình được?
- Ông cẩn thận cái áo này của tôi... nó có tiền! Vô ý là hết cả... Sơn Tây.
- Đây! Con treo trước mặt cho Bố thấy... Không ai vào lấy... Thấy chưa? Yên tâm nhé!
- Không ai lấy! Hừ... Mất hết cả rồi mà ông còn nói... không ai lấy! Mất trâu rồi mới lo làm chuồng... Chán quá!
4.
- Sao Bố ăn phở gà hôm nay có ngon và no không?
- Ngon? Ăn mà không ngon thì ăn làm gì? Hỏi vớ vẩn, hừ... No! Đã ăn tiệm thì phải no chứ... lại còn đói à?
- Bây giờ cà phê nhá!
- Cà phê chứ còn gì nữa... Ông ngừng mua bao thuốc lá cái đã. Hết rồi!
- Còn mà! Con vẫn còn nửa bao nhưng Bố chỉ hút hai điếu thôi nhé!
- "Uẩy"! Cho bao nhiêu thì hút bấy nhiêu. Miễn có hút là được.
- Bây giờ vào nhà con pha cà phê, ngồi ngoài "patio" uống cà phê hút thuốc. Ấy... Bố đi đâu vậy?
- Tôi ghi số xe để ngày mai khi cần tôi "gọi" cho ông chứ nếu không lại đói... chẳng có đứa nào chở đi ăn. Viết cho tôi số... May mà có ông thương thân già này nên còn giúp đỡ tôi.
- Bố lộn rồi! Số téléphone chứ không phải số xe. Vào nhà con ghi cho...
5.
- Sao Bố buồn vậy? Ngủ một giấc trưa đi... cho khỏe.
- Tôi thấy đời vô nghĩa, không muốn sống nữa! Phiền hết con cái... Hôm qua, xin nó hai viên thuốc, bảo uống rồi mai không dậy nữa... thế rồi chắc liều lượng nhẹ quá, chẳng ăn thua mẹ gì! Sáng nay vẫn chưa chết...
- Thế Bố còn muốn đi Sơn Tây không?
- Muốn lắm chứ! Chỉ có 2 tiếng ngồi xe lửa là đến nơi mà không đứa nào nó dắt đi. Con với cái... Khổ cái thân già này! Nó hứa nhăng hứa cuội nhưng tôi có cách... "Moa" bàn với "toa" chuyện quan trọng này nhớ! "Moa" cần 2 ngàn để đi về Sơn Tây. Đến nơi rồi "moa" sẽ trả lại.
- "Toa" trả "moa" bằng cách nào?
- Mấy bữa nay, "moa" nghĩ ra cách kiếm tiền rồi! "Moa" về Sơn Tây mở lớp dậy tiếng Pháp cho người ta học... Thế nào cũng có nhiều "sìn".
- Bây giờ tiếng Anh chứ có ai nói tiếng Pháp nữa đâu Bố ơi là Bố!
- Thế thì tôi về Hà Nội... lại làm giây thép Bưu Điện vậy.
- Bố già lụ khụ... đi không vững! Ai còn muốn mướn Bố.
- Già? Hừ... Đói thì cũng phải cong đít mà làm chứ ai nuôi?
6.
- Nếu có ai dắt Bố về Sơn Tây thì con mới cho Bố mượn tiền. Bố không đi một mình được! Hơn nữa đi xe lửa không bao giờ đến! Bố phải đi máy bay, Bố quên rồi à?
- Sao lại không được! Xưa nay tôi vẫn một mình chứ hai mình bao giờ? Đi xe lửa mà lại... Hừ... Ai bảo ông thế! Người ta vẫn đi hàng ngày mà nói láo... Chỉ nói láo là giỏi! Hay là ông không muốn cho tôi mượn tiền nên ông nói nhăng nói quậy? Thôi... Tôi hiểu ông rồi! Thân già này chẳng còn nhờ cậy ai được. Con với cái... Đồ mất dậy!
- Ấy chết, sao Bố lại nói con thế! Chán thật...
- Ông chán tôi từ lâu rồi chứ có phải bây giờ đâu?
- Thôi con đi làm nhớ!
- Vâng! Ông đi... Mấy giờ về?
- Con không về nữa vì Bố chửi con rồi...
- Tôi chửi ông hồi nào? Ông chửi tôi thì có! Chỉ giỏi ăn hiếp người già!
Bố tôi nói thế rồi quên ngay và ngày mai câu chuyện lại tiếp tục với những cuộc đối thoại vui buồn không dứt! Có tính mau quên và chẳng coi ai là kẻ thù nên vì thế Cụ sống lâu chăng? Dù sự ăn uống chút phần khả quan nhưng tinh thần của Bố tôi cũng đã suy sụp nhiều so với năm ngoái! Chân đi không vững và đầu óc hoang tưởng, vui buồn bất thường... Như đã nói ở phần trên, người già không mắc phải bệnh này cũng mang chứng bệnh kia. Thuốc men chỉ đỡ mà không chữa lành.
Bố "đi" mãi và tôi cũng mong Cụ quên "về" với Mẹ tôi nhưng thực tâm, ai cũng biết rằng tất cả chuyện đời đều phân chia sẵn ranh giới nên mỗi khi ra ngoài giới hạn đã định, chúng ta đều có cái giá phải trả! Người xưa vẫn thường nói: "Bách tuế vị kỳ" mà...
Bố tôi và các con của Cụ đang chia sẻ hạnh phúc và khó nhọc, mỗi ngày một khổ hơn vì thế người nhiều kẻ ít tặng Cụ thời giờ và tình thương để mong Cụ hưởng những mùa xuân êm đềm còn lại trong đời.
Qua kinh nghiệm "Một Ngày Với Tuổi Trăm Năm" vừa trình bầy, thực tâm tôi không muốn sống trường thọ đến tuổi "bách niên" để phải trả giá dù nhẹ hay nặng bởi vì sự việc đó chắc chắn sẽ liên hệ đến các con và người thân của tôi sau này... khổ đau sẽ nhiều hơn hạnh phúc! Tuy nhiên, muốn là một chuyện, không ai trong chúng ta tránh khỏi số mệnh đã an bài...
Cuối cùng, liệu chúng ta còn nên chúc nhau câu "Bách niên giai lão" mỗi khi xuân về nữa không?
Cao Đắc Vinh



Wednesday, August 19, 2020

THE BOND OF LITERATURE: TUY HONG'S LONG THANH

This is the short story that creates the bond of literature between me and my mother, besides our mother-daughter love and relationship.  The writer Tuy Hong, my maternal grandmother, my mother, and myself share another bond: the imperial city of Hue.

Khi toi doc truyen nay lan dau tien, toi chi la mot co gai nho, va me toi da cho toi doc.  Truyen gay mot an tuong lon.  Ngay hom nay, doc lai, toi moi nhan thuc ro rang trai tim va cai nhin that lon ve nu quyen trong con mat cua nu van si Tuy Hong. Ba di truoc thoi dai.


1
Túy Hồng tên thật Nguyễn Thị Tuý Hồng , sinh ngày 12 tháng 10 năm 1938 tại Chí Long, Phong Ðiền, Thừa Thiên.
Tốt nghiệp đại học sư phạm 1 năm tại Huế.
Sang Mỹ năm 1975 được đi học Anh Văn và học lớp thư ký cấp tốc một năm.
Giải nhất văn học nghệ thuật Sài gòn 1970.
Ðịnh cư tại Seattle, Washington, Hoa Kỳ từ 1975.
TÁC PHẨM:
Thở dài (Tập truyện, 1964)
Vết thương dậy thì (Truyện dài, 1967)
Trong móc mưa hạt huyền (Truyện dài, 1969)
Tôi nhìn tôi trên vách (Truyện dài, 1970)
Biển điên (Truyện dài, 1971)
Mùa hạ huyền (Truyện dài, 1971)
Những sợi sắc không (Truyện dài, 1971)
Biển điên (Truyện dài, 1971)
Bướm khuya (Truyện dài, 1971)
Hơi thơ rướn cong (Truyện dài, 1972)
Nhánh Tóc Sợi Dòn (Truyện dài, 1972)
Mối Thù Rực Rỡ (Truyện dài, 1972)
Eo Biển Ða Tình (Truyện dài, 1973)
Kinh thiên thu (Truyện dài, 1973)
Trong Cuối Cùng (Truyện dài)
Sạn Ðạo (Truyện dài)
Tay Che Thời Tiết (Truyện dài, 1988)
Mưa Thầm Trên Bông Phấn (Truyện dài)
Thông Ðưa Tiếng Kệ (Truyện dài, 1991)

@@@@@@@@@

Thưa Bà,
Lâu nay tôi vẫn theo dõi lời của bà trên mục “Giải đáp tâm tình”. Bà đã dàn xếp bao nhiêu rắc rối nội tâm. Những người nghe bà giờ đây có lẽ đã bình yên rồi. Hôm nay, tôi xin mạn phép tuần tự kể câu chuyện dài đời tôi và mong bà giúp cho đoạn kết.
Vì câu chuyện ấy có liên quan đến những điều xảy ra trong đời tôi sau này, cho nên mặc dù như thế không được khiêm tốn tôi vẫn phải thưa ngay rằng trước đây bốn năm tôi đã từng là một ca sĩ có tên tuổi ở đô thành. Trời cho tôi giọng hát hay, cái may mắn ấy giúp tôi nuôi sống gia đình.
Nhà cũng có anh, nhưng trong hoàn cảnh cần phải hy sinh này, anh tôi lại làm reo đòi cho có một gia đình riêng của anh. Đàn ông lấy vợ khi nào cũng còn kịp; nghĩ thế nên cả nhà tôi kết bè phản đối nàng dâu chưa về nhà chồng. Ai mà ưng được người chị dâu biết gần hết chuyện đời ấy, chị nói chuyện liên hồi trước mặt đàn ông. Chị quá tỉnh táo, không bao giờ để lộ cảm xúc lên mặt hay ngập ngừng im lặng trước nam phái.
Mẹ tôi bảo anh: “E hắn nhai mày”.
Anh tôi nổi cộc. Anh đem cả số tiền tháng lương mới lãnh về chặt hai ra, làm mồi lửa. Anh đành đoạn thoát ly gia đình! Cha mẹ tôi có con trai đầu lòng mà không nhờ được. Gánh nặng trên đôi vai ngang, tôi phải hát đêm ngày. Ở tuổi hai mươi, con gái bây giờ vẫn còn rất trẻ, nhưng lòng tôi thì già đắng lại. Đau buồn trĩu nặng trên mí mắt. Già tự trong lòng già ra. Tôi không có nhan sắc để giúp đỡ cho tiếng hát, cố tránh chuyện buồn để tìm tươi non cho gương mặt.
Tôi theo học nhạc từ năm mười lăm. Trên đầu lưỡi tôi vẫn quen nhảy nhót những tiếng ca rộn rã. Ở chéo khăn tay, trên ngực áo mặc ở nhà, luôn luôn khập khễnh những nốt nhạc vui đời. Gia đình níu nhờ tiếng ca của tôi. Tôi đem hơi ca đổi lấy tiền. Các chị em ở nhà đi ra đi vào mòn guốc, ai cũng đẹp hơn tôi cả. Trổi nhất là Thanh, cốt cách chứa trong cái bằng tú tài. Có người mời Thanh đóng phim. Thanh cười. Nó đang chờ ngày làm bà lớn. Trong cuộc sống thiếu điều kiện vật chất nhưng vẫn trau chuốt bề ngoài, dĩ nhiên chúng tôi va chạm lung tung. Lục đục cãi nhau cả ngày từ khi mặt trời mọc cho đến lúc trăng lên. Gây gổ sa đà mê man, quên cả việc đóng cửa gương đề phòng hàng xóm. Bao nhiêu tật, bao nhiêu tướng trên người đều bị xoi ra hết. Thật là nhìn vào, đời ở đâu cũng đều thấy khổ. Làm con gái trong nhà này như làm tướng cướp. Thanh hét ra lửa, ngọn đón của nó bao giờ cũng độc, hạ liền độc thủ trong nháy mắt:
“Đó, đó là chị, chị Liên của tôi đó. Chừng ấy tuổi mà chưa có chồng. Chị tưởng cha mẹ hãnh diện vì chị lắm chắc. Không đi cho rồi, còn ở nhà báo hại mãi. Vẫn biết chị luống tuổi thì sinh ra gắt gỏng, khó nết: nhưng ai dại gì mà làm nạn nhân cho sự khủng hoảng kia”.
Phần tôi, lập đầu công trong gia đình nhưng Thanh vẫn tìm cách hạ:
“Đồ ‘khôn nhà dại chợ’. Cái đồ ca sĩ ưỡn ẹo ra hát bị bọn cao bồi chửi vào mặt cũng phải vuốt mà chịu. Còn về nhà thì… thì…”.
Tôi tức giận oằn người. Chỉ có cách nói xấu nó với người ngoài mới trả được hận. Ra đường Thanh đẹp, tinh thần cao.
Tôi mắng lại: “Dù có làm chi đi nữa, ta cũng hãnh diện nuôi mi một phần. Mi là cao bồi ở nhà cao bồi vườn, vì mi chửi tao ở đây còn tụi bạn mi ở dọc đường dọc chợ chửi tao trên bục ca. Cân quá”.
Bao giờ gây sự với Thanh, tôi cũng được tiếp sức cả. Các chị ở ngoài mỗi người “thở” vào một câu làm Thanh hao mòn khí phách. Bao giờ Thanh cũng phải đương đầu với một lực lượng. Thanh cô đơn, nó phải khóc cho sự yếu thế của mình.
“Ai cũng có vây cánh cả, chỉ mình là trơ trọi. Hoàn cảnh dồn mình vào chỗ xấu. Chị Hiền, chị là tiên hiện xuống nhà này, chị hái ra vàng mà. Tôi mà đi khỏi cái nhà này, khi khuất mắt cái sào huyệt đàn bà là không thèm ngoái lại, không thèm lui một bước. Chị Hiền, được, cho chị hơn tôi đi, hiện tại bây giờ thì chị hơn đi, nhưng để còn tương lai coi ai sẽ hơn ai”.
Bao giờ cũng khoe vốn! Tôi mong cho Thanh đi lắm. Tôi mong cho các chị mỗi người có một “lối đi đưa đến thành La Mã”.
Thưa bà, chị em cứ xáo trộn mãi nên mẹ hằng ao ước gả trụm cả bầy cho một chàng!
Thời gian làm con gái, chúng tôi sống vô trật tự với nhau; ngoảnh đi ngoảnh lại tuổi ba mươi đã gần kề. Đêm nằm mà nóng gan, nóng phổi. Cha tôi mài miệt xem sách trọn tuổi già để quên lo. Mẹ tôi chơi bài tứ sắc và dạy dỗ con cái. Bà la mắng con nhiều nhất là ba câu, đánh tứ sắc ù được ba ván đầu, còn thì “xỉu” dài. Khi mẹ rầy chúng tôi vài tiếng không nổi, bỏ đi chỗ khác thì lòng nặng trĩu; khi mẹ phủi áo tan sòng tứ sắc thì “túi rỗng không và lòng cũng rỗng không”. Trong truyện Tàu có anh Trình Giảo Kim ráng được ba búa đầu rồi vác đại phủ co giò chạy, bà có đọc “Thuyết Đường” không? Mẹ tôi chắc là hậu thân của tướng Tàu đó. Đánh đâu thua đấy. Mẹ muốn thả lỏng cho chúng tôi tự giác lỗi lầm. Có lẽ mẹ tôi bắt chước J. – J. Rousseau mà dạy con, theo gương Trình Giảo Kim mà đánh bài, nên cha tôi mới không giàu sang chăng?
Thưa bà, đó là chuyện trong nhà, còn chuyện ngoài đường nữa. Cái khổ vì nghề nghiệp mới chính là tai ách. Đi nắng về sương, ăn ngủ thất thường, tôi tự ví mình với “kiếp cò ăn đêm”. Thịt xương hao mòn lần. Trời khuya tê cóng, đường phố nằm yên, chỉ còn mình ca nhi thức, lật đật về gõ cửa nhà mình, lau vội phấn son, lên giường nằm trở mình cho đến sáng. Da mặt ít có dịp trở lại tự nhiên, ngày đêm vẫn chà xát kem với bụi phấn lần lần dày và to ra. Hai lá phổi mỏng mảnh của tôi một ngày kia sẽ bở rệt như đôi cánh bướm. Sau mỗi đêm đại nhạc hội, sinh lực chuyền hết ra cuống cổ, tôi phải ngậm sâm cho ngọt giọng. Người đời ác với chúng tôi lắm. Tôi còn nhớ mãi kỷ niệm hãi hùng đêm đầu tiên ra mắt khán giả phòng trà. Cả một bầy thú rừng la ó, huýt còi miệng, đập phá bàn ghế, tôi co rúm người lại, chới với chụp lấy cổ chiếc micro tìm một chỗ vịn đỡ; bọn ác quỷ rú lên làm sao cho mình dở sống dở chết trên bục ca. Để cám ơn họ mình phải tập trung tất cả sức lực ra hát cho thật hay, uốn người thật dẻo, mỉm cười sao cho lẳng.
Giọng hát độc đáo, kỹ thuật vững chắc, tôi thủng thẳng đi hát và gấp rút thành công. Bà có nhận thấy loài xướng ca của chúng tôi giàu lòng vị tha không? Mặc người ta gào thét, đả đảo, mặc bọn đàn ông thô bỉ xô đuổi người ca sĩ vẫn nhởn nhơ như không, cố đem cử chỉ đẹp nhất ra khoe, nụ cười khéo nhất ra chìu, ra dâng hiến. Bao nhiêu “anh hoa đều phát tiết ra ngoài”, bao nhiêu duyên dáng mặn mòi đều vung vãi dưới ánh đèn màu. Người đời không tốt nhưng mình cứ tốt lại. Mình cần họ, mình phải mất cho họ.
Tôi tuyên bố riêng với các bạn: “Mấy anh chàng ở xa ỷ đông làm tàng… Một khi muốn sống gần với ca sĩ thì chết… Các con của mẹ ơi…”.
Tiếng hát của tôi có ngôi thứ rõ rệt. Ngoài lúc trau giồi, tập tành với một vài nhạc sư quen thân, tôi còn phải luyện giọng ca, tiếng ngân. Nghe dĩa vừa thích vừa lợi. Tôi còn một phương pháp nhà quê nữa là rúc đầu hát vào lu nước nghe tiếng mình như ễnh ương kêu. Mình phải tập cách dồn ép hơi trong cổ họng làm sao cho lần lần nghe bớt rồ, bớt xốn tai. Đừng để hở cả hai tai, mình phải bịt kín lỗ tai lại để nghe giọng thật của mình. Phải nghe mình hát để sửa cho mình. Sự tập luyện kéo dài suốt đời ca sĩ. Tôi biết chịu thương chịu khó nên được mến chuộng. Có người bảo tiếng hát của tôi như hiểu thấu lòng người, như an ủi; đôi khi nghe như vừa khóc vừa hát. Người đời vẫn thích mình làm nũng với họ, lắm khi thật đáng giận đáng ghét: mình hát cho họ nghe mà họ còn ác với mình.
Một buổi chiều mấy chị em tôi đang sang trọng đi làm, có hai chàng ôm nhau trên chiếc xe vespa phanh chậm xe lại, nói vào mặt: “Các em của anh bữa nay đi ăn sương sớm quá?”.
Một chị bạn phản ứng liền: “Quân hạ cấp, ba người… sáu chiếc gót sắt đâm lủng mắt bây giờ”.
Tôi nhủ thầm: “Mẹ rất buồn khi nghe các con nói thế”.
Càng ngày tôi càng “bay” nhiều ở các phòng trà. Họ tranh nhau mời tôi. Tôi “chướng” với họ đủ mọi điều kiện. Vì thiếu những người như tôi cuộc đời sẽ đình công.
… Rồi sự lạ ở ngoài xảy vào gia đình chúng tôi. Một người mê giọng hát của tôi và mê cả tôi đêm đêm trực ở phòng trà nhưng không bao giờ thấy tận mặt mặt thật của tôi cả. Người ta đánh tiếng muốn nói chuyện với tôi để tìm hiểu. Đó là một sự huy hoàng và rực rỡ: Tiến sĩ vật lý. Xôn xao quá! Nhưng khi cái xôn xao đã lắng một nửa tôi mới bình tĩnh lại để nghe kể rằng ông nghè vật lý tuổi đã giáp ngũ tuần, tóc mây đã bị thời gian cướp mất một khoanh trên đầu.
Ông đề nghị đến nhà gặp tôi cho biết. Cả mấy chị em cùng đợi.
Cha mẹ tôi bàn ra bàn vào rất nhiều. Mẹ cứ hỏi đi hỏi lại đến mười lần tôi có bằng lòng không làm Thanh phải bực: “Để còn ngắm dung nhan ông ta đã chứ!”. Mẹ tôi chắc lưỡi: “Lấy chồng già như hắn bây giờ thì sướng nhưng về sau phải nuôi con mệt. Đợi đến chừng ấy tuổi mới lấy vợ. Mình nên nghĩ đến sau này một chút… cha già con mọn”.
Chị Liên cãi lại: “Ở Mỹ, ở Pháp người ta lấy toàn chồng già. Hơn hai ba giáp là chuyện thường. Càng so le càng độc đáo. Tình càng già càng bảo đảm…”. Mẹ tôi cười: “Cơ chi hắn hỏi con Hoài thì gả liền, cho thêm con Liên nửa, gả một biếu một”.
Thanh cười lộ cả hai hàm răng đều như bắp tươi. Cái lúm đồng tiền thêm duyên trên má bên phải rất sâu. Vẻ đẹp phong phú, khi thôi cười đồng tiền vẫn còn.
Nó nói với tôi: “Bất luận già trẻ lớn bé, ai đáng phục thì lấy. Bọn con nít ở trong nắm tay mình, muốn nắm lại lúc nào cũng được cả. Tụi mình ví như mấy chiếc đò. Đàn ông là những cái neo, neo đò lại, níu đò cho cứng đề phòng sóng gió, mà neo thì phải lựa thứ tốt, bằng sứt hảo hạng, sắt tra…”.
Diệu, người chị kế hơn tôi một tuổi, đẹp thua Thanh một ít, hất Thanh ra để khuyên tôi: “Con Hiền có sự nghiệp, thiên hạ đều biết. Mi muốn lấy ai cũng có sẵn. Người tầm thường như tao mới đáng lo… giá trị cứ đánh vào ông chồng… Mi cần chi mà phải ham… Chẳng thà cha mẹ ép rồi mình mới đau khổ mà lấy.
Diệu thích dạy học, tin ở mình. Chị biết mình đẹp, biết món này, món kia, nên biết giá trị của mình từ mọi góc cạnh. Chị nói rất nhiều lần, cho tôi biết ý nghĩ của chị: “Ai mà lấy tao sau này sướng lắm nghe”.
Một bữa chị nhờ thằng em con dì chở Solex đến trường. Đứa em vùng vằng, Diệu cười với nó: “Thằng này không biết hân hạnh chi cả. Bao nhiêu người sẽ mời tao lên ô-tô của họ. Chứ mi chở tao một bữa đỡ đã…”.
Chuyện gì mà vào nhà tôi cũng có thể được bàn bạc suốt năm canh. Tôi muốn ngủ quá rồi, chị Diệu vẫn còn hăng: “Đàn ông bây giờ bần lắm. Họ chỉ cưới ai có nghề nghiệp trong tay. Con Hiền lương to hơn Tổng thống… Nhưng… người đàn bà Tây phương có can đảm lấy chồng già vì bên họ có đạo luật ly dị. Chịu lấy ông lão lúc ấy là nghĩ dài sau này còn làm lại, còn tái bản nhiều lần nữa. Mình mà muốn thay chồng thì chỉ có việc trù cho chồng chết hoặc thuốc…”.
Thưa bà, chuyện lấy chồng, dù là lấy ông già đi nữa cũng đáng làm mình xao động chứ. Tôi chuẩn bị chờ đón, gọt dũa những câu sắp nói cho trơn láng. Tôi hoang mang không biết ông ta đến thăm vào ngày giờ nào. Và … mẹ cha đã cố tình làm cho tôi vắng nhà lúc người ấy xuất hiện. Thanh bưng khay nước ra mời khách và Thanh đã làm cho người ta quên rằng người ta đến đây là vì tôi. Qua phút ban sơ mẹ và các chị đều hiểu rằng tôi đã bị loại tuy chưa vào bán kết. Những lần mấy chị em rút vào trong nhường chỗ cho Thanh tiếp chuyện với nhân vật mới của gia đình, chúng tôi nhìn ra đôi lứa ấy mà thấy cả một sự sắp xếp lộn xộn.
Tôi trêu Thanh: “Con Thanh tiếp chuyện mệt lắm nghe. Khi không muốn cười hắn cũng phải bặm miệng cho cái lúm đồng tiền lõm vào. Lỡ quên thì đêm nằm ân hận mãi”.
Sau ngày Thanh lên xe về nhà chồng thì chị Hoài được làm việc với Mỹ, Diệu đi dạy học. Hai phòng trà mời tôi ký giao kèo. Tiền vào nhà tôi như lá mít rụng. Không khí gia đình bây giờ thở ra thở vào thấy khoan khoái lắm. Ngoài số đồ dùng và đồ trang sức thời đại, chúng tôi mỗi người trung bình có hai áo lụa mỡ gà để đi dưới nắng Sagion. (Thi nhân bắt buộc mỗi người con gái đều phải may áo lụa, phải không bà?).
Tôi cần hát cũng như tôi cần thở. Tiếng hát của tôi bây giờ yên một chỗ nhưng tên tuổi tôi nổi dồn dập. Cái khó là tạo được thanh thế ban đầu. Tiếng tăm tôi cứ nhẹ nhàng đi lên như bong bóng khinh khí. Đúng là thời kỳ tôi làm mưa làm gió. Tôi than với các anh nhà báo là không ai chia sẻ thân phận tôi ra nhiều miếng nhỏ để hát được nhiều nơi.
Danh vọng đón rước tình yêu. Một trung úy quân y, Chinh, đi hỏi tôi giữa gian nhà chật ních bà con bên ngoại. Chinh đến với tôi hoàn toàn lạ hoắc. Và tôi yêu người đàn ông lạ ấy giữa đám đàn ông quen. Các chàng nghệ sĩ tính sai. Ai cũng tưởng đời làm nhạc phải cột liền với đời ca nữ để “anh đặt lời ca nàng đem bán”. Tôi gieo cầu vào địa hạt cao tức là đánh lạc thành kiến của họ.
Chinh cao, to oai, đúng với quan niệm về đàn ông của phụ nữ. Cái bằng cấp của chàng thì cây cối súc vật đều thích. Tôi đã đủ mọi chiều cao ước. Trời đất cùng nhau hân hoan!
Các chị phê bình kín Chinh như thế này: “Người cẩn thận, kỹ lưỡng quá… Hí! Chắc là khi cất tiền anh chàng vuốt xếp tờ bạc thẳng lắm, thẳng lắm, ờ ờ, anh chàng đút bàn ủi điện ủi cho láng, cho phẳng phiu, cầm lên hôn một cái rồi cho vào hòm”.
Cái gì ở đầu lưỡi các bà ấy xuất ra cũng trần ai cả!
Tôi nguyện với tình yêu, lúc quay lưng xô ngã cuộc đời con gái tôi sẽ từ bỏ tất cả, xa sân khấu, lui khỏi địa vị một ngôi sao để làm một người bình thường. Tôi sẽ giã từ sự nghiệp đang lên, hy sinh tất cả danh vọng để trọn nghĩa làm vợ. Một người đàn bà không thể vừa giỏi bên ngoài vừa giỏi bên trong được. Vì chàng tôi phải ly thân với nghệ thuật. Tên tuổi của tôi phải chết cho lòng thành quấn quýt bên chàng. Tôi không tự hào mình có ý nghĩ to đáng tuyên bố. Bất cứ nữ nghệ sĩ nào gặp được tình yêu chân thành cũng đều làm thế cả. Đó là ơn huệ tối cao cho đàn ông ở thế gian. Ngoài ra chồng tôi giàu và danh giá, tôi cần chi phải đi làm. Chàng nuôi mười vợ cũng còn dư dả.
Nhưng thưa bà, tôi đã làm vợ chàng trước khi hy sinh. Buổi sáng hôm ấy tôi đến thăm Chinh ở phòng trực. Kinh nghiệm còn sơ suất, đi thăm người yêu mà tôi đánh phấn nụ và mang áo dài nội hóa. Bản tính hiền khiến mình quên cả. Thứ phấn nụ bằng thạch cao nhồi với bột gạo. Chinh chỉ cúi hôn xuống hai lần là bay cả màu trắng.
Hàng nội hóa, chuyên môn sống lại khi bàn ủi nguội, chỉ một tay âu yếm của chàng đủ vò nhăn nếp. Hàng mình còn một cái bậy nữa là mau rũ, sợi xạc lỏng ra lần, làm mình lạc quan cứ tưởng bụng nhỏ lại. Tôi thầm nghĩ đời tư mình không có chi để phải xin lỗi người yêu cả. Có bao giờ tôi chương hình mình lên mặt báo hay bìa nhạc; lạnh lùng với ký giả, lập nghiêm với nam nghệ sĩ, không bao giờ “em, em” với các “chú” bạn. Ngôn ngữ vẫn còn tân. Một bài báo chê dáng đi của tôi cực khổ. Đôi vai ngang gánh vác nhiều. Chiếc lưng dài muốn trườn tới trước như để giảm bớt chiều đi lên của bộ ngực.
Niềm vui trong đôi mắt Chinh đón tiếp tôi ở phòng trực. Chàng kéo tôi ngồi bên ghế nhựa. Toàn thân tôi xao xuyến dễ chịu. Chiếc đùi hằn lên trong ống quần satin sáp vào lần vải lính kaki. Bàn làm việc của Chinh nhiều sách chữ Pháp. Dưới mặt kính bàn có ba chữ: dur, pur, sur. Lần đầu đến chơi tôi đã chú ý. Đó cũng là một phần nội dung, tâm hồn của chàng.
Tôi mở sắc lấy nho đút cho chàng. Chinh vừa nhai vừa ngậm những cọng tóc mai trên trán tôi. Chung quanh yên lặng, sổ sách, giấy tờ ngăn nắp. Trong phòng trực có vẻ thân mật ấm cúng như trong phòng làm việc của người chồng trong nhà. Chinh nói chuyện rất ít và có duyên. Tôi nhìn xuống vạt áo dài và hỏi:
“Anh Chinh, nếu dĩ vãng của em hắc ám, nếu có người dèm với anh rằng ngày xưa em phải đi gánh nước, thì anh có tin không? Anh có đi cưới em chăng?”.
Chinh vòng tay qua sau lưng tôi:
“Nếu ngày trước em đi gánh nước thì ngày nay anh có người vợ biết được môn gánh nước… À, Thanh đã có tin vui chưa?”.
“Mới nghi ngờ”.
Tôi tháo cái khuy bấm cuối cùng của áo dài ra tránh đường xếp nơi bụng mỗi khi ngồi lâu và ngã người ra đàng sau. Chinh nói đột ngột:
“Em đẹp hơn Thanh, chị Diệu, đẹp nhất nhà”.
“Vì mắt anh chỉ thấy em nên không quen nhìn những cái khác dù đẹp”.
Chinh nhìn tôi, nhìn phủ cả người. Cái khuy áo dài bỏ ngỏ. Thứ hàng lót valisère mềm mại như da thịt con gái. Bàn tay Chính lần đi dạo trên người. Tôi cảm biết những cái rùng mình của da thịt, hất tay chàng ra thì bị níu đứng lên. Hơi thở đổ dồn lên mặt. Bốn cái môi dán vào nhau liên hoan rất dài. Tôi có cảm tưởng thân thể vạm vỡ của chàng đổ trên người tôi. Những khớp xương và gân yếu đi rã rời. Trời đất loạng choạng trước mắt. Tinh thần, ý chí không còn nữa. Nước mắt và mồ hôi ướt mặt. Gia đình tôi không ai hay biết tôi mắc nạn ở đây cả. Tất cả chỉ có hai người, chuyện gì mà chẳng xảy ra. Chinh đi khóa cửa lớn cửa nhỏ và khóa luôn thân thể tôi lại. Thôi, đủ hiểu rồi…
Tai nạn bao giờ cũng kết thúc bằng tiếng tỉ tê của đàn bà. Vết đau đầu tiên có bao giờ lành được. Tôi khóc vì cái quyền làm được mọi sự của đàn ông. Từ đây nhất định đời mình phải dán vào đời chàng. Cuộc sống đã ngã ngũ. Mình vừa ký giao kèo chịu thua.
Những thời gian sau tôi không đến với chàng ở phòng trực. Chúng tôi đi chơi nhiều nơi. Chuyện khó đầu tiên chàng đã được rồi đưa đẩy thói quen cho những lần sau.
Chinh giới thiệu tôi với những người bạn mới. Chàng hướng dẫn tôi vào hát trong quân đội. tôi ngạc nhiên lắm:
“Anh Chinh, em sắp lấy chồng còn bày thêm hát xướng gì nữa… em phải lo giải nghệ lần lần chứ… Anh đừng chìu em không đúng chỗ. Vì con sau này, vì anh bây giờ, em phải từ bỏ tất cả nghệ thuật. Em không thèm đi hát nữa đâu”.
“Hiền vẫn hát khoẻ lắm mà”.
Tôi cười:
“Nhưng có chồng thì phải biết coi sóc cửa ngõ chờ chồng đi làm việc về”.
“Em không thông minh một tí nào cả. Yêu em, anh đâu phải ngồi nhìn em, anh phải cảm thông hướng đi của em, anh phải hãnh diện lắng nghe tài nghệ của em tung hoành. Nếu anh nhốt em lại, nghệ thuật sẽ lên án anh. Anh không có can đảm cướp em trên tay nghệ thuật. Anh không xứng đáng làm em phải hy sinh cuộc đời đầy hào quang của em. Anh không có quyền chận đứng danh vọng của em. Bổn phận của anh là thúc đẩy khuyến khích em: Anh tôn thờ em để em tôn thờ nghệ thuật”.
Những lời sốt sắng ấy như dán đôi môi của tôi vào nhau. Lặng đi một lát tôi mới nói được:
“Nhưng từ khi gặp anh, nghệ thuật, người yêu cũ của em, đã thấy tự bất lực, thấy thua sức hẳn, nên tự rút lui. Em nhất định ngã trên tay anh… Anh đã thắng trận huy hoàng”.
“Ơn em to quá, anh không dám nhận… Em phải suy tính cho sòng phẳng để sau này khỏi phải ân hận”.
Tôi bỗng bật cười quệt má chàng:
“Nói nghe tuyệt lắm, nhưng sau đừng có ghen nghe ông anh”.
Một đêm đang ca hát, bỗng dưng tôi thấy buồn nôn. Gần đây thân thể có phần hư sự. Vòng eo và dưới eo cành ra. Công việc mấy bộ máy trong thân thể bắt đầu sai chạy lủng củng như thể phải chứa thêm một mầm sống nữa. Tôi nghi mình đã “bị” rồi, khi bác sĩ Chinh dò lại thì quả đúng. Chàng cưới tôi với một bào thai còn non như trứng.
Thưa bà, đám cưới xong, đêm ngày tôi vẫn tiếp tục ca hát. Chinh thúc đẩy tôi siêng năng đến phòng trà. Chàng không thuộc hạng đàn ông muốn đóng cửa giữ hạnh phúc ở nhà.
Tôi không còn xem việc lấy chồng là một cách tu nữa. Lấy chồng cũng như tiếp tục làm con gái, ca hát liên hồi như lúc xưa. Cha mẹ lỗ, mình còn mệt nhoài người vì đã có một gia đình với một ông chồng. Nghệ thuật và chồng làm tôi tiêu hao sinh lực.
Tôi xin nhắc lại với bà, bất cứ một nàng ca sĩ nào lúc sắp vu quy cũng phải chịu cho nhà báo ít nhất một lần phỏng vấn, đại để: Lấy chồng rồi cô có thôi hát không? – Và muôn câu trả lời như đúc kết vào một: – Đợi xem tình yêu của chồng ra sao rồi sẽ xét sau.
Chinh từ chối sự hy sinh cuối cùng ấy. Chàng chỉ nhận xương thịt của tôi còn nghiệp dĩ cầm ca nhường cho nghệ thuật. Chinh muốn gửi tôi cho tất cả thiên hạ, chàng không hoàn toàn thuộc về một người. Tình yêu chung chạ thế này làm tủi mặt cả vợ lẫn chồng. Tôi không chịu nổi. Một cách gián tiếp, chàng buộc tôi phải đi hát cho cả thiên hạ nghe. Tôi cảm thấy rõ ràng mình bị cưỡng bách yêu nghệ thuật. Chàng thật độc tài vô lý. Tôi suy nghĩ nhiều đêm và cảm thấy đau khổ như thể mình bị ép duyên. Đã ghét thì không thể sống với nghệ thuật được. Mình đâu phải là vật giải trí lành mạnh. Đi hát mà cũng bị bó buộc như lúc còn bé phải cắp sách cặp đi học. Các bạn ca nhi vẫn tôn lên ngôi hoàng hậu vì chồng tôi biết trọng tự do của vợ. Khi mình đã ớn nghệ thuật mà còn xông xáo vào các phòng trà ca hát nữa là tự đày đọa mình. Thật là hỗn láo. Đứng trên bục ca nhìn xuống đám thực khách nhồm nhoàm vừa ăn vừa thưởng thức, được nghe những câu đe dọa, những lời nhục mạ thô bỉ, tôi căm thù tất cả, đàn ông và chồng. Ánh đèn thay đổi màu sắc luôn luôn trên da mặt khiến mình cảm thấy vẻ giả dối nhân tạo của mình; lòng oán giận vu vơ, và cái thai đang mọc tứ chi ở bụng dưới mỗi lúc cứ thúc nhẹ dạ dày tống những chất chua lên cổ khiến tôi vừa ca vừa lợm giọng.
Hát mà không cần biết đến nghệ thuật, dửng dưng lạ hoắc không chút rung cảm. Tôi trực giác cái đà đi xuống của mình. Biết nhưng không có quyền tha cho mình được giã từ trà thất. Chính mình vật lộn với nghệ thuật, với nghề của mình. Tiếng hát sẽ mất hết căn bản.
Tôi ao ước được ở nhà đợi chồng đi làm về. Tôi muốn sống yên. Cứ tất cả lo việc bên ngoài, vợ chồng thật không có thì giờ để thương yêu, tìm hiểu săn sóc cho nhau. Chuyện phục vụ chồng, thờ chồng đối với tôi hoàn toàn xa lạ. Không có thời giờ để thực hành những bài “Gia huấn ca” đã học ở trường. Về nhà tự săn sóc cho mình cũng chưa xuể. Mỗi ngày phải mang hai ba thứ mặt nạ dưỡng da.
Nhưng cuối tháng cầm hơn sáu chục ngàn đồng bạc về nhà tôi cũng không tự hào cho cái công dụng của mình. Chinh ăn lương nhà nước có giới hạn ít ỏi.
Chàng đem tiền gửi hết ở ngân hàng. Chúng tôi có dư bạc nên yêu nhau không cần tiền, nhìn nhau mà cùng nhìn về nhà băng. Chỉ nhìn theo hướng ấy chúng tôi mới cảm thông nhau. Nhưng chính hướng đi ấy đã giết chết lần mòn tâm trạng và sự nghiệp của tôi. Một thời gian không lâu nữa tôi sẽ bị chết chìm trong lãng quên và trong sự ruồng bỏ của thính giả. Tôi tiên đoán sẽ nhìn tận mặt ngày tàn của mình nên muốn “rụng” trước cho rồi.
Bụng còn sát, bốn đường nhíp trên áo dài chưa nao núng, tôi còn phải lăn lộn với nghệ thuật. Cha mẹ và các chị giận lẫy tôi về chuyện không vâng lời chồng chịu ở nhà. Ai cũng tỏ thiện ý giúp đỡ Chinh, dành nhau khuyên răn tôi, Thanh tự lấy mình làm gương để trách:
“Không biết đến bao giờ chị mới hết hát. Chị không biết thương cho thân chị. Chị cũng là người sao chị cứ tự hành hạ, cứ hạ mình cho thiên hạ giải trí. Đúng là đem bán linh hồn cho người ta chơi, người ta thưởng thức. Ngày nào cũng cứ bêu mặt trước công chúng, quá nhẹ thể. Em thì em ở nhà hãnh diện với địa vị của chồng em. Còn chị đau khổ cho đàn ông hơn là chỉ nắm được thể xác của vợ còn tâm hồn thì “muôn sự của chung”. Chị là người của ngoài đường. Ai muốn thương chị cũng được, ai muốn nói hỗn cũng được. Chị coi em, lúc xưa em định học tới cùng. Lấy anh Thân rồi em cũng còn đi học nhưng một hôm em nghĩ lại mình còn đi học là chưa thương chồng lắm, tội cho chồng, chẳng thà đi làm để giúp đỡ thêm…”.
“Nhưng ca hát cũng là một nghề”.
“Nghề chi không đứng đắn, không có tôn ti trật tự chi cả, nghề ăn sương tinh thần. Nếu chị cứ đi dạy học hay làm thư ký thì có ai phàn nàn. Chị nghĩ coi, anh Chinh cao thượng, hiền lành. Sao chị không cho chuyện lấy chồng là hết. Chồng là tất cả… còn có chi hơn để mình mơ ước. Đi hát bị tai tiếng suốt đời…”.
Dù muốn dù không, khi bụng lồm cồm tôi cũng phải ở nhà. Nghỉ hát khoẻ người như ngày nãoc uống thuốc. Da thịt đâm chồi ở những chỗ khuyết trên thân thể.
Trên bàn làm việc của Chinh vẫn hàng chữ dur, pur, sur. Chàng có đến ba đức tính chính, không kể những cái phụ tùng khác trong khi tôi chỉ có lòng thành yêu chồng. Trong thời kỳ dự bị sinh đẻ, tôi rất sợ phải ngửa tay xin tiền chàng. Tiền chẵn ngân hàng giữ hộ, còn tiền lẻ tiền riêng đã cạn từ lâu. Vì tự ái, vì e ấp tôi chỉ cho thai nhi những cái mình có thể. Quà biếu cũng tạm đủ dùng. Con tôi chưa ăn nhờ chi của cha nó cả.
Đến ngày con tôi phá vỡ lòng mẹ để ra ngoài, Chinh đi công tác trạm xa. Mẹ, các chị em và anh rể dìu tôi vào quân y viện. Mỗi người nịnh một câu cho tôi quên dau nhưng tôi cần một người, cần hai vòng tay ân ái để lấp khỏa những đau đớn tày trời do đứa con đang làm dữ bên trong. Giờ phút ra đời của thai nhi là một cuộc động đất trong lòng mẹ. Tôi cần một bả vai thân yêu để cắn, để cào trả thù những giờ phút sung sướng. Mắt tôi mờ lệ và mồ hôi. Mẹ đưa cho ngậm một lát sâm, tôi cắn cả tay mẹ. Đứa con đang xé rách bào thai, đang xô ngã chỗ cưu mang nó để mau ra đời. Nghĩ đến lúc Chinh tìm tôi, tìm đến cái khó nói nhất của thế nhân, nghiến răng bóp chặt cánh tay anh rể và nguyền rủa:
“Đồ chó…”.
Mẹ tôi lau mồ hôi cho tôi và can:
“Xấu con… gắng chịu một chút”.
Qua một đêm lộng hành, sáng hôm sau thằng bé mới ra đời. Tiếng khóc lọt lòng của con là bản hùng ca đầu tiên đời làm mẹ của tôi. Tôi mỉm cười, khi anh rể vào thăm tôi khoe:
“Để em chọc cho nó khóc, giọng tenor khá lắm”.
Chinh chưa về chào đón con. Tôi muốn kể với chàng nỗi đau đớn chịu đựng đêm qua.
Anh rể đánh điện tín ra Huế cho mẹ chồng tôi. Mẹ Chinh vào đến nơi mà chàng vẫn chưa xong công tác. Bà đến thăm dâu với một người bạn già. Mẹ Chinh còn rất trẻ. Nhan sắc vẫn còn giữ được ở khuôn mắt, sống mũi, tái giá cũng còn có người yêu được. Vuốt ve thằng cháu đích tôn, bà quay sang bà bạn:
“Chị coi dâu tôi ngoan chưa. Đám cưới vừa xong, thiệt hút chưa tàn điếu thuốc Cẩm lệ đã đẻ rồi”.
Bà kia tiếp liền:
“Thế là chị phúc hơn người ta chứ sao”.
Thử xong hai câu nói trên, qua mười lăm phút tôi mới biết trong người thiếu máu sản hậu.
Mẹ Chinh ra Huế liền. Hơn một tháng sau thì chết vì đứt mạch máu cổ. Đúng là có phúc, vì tôi không sinh sớm thì bà đâu thấy mặt cháu nội.
Cháu bé quấy lắm. Cháu lộn ngày với đêm. Từ mười giờ tối trở đi cháu thức dậy rầy rà cho đến sáng. Ban ngày thì nhắm tít hai con mắt lại; ai đến thăm cũng nhằm lúc ngủ. Cháu là thằng Viêm. Viêm được hai tháng thì thôi khóc đêm. Cặp mắt bây giờ nhiều lúc biết nhìn theo một chiều hướng. Thỉnh thoảng cháu đưa hai bàn tay bé xíu của mình lên ngắm mãi không biết chán. Viêm không phá nữa, tôi phải lồm cồm trở dậy đi hát. Áo dài phải may lại vì thân thể nở to ra. Những đường cong lún vào thịt.
Thưa bà, đứa con ra đời làm tôi sạch cả vốn liếng. Giọng hát vàng son tắt đi nghẹn ngào. Âm thanh của ngày xưa đã vỡ rồi, khí giới không còn nữa. Bà thử tưởng tượng một danh ca bỗng dưng mất giọng, gái giang hồ mất nhan sắc… cuộc đời cũng bệ rạc như nhau. Tôi chết sớm quá.
Bây giờ tôi hát tạm được như những giọng ca sản xuất từ đất Huế. Nhờ uy thế cũ của một thời ngang dọc tôi chỉ hành nghề ở một phòng trà nhỏ với số lượng ít ỏi. Quá khứ bị tổn thương nặng quá. Tôi lấy biệt hiệu khác. Người ta còn nhắc nhở đến tôi một thời gian tỉ như khi một vì sao rụng đi ánh sáng còn xuống trần gian vài năm mới tắt.
Tôi cần tiền ghê gớm, cũng như lâu nay vẫn đòi tự lập.
Chinh thì đi công tác cả đời. Chúng tôi sống hòa bình nhưng không có ánh sáng hạnh phúc. Mỗi người nghĩ mỗi ngả.
Thằng Viêm được một năm rưỡi thì Chinh đi Pháp tu nghiệp. Mẹ con tôi sống lạnh lẽo với người con gái giúp việc. Ngày tiễn chân Chinh đi xa có mấy chị em và một người bạn gái của gia đình. Sương, bạn của Thanh, thân với chúng tôi như ruột thịt.
Tôi quên nhắc đến Viêm. Đầu tóc da thịt của cháu thơm mùi con nít một cách dễ thương lạ. Cháu tròn và nục như thằng bé quảng cáo sữa Gugioz. Bà mà thấy thì thương liền. Chỉ tội nước da hơi xấu, chắc là sán. Trẻ con vẫn thường bị sán hành. Con ở hay bồng Viêm ra nắng. Một buổi tối đi trình diễn về thì Viêm nhác chơi nóng nóng giẫy, tôi hoảng hốt bồng con thức suốt đêm. Sáng tôi vội vàng viết thư cho Chinh kể nỗi lo lắng. Hơn một tháng sau mới có thư ở Pháp về. Đại ý bức thư: Con đau là chuyện nhỏ nhặt. Đàn bà lo chuyện ấy không nổi sao mà còn quấy rầy, không cho chồng yên tâm tu học phương xa.
Quả thật tôi chưa đủ điều kiện làm đàn bà. Nếu đủ sao còn bị chồng khinh. Tôi đốt bức thư giấu cảnh bạc phước với chính mình.
Vái trời trả cho tôi vốn liếng ngày xưa, cho tôi tìm lại phong độ cũ. Tất cả không còn nữa nên hạnh phúc mới thẳng cánh bay. Tôi muốn đoạt lại thanh sắc nguyên vẹn ban đầu và sẽ cố gắng trau giồi sự nghiệp để đứng trên địa vị cao ngất của mình nhìn xuống và để ngửa mặt mỉm cười hào quang danh vọng. Chỉ có cách ấy mới trả thù được. Phải rực rỡ như một tinh tú, phải cao hơn chồng, phải có sau lưng hàng ngàn kẻ ái mộ.
Hiện tại héo hắt quá.
Bụng của Viêm tích được nhiều sán lãi rồi. Tôi mua chai thuốc tẩy ruột. Viêm phải ăn ngọt đến ba ngày. Ngày thứ nhất tôi cho nó uống làm bốn lần cách nhau một buổi cháo đặc với đường phổi. Hai ngày sau, vì bận tập dượt theo chương trình đại nhạc hội, tôi giao chai thuốc cho người ở, dặn di dặn lại phải coi đồng hồ, cách hai giờ cho em ăn cháo uống thuốc. Đứa con gái ham trai, rót ụp cho con người ta uống cả một lần. Mấy trăm con sán lãi trong bụng thằng bé say thuốc quấy phá ruột gan để ra ngoài một lúc. Từng nùi, từng nùi sán đũa chui ra hậu môn. Chúng bò ngọ nguậy chọc thủng dạ dày. Chúng thoát bằng mọi ngả, trồi lên miệng, bò ra lỗ mũi, chui lên cửa hai mắt, bóp nghẹt con tôi tím bầm cả người. Ngồi trên taxi đến nhà thương tôi gào khóc, tôi móc giun lãi trong cổ họng Viêm, ghé miệng hút những con sán trong mũi;. Sán ra bít lối làm con tôi tắt thở dọc đường. Tôi chết giả trên nệm xe. Thưa bà, đau chi mà chết cho cam.
Tôi viết thư cầu cứu Chinh che chở tinh thần, van xin tình thương để dằn nỗi khủng hoảng.
Chinh trách tôi bất cẩn, thiếu ý thức bổn phận. Chàng đau đớn không muốn về nước. Chàng sợ hậu quả tai hại đã cưới vợ nghệ sĩ.
Nhưng rồi Chinh cũng trở về và chúng tôi sẽ sống hai người hai nỗi cô đơn cho hết kiếp vợ chồng trong căn nhà rộng thênh. Ngày giờ kế tiếp nhau buồn. Căn nhà thiếu hạnh phúc yên lặng như bệnh viện, thỉnh thoảng mới vang tiếng cười của Sương. Từ khi Viêm chết, Sương hay đến ăn cơm với chúng tôi.
Tôi cần Sương đến nhà chơi. Chinh ít lầm lì. Sương tuyên bố “Chỗ nào có Sương mọi người không được buồn”. Sương bắt ai cũng phải cười theo nàng. Nhưng Sương sống cẩu thả bất cần như thể mình không phải là con gái, học hành phất phơ cho có lệ. Tâm hồn chai lại, hết mơ ước, không còn muốn nói xấu ai nữa nhưng tôi vẫn nhột nhạt trước tính táo bạo của Sương. Ngày hiệp kỵ gia đình, trước tinh thần nghi lễ và bao nhiêu nhân vật cũ, Sương cứ đi theo trêu cha tôi. Ông cụ lúc này thường hay đeo kính đen trong nhà, thứ kính mặt rất nhỏ như hình con mắt:
“Bác đeo gương nhỏ tí ti hấp dẫn quá, trông như cháu mặc đồ tắm deux pièces”.
Lúc này Chinh không còn yên lặng trong cách đối xử nữa. Chàng có những câu nói xé đầu óc:
“Hiền phá hư cuộc đời của tôi, phá lở toang cả. Lột tước giọng ca ra khỏi con người thì còn lại chi? Hiền chỉ còn là một xác phàm, thua hết, thua hết cả mọi người. Con người của Hiền có chi, nuôi một đứa con cũng để cho chết… Vợ tôi chỉ là một cái xác phàm”.
Tôi nói rõ cho chàng biết:
“Anh không cần nói tôi cũng hiểu từ lâu. Thái độ của anh, cách đối đãi của anh đối với tôi từ trước đến giờ đã giảng nghĩa quá nhiều rồi. Khi cưới tôi, anh chưa cân nhắc kỹ lắm. Cái vốn liếng của tôi làm sao bền vững, làm sao dai cho bằng những cái chỉ số lương cao của những người vừa học giỏi, vừa đẹp vừa con nhà, sắp hàng lấy chồng la liệt trong xã hội. Tôi biết anh lấy tôi không phải vì thanh, vì sắc, vì chi tiết khác của con người nghệ sĩ… Bọn xướng ca vô loại của chúng tôi có bao giờ giữ tiền được lâu, làm ra dễ, mất dễ. Cái tài trời cho tôi cũng mong manh như bọt xà phòng, một thời thôi, sống đó, chết đó. Khi đã tuộc dốc thì lăn ù, tuột thẳng, tuột một mạch. Tôi bây giờ hiện nguyên hình tầm thường, rẻ mạt, hết thời. Tâm hồn của tôi, nếu có, thì cũng bị đe dọa quá rồi, con chết, sự nghiệp tan tành. Anh Chinh ạ, chính lúc này, lúc cái tinh thần yếu đuối của tôi cần được nâng đỡ, mơn trớn xoa dịu, lúc này tôi cần tình thương gia đình, cần anh, bấu víu anh, khao khát tình thương của anh, nhưng lại chính là lúc tôi phải chịu tội, phải trả, chịu trách nhiệm về những cái tội đã để mất nó. Và anh, từ lâu, anh vẫn thi hành cái bản án trừng phạt đó. Tôi làm hư đời anh, tôi đâu cố ý”.
Tôi nói một hơi dài, nước mắt trào lên nghẹt mũi.
“Nếu tôi không lo đi làm tiền, nếu tôi được yên thân ở nhà như bao nhiêu người vợ khác thì Viêm đâu có chết oan… Từ khi lấy anh lúc còn thời, còn giọng, tôi đã bất mãn về việc đi hát, tôi cảm thấy như bị ép buộc phải hiến dâng khoái lạc tinh thần cho thiên hạ”.
Chinh nghe nói cũng buồn lắm. Tôi mất ngủ mấy đêm liền cứng hai mí mắt. Sương đến ăn cơm tối và đòi ngủ lại. Hắn đeo hai chuỗi hạt lòng thòng đến bụng như ca sĩ. Sương lục tung những đồ trang điểm. Áo ngủ của tôi cái nào Sương mặc cũng chật. Khi hắn cởi áo dài bên trên thân thể chỉ còn mặc một chiếc nịt ngực không dây treo như “đeo gương mát” (lời Sương) thì Chinh đi vào. Cả Chinh và Sương đều tỉnh như không.
Khi ăn cơm Sương nói chuyện lảy lảy. Tối hôm ấy tôi quên cả lịch sự không ngủ với Sương cho có bạn. Sương nằm phòng ngoài nói chuyện vào. Tôi nằm bên Chinh thao thức câm nín. Chừng một giờ khuya thì Sương vùng dậy gõ cửa phòng chúng tôi thình lình. Hai vợ chồng hốt hoảng trở dậy. Tay níu áo khép ngực, miệng Sương nói thật thà đến trắng trợn:
“Em sợ cô đơn – cho em nằm ngủ chung với anh chị…”.
Tôi trợn mắt xô ngược Sương ra ngoài:
“Giỡn vừa thôi”.
Đứng ngượng ba người với nhau vài phút, tôi lật đật kéo tay Sương, lấy gối đến nằm với hắn.
Một hôm đi công tác về, Chinh cầm tay tôi bảo:
“Có tin mới cho em… tin lành…Vì em chán sống ở Sagion rồi nên anh đã xin về Huế làm ăn. Sống ở đó yên hơn. Cái mòi này, ở đây mãi chắc em chết yểu. Anh chỉ còn đợi giấy tờ thuyên chuyển và sự vụ lệnh là bay ra Huế liền. Sương có ông cậu lập một trường mẫu giáo ở Vỹ Dạ. Anh nhờ Sương viết thư xin ông cho một lớp. Em thu xếp ra Huế trước giữ chân, không có người ta giành. Anh phải ra sau vì còn đợi giấy tờ. Em hát hay, thích hợp với nghề. Dạy con nít vui lắm em à, tiếp xúc với tụi ấy mình thấy yêu đời, yêu nghề”.
Thưa bà, khi cánh tàu bay lìa mặt đất, từ từ nhướng lên, cúi xuống Sài Gòn lần chót, nhìn những người dưới đất làm nền cho cảnh biệt ly, mắt tôi bỗng vướng phải hình ảnh Chinh đứng bên Sương, rất xứng đáng. Tôi lạnh người cảm thấy chắc chắn mình bị phỉnh. Cảm giác tức tối bẽ bàng như sa mù phong kín tâm tư làm tôi không thấy gì nữa. Nước mắt lặng lẽ chảy một đường nhỏ dài xuống hết mặt; tôi nuốt những giọt sắp xuống bên trong mũi và ngồi yên như những người khác. Sắp đặt không cao chi cả mà cũng dụ được mình. Người ta đẩy tôi ra bằng một miếng mồi tầm thường. Có những chặng đường nặng mây, tàu bay chao mũi, tôi ậm ọe nôn mửa. Một bà người Huế bên cạnh bảo:
“Đi máy bay lần đầu phải không chị?”. Tôi luận điệu. Cổ họng lợm mãi. Nước vàng vọt ứa ra. Có nên tin rằng chuyện buồn nôn là một triệu chứng vui.
Tôi ở nơi nhà xưa cũ, cột kèo choán hết diện tích. Nhà rộng thênh thang gió vào bốn ngả. Thời tiết Huế nặng như chì. Đôi lúc trời thật mâu thuẫn vừa nắng vừa mưa. Chiều chiều, những ngọn gió nồm thổi trái phương làm mình ngái ngái trong người.
Thưa bà, cần chi, có chi đó mà trở lại. Huế với Sagion có bao lăm, muốn bay về lúc nào chẳng được. Quay lại làm gì. Miễn cưỡng ghép hai cái xác không hồn vào nhau để khinh bỉ nhau suốt đời sao? Lý hay tình chi cũng bỏ hệ thống. Cứ cho đấy là chuyện ly thân mà pháp luật là đôi tâm hồn tự làm chứng lấy. Tôi nhất định sang tên chồng cho người khác, cúi đầu sống cho mình.
Nhưng thưa bà, tôi không phải cô đơn rõ ràng như vậy thiên hạ có cười không? Họ có cho là quá dại không? Tôi xin bà một quyết định: về với chồng, ở lỳ đất Huế hay quay lui lại sống cùng cha mẹ. Bà đã thu xếp việc nhà cho bao kẻ mất hạnh phúc, xin bà giúp tôi một chuyến. Xin đội mãi ơn bà.
Trần Thị Nhơn Hiền
TÚY HỒNG   1962
THAM KHẢO:
QUAN NIỆM VỀ TRUYỆN NGẮN
Viết truyện ngắn khó hơn viết truyện dài. Mất cũng nhiều thời giờ. Có khi hai ba tháng chưa ra một truyện. Tôi chú ý mạnh đến cách sử dụng từ ngữ và tâm lý nhân vật hơn là tìm cốt truyện và bố cục câu chuyện. Truyện ngắn đòi hỏi nhiều công phu và hy sinh. Tôi chú ý thật nhiều đến đoạn kết. Quan trọng như phần kết luận trong một bài luận ở trường học. Bây giờ, sau khi đã tự hủy diệt rất nhiều ở nghiệp viết thuê cho báo hàng ngày, tôi khó lòng viết lại được những truyện ngắn như những truyện ngắn ở tập truyện đầu tay.
Về Truyện ngắn “LÒNG THÀNH”
Sáng tác thứ ba của đời cầm bút. Viết xong cái truyện ngắn thứ ba này, tôi mới hiểu tôi và tôi biết truyện này đã gây một vài ngạc nhiên nhỏ chung quanh. Huế và Sagion vẫn cách xa diệu vợi và vẫn còn thấm ướt kỷ niệm cho đến bây giờ. Tôi viết truyện này, tôi làm bài luận văn đặc biệt nhất cuộc đời, khi tôi còn là một cô giáo cấm cung tại Huế. Giờ đây, trên bìa năm 1973 nhìn lại, văn chương của mình không biết có phải đã bước giật lùi? Làm văn nghệ sao mà thê thảm? Chỉ có hồi bắt đầu làm mới sung sướng. Tôi viết cái truyện ngắn thứ ba này khi đang vô cùng sung sướng với nhiều hy vọng nẩy từng nụ non.
.
(Nguồn: vanviet.info)