VH Tiếng Nói Văn Học Việt Houston VH

VVH Tiếng Nói Văn-Học Việt-Houston (Viet Voice From Houston). Xin gửi bài vở về địa chỉ wendynicolennduong@post.harvard.edu. Contributing articles and commentaries should be submitted to wendynicolennduong@post.harvard.edu.

COPYRIGHT NOTICE AND DISCLAIMER

Về vấn đề bản quyền (copyright) cho tác giả Việt Nam của các bài viết được đăng tải ở đây: Chúng tôi nhận được những bài viết này từ độc giả hoặc từ các môi trường truyền thông của các nhóm người Việt, vì tác phẩm đã được phổ biến ở một môi trường công cộng nào đó. Chúng tôi mạn phép đăng tải theo lời giới thiệu của độc giả, dưới thẩm quyền "fair use exception" của luật trước tác bản quyền, vì làm việc cho mục đích giáo dục quần chúng, không vụ lợi. Nếu độc giả nào biết tác giả, xin cho chúng tôi biết để gửi lời chính thức xin phép, hoặc nếu tác giả không bằng lòng, xin cho chúng tôi biết ngay để chúng tôi lấy bài xuống theo ý của tác giả.

disclaimer re content

Quan điểm của tác giả hay độc giả trình bày ở đây không phải là quan điểm của người hay nhóm chủ trương VVFH, và vì thế chúng tôi không chịu trách nhiệm về những quan điểm hay dữ kiện đưa ra bởi tác giả hay độc giả. The views and supporting facts expressed by the authors or commenters published here are not necessarily those expressed or endorsed by VVFH or its editors. Accordingly, VVFH disclaims liability with respect to such content.

MỤC ĐÍCH:

Lời nhắn với học trò Việt Nam của giáo sư WENDI NICOLE Dương, cựu học giả FULBRIGHT Hoa Kỳ và cựu giáo sư luật đại học Denver:


Cô thành lập tập san này là đề cố gắng giữ lại những cái đẹp trong văn hóa cội nguồn của Việt Nam, đã giúp chúng ta đứng vững trên hai ngàn năm, dựa trên những giá trị đặc thù của người Việt nhưng đồng thời cũng là giá trị tổng quát của nhân loại. Hy vọng TIENG NOI VAN HOC VIET-HOUSTON, gọi tắt là VH, hay VVFH (Viet Voice from Houston) sẽ đến với người Việt trên toàn thế giới, qua độc giả thích văn chương văn học trong cả hai ngôn ngữ Việt-Anh, từ bàn tay và ánh mắt của một số it học trò Việt đang sinh sống ở Mỹ hoặc ở Việt Nam, của chính cô, cũng như của thế hệ đi trước biểu tượng là cha mẹ cô, những giáo sư ngôn ngữ.


Wendi Nicole Duong (Nhu-Nguyen) tháng tư April 2015

TRIO OF WATER LILIES

TRIO OF WATER LILIES
TRIO OF WATER LILIES enamel, markers, pen and pencil on paper. artwork by Wendi Nicole Duong copyright 2013: in all three regions of Vietnam, one can always find Hoa Sung, water lilies!

Saturday, November 20, 2021

NHỮNG NGƯỜI CA SĨ NGOAI HẠNG CUẢ VIỆT NAM CŨ:

 

 

 Duc LongTRANG VĂN CHƯƠNG MIỀN NAM

Cho tôi sống lại tuổi thơ
KẸO KÉO NÓNG HỔI, VỪA THỔI VỪA ĂN!
Trẻ con ở Việt Nam ta thường hay bị bắt ngủ trưa. Mà cứ độ 100 đứa thì có đến 99 đứa rưỡi toàn trốn ngủ trưa để đi nghịch ngợm hoặc làm bất cứ những chuyện gì để mà không phải ngủ, có đúng không? Ấy mà cũng ngộ, vào cái thời điểm buổi trưa nóng nực mọi người lo ngủ trưa thì cũng lòi ra nhiều người đi bán hàng rong lắm. Từ bà bán bánh giò bánh gai, cô bán chè thập cẩm đến ông bán gỏi đu đủ hay chú bán kẹo kéo, họ cứ nhè lúc trưa là đi dạo vòng khắp hang cùng ngõ hẻm để rao bán hàng. Cứ hễ một người vừa đi qua đầu ngõ vừa mới rao hàng xong được dăm ba phút, thì lại có người kế tiếp rao bán món ăn của mình.
Xóm tôi ở
cũng thế, buổi trưa hay chiều nào cũng có một ông chạy xe đạp lon ton vào cái ngõ vắng (vào thập 60/70 đường xá rộng rãi hơn bây giờ nhiều, lại ít xe cộ và cũng ít người đi ra đường nên nhìn nó vắng vẻ), ổng hay dừng xe trước nhà đối diện với nhà tôi vì ở đó có bóng mát của tàng cây vú sữa trên cao. Ổng chống cái xe đứng ở đó rồi cất cao giọng oanh vàng mà nghe ồ ồ như vịt đực vậy:
“Kẹo kéoooooooooo …. đêêêêê!”
Mà công nhận sao mấy người bán hàng rong có cái giọng rao “chất” thiệt, chẳng cần micro mi-kiết gì để hỗ trợ mà cả khu phố, cả xóm ai cũng nghe rõ. Họ rao suốt cả ngày, ngày này qua ngày nọ mà thanh quản họ chẳng bị gì cả. Ca sĩ bây giờ đi tầm sư học đạo, ý lộn học thanh nhạc, bế quan tu luyện giọng ca rất khổ cực mà lên sân khấu trình diễn cũng phải cần có micro thì khán giả mới nghe được, hát chừng 2 tiếng thôi là khàn giọng phải ăn cháo yến, nghỉ xả hơi cả nửa ngày mới gìn giữ được giọng. Đằng này các vị cao nhân bán hàng rong chỉ cần nước lã hoặc nước trà cho khỏi khát khô cổ họng thôi, còn quanh năm suốt tháng thì vẫn cứ dùng cái giọng mộc mạc thiên phú của mình để mà rao hàng:
“Cô kia má đỏ hồng hồng
Ăn đồng kẹo kéo lấy chồng sĩ quan.”
“Ai mà thấp bé lùn lùn
Ăn đồng kẹo kéo nó đùn lên cao.”
“Ai kẹo kéoooooo …. đêêêêêê …!”
Mà kẹo kéo ngày xưa khác xa với thời nay nha mấy bạn trẻ. Hồi trước người bán kẹo kéo thường chạy chiếc xe đạp đi bán khắp ngõ, khắp hang hóc trong các xóm lao động, phía sau chở theo cái thùng gỗ đựng cây kẹo to chà bá như cái giò heo. Khi có ai mua, người bán mới thoa tí dầu phộng vào tay rồi kéo ra những cây kẹo bằng ngón tay dài chừng mươi, mười lăm phân, rồi bẻ rắc một cái, cây kẹo gãy giòn tan, kẹp miếng giấy báo cắt sẵn vào đuôi kẹo trao cho khách hàng.
Bởi thế mới gọi là kẹo kéo, chứ chẳng phải như bây giờ. Cuộc sống giờ đã hiện đại, vật chất dư thừa hơn xưa nên món kẹo kéo cũng thay hình đổi dạng không ít. Người bán kẹo bây giờ thường đi bộ vào những chỗ đông người tụ tập, kéo theo cái loa phát thanh hát những bài bolero bình dân để gây chú ý. Những chiếc kẹo họ bán toàn là những chiếc kẹo công nghệ được bao bọc trong ni lông hút chân không để cả năm cũng chẳng hư. Làm sao mà có thể so sánh được với cây kẹo kéo truyền thống của ngày xưa được.
Thời tuổi thơ ngày đó, tôi cũng mê ăn kẹo kéo dữ dội lắm. Mỗi lần nghe tiếng rao kẹo kéo, không chỉ riêng tôi mà cả một lũ trẻ con trong xóm chạy ùa ra khỏi nhà, bu quanh ông bán kẹo để mua thì ít, mà để xem và để … thèm thuồng thì nhiều.
Lắm ông bán kẹo kéo bày trò quay số để xí dụ con nít và cả không ít người lớn luôn. Người mua quay được ô có số nào trên cái bàn quay tròn nhỏ thì nhận được từng ấy cây kẹo, hoặc được cây kẹo to hay nhỏ, dài hay ngắn. Mà đa số quay hoài cũng chỉ trúng được 1 cây kẹo mà thôi. Thật ra thì mấy cái bàn quay số ấy, các ông bán kẹo đã “thiết kế theo bí mật trong nghề”, để cỡ mấy chục người quay mới có một người “trúng mánh” thắng được người bán mấy cây kẹo, coi như làm mồi câu khách hoặc “dụ khị” mấy đứa nhỏ ngây thơ vậy đó (bây giờ mấy người bi-sờ-nét gọi là promotion khuyến mãi hay bi-e bi-a = PR gì đó), chứ hổng thôi lỗ vốn thí mồ, lấy đâu ra lời đặng nuôi vợ nuôi con. Rồi khi thiên đường xã hội chủ nghĩa trở thành hiện thực khắp nơi, kinh tế trở nên eo hẹp khó khăn, mấy chú bán kẹo kéo lại sáng tạo ra cái màn dùng các phế liệu ve chai để đổi lấy kẹo kéo. Âu đó cũng là một nét đặc trưng của cái thiên đường độc lập tự do, ấm no hạnh phúc của đất nước ta vậy.
Quả thật, đối với lũ trẻ con chúng tôi, sung sướng làm sao khi miệng mút cây kẹo ngọt thanh thanh, nhai hạt đậu phộng béo ngậy thơm lừng, tai thì vểnh lên lắng nghe ông bán kẹo ê a dăm ba câu lục bát tiếu lâm theo kiểu ca dao quan họ một cách thật thích thú, rồi phá ra cười hô hố với nhau rất hồn nhiên:
“Ông Tây mà lấy bà Đầm
Thấy hàng kẹo kéo, ầm ầm chạy ra.”
“Cô nào chồng bỏ chồng chê
Ăn đồng kẹo kéo chồng mê tới già!”
Chắc hẳn nhiều người vẫn còn nhớ mấy câu lục bát dí dỏm như trên phải không?
Mấy chục năm trôi qua, cuộc đời biết bao thăng trầm, đổi thay. Con tạo xoay vần, sự vật cũng xoay vần theo. Xóm làng, phố phường hầu như thay đổi toàn diện. Món ăn, thức uống cũng biến dạng khác hẳn không còn giống như ngày xưa nữa. Tôi nhớ có một lần ngồi uống cà phê với vài người bạn Việt kiều Mỹ thì có một chàng trai trẻ tay cầm micro, tay kéo theo chiếc loa bự chà bá tà tà đi tới hát nhạc Bolero rất là ngọt ngào, mùi mẫn. Các bạn tôi ngạc nhiên nói sao bây giờ đi ăn xin mà ăn mặc đúng mốt và trang bị máy móc tối tân quá. Tôi mới cưới giải thích đó là người đi bán kẹo kéo của thời đại bây giờ chứ không phải ăn xin. Nghe nói kẹo kéo, các bạn tôi sáng mắt ra vẻ hớn hở ngoắc ngoắc chú em bán kẹo lại gần để họ mua ủng hộ. Nhưng khi cầm trên tay những thỏi kẹo công nghệ cứng ngắc bọc ni lông sạch sẽ, họ lại tỏ ra thất vọng tràn trề vì đó không còn là miếng kẹo kéo đơn sơ có đậu phộng của những ngày thơ ấu xa xưa mấy chục năm về trước nữa.
Giờ tôi ngồi đây, viết lại những dòng ký ức này, trước mặt tôi hiện ra hình ảnh một người đàn ông áo quần đạm bạc nhưng rất chỉnh tề, da nâu sạm vì rám nắng, đứng cạnh chiếc xe đạp cũ kỹ cất cao giọng rao rất thân thương:
“Ai kẹo kéooooooooooooo đêêêê!”
(viết tặng chị Vân H.🍭)
Đức Long alias HMĐ 20/11/2021

SÁNG TÁC VÂN CHƯƠNG / HỒI KÝ CUẢ NGƯỜI DI DĂN VIỆT NAM

 EDITOR'S NOTE:  It's a beautifully written story. should be rewritten into english in descriptive language. If this is a true story, all the more it should win a literary prize. testament to human suferings, will, giving, and courage.  DNN


NHỮNG CON TRÙN ĐẤT XỨ NGƯỜI

( Kim Chi)
Vợ chồng Kim cùng anh Minh vượt biên và được Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ chấp nhận cho gia đình ba người này định cư ở Buffalo, một thành phố nhỏ của Mỹ nằm sát Canada, mà biên giới hòa bình giữa hai nước là cái thác Niagara Falls, một trong những kỳ quan nổi tiếng nhất thế giới.
Lúc ấy vào giữa tháng Ba năm 1986, trong lúc Khoa, chồng của Kim, đang lạch cạch chùm chìa khoá nhận căn nhà đầu tiên ở Mỹ, thì vợ chồng người Việt Nam hàng xóm sát bên nhà đã qua chào hỏi gia đình Kim thật niềm nở. Anh chồng cao lớn, nước da trắng hồng với cặp mắt kính cận dày cui, trạc chừng bốn mươi tuổi. Còn chị vợ tươi tắn và thật hoạt bát. Vui mừng và hạnh phúc biết là bao khi nhận được sự giúp đỡ tận tình của anh chị này vào những ngày đầu tiên ngơ ngác đặt chân lên một xứ sở đầy xa lạ, được xếp hạng văn minh nhất nhì trên thế giới. Chỉ độ năm ngày thôi, gia đình Kim đã được chở đi mua sắm, giải thích, chỉ dẫn rất nhiều. Sau khi biết Kim đang có thai đầu lòng ba tháng, thật cảm động, chị vợ đi gom góp đồ dùng và quần áo em bé ở đâu về đầy nhà cho Kim! Anh chị này thật tốt, đúng y hệt như cái tên: anh Đức, chị Hạnh!
Anh chị Đức Hạnh mời gia đình Kim qua dùng cơm chiều vài ngày sau đó. Vừa bước vào phòng khách, Khoa, (chồng của Kim) và anh Minh, (anh của Khoa) vô cùng mừng rỡ khi thấy anh chị ấy có một cây piano cũ để ở góc nhà. Gần cả năm trời ở trại tị nạn không có đàn để đánh, nên cả hai anh em giành nhau ngồi vào cái ghế piano, đánh say mê hết bài này tới bài khác trước những cặp mắt đầy ngạc nhiên lẫn thích thú của gia đình anh chị. Lúc ấy, anh Đức và chị Hạnh mới biết hai anh em của Minh và Khoa là nhạc sỹ. Chị Hạnh quay sang nhìn Kim, trợn mắt hỏi:
--- Còn em nữa? Chắc em cũng là... ca sỹ hả?
Khoa cười giòn tan, và đỡ lời vợ:
--- Gia đình của em họ... “Sỹ” cả chị Hạnh ạ! Chị có việc gì cho chúng em đi làm ngay không?
Chị Hạnh chớp-chớp con mắt có vẻ lúng túng. Chị ngần ngại liếc nhìn chồng như dò ý, rồi quay qua hỏi Khoa và anh Minh:
--- Hai anh có muốn đi làm kiếm tiền liền thiệt hông? Hôm nay anh chị cố ý mời qua ăn cơm để nói "chiện" này đây! Nhưng, cha ơi! Chị đâu biết tụi em là nhạc sỹ ở Sài-Gòn đâu?!
Quay sang nhìn chồng, một thoáng ngần ngừ, chị nói tiếp:
--- Bi giờ, không biết cái nghề này có hạp "dzới" tụi em hay không đây nữa... Chị định giới thiệu cho tụi em đi... BẮT TRÙN!
Cả ba Minh, Khoa, và Kim cùng trợn mắt lên nhìn chị. Thật là thích thú lẫn ngạc nhiên khi nghe chị giải thích cái nghề lạ lùng này. Chị nói:
- Mùa Xuân là mùa làm giàu của người Việt sống ở thành phố này đó! Nếu mấy em chịu khó đi bắt trùn, chỉ cần một mùa Xuân thôi là có thể mua được ngay một căn nhà đó à nghen! Hầu như những người Việt "dzừa" đến đây đều làm qua kí nghề bắt trùn này hết á! Gia đình em có ba người lớn, Kim đang có bầu thì ở nhà cơm nước, còn Minh và Khoa đi bắt trùn vài đêm một tuần thôi, cũng kiếm tiền hơn cả lương kỹ sư đó à nghen...
Rồi chị cao giọng lên, khoát khoát cái tay trong không khí:
--- Chèn ơi... Dễ lắm mà! Chỉ lượm mí con trùn ở dưới đất rùi bỏ dô lon, rùi đem bán lấy tiền xài thôi mà...
Và chị đãi giọng dài ra:
--- Chờ..ời ơi! Đi... lư..ượm.. tiền đó mà..à...!
Thế là ông anh chồng và chồng của Kim hí hởn nhận lời ngay tức khắc, nôn nóng chờ vài hôm sau "đi lượm tiền" mà không một chút nào lo âu. Trong khi Kim đực mặt ra lo lắng, ưu tư, vui buồn lẫn lộn…
Kim rất sợ rắn, mà Kim cũng sợ con trùn không thua gì con rắn. Trùn ở xứ Mỹ chắc được hít thở không khí tự do, ăn bơ sửa trứng gà hay sao mà chúng to béo đến thế?! Chúng dài và to gần bằng chiếc đủa ăn cơm, người chúng "mũm mĩm" căng phồng màu nâu hồng, trông thật kinh khiếp! Kim tự hỏi, làm sao đi bắt trùn được khi nhìn thấy chúng gớm ghiếc như thế?
Chị Hạnh mua vải thưa có lỗ như vải lưới mùng, rồi cắt may thành những cái bao như bao cát thời chiến tranh, nhưng nhỏ hơn một chút, miệng bao có đính dây. Khi thùng thiếc đầy trùn rồi thì đổ vào bao và buộc lại. Con trùn ở trong bao vẫn sống được nhờ những lổ thông hơi này. Chị may cho hai đấng mày râu độ hai chục cái bao, rồi chị bảo:
--- Mấy ngày đầu có bắt dở, chắc cũng phải được năm ba bao trùn một người chứ hén?! Rồi sau vài lần, bắt lên đến vài chục bao dể dàng thôi!
Kim tính thầm, một bao trùn bán độ trên dưới $20. Nếu hai "ông tướng" này bắt được trung bình mười bao mỗi ông, và mỗi tuần đi ba lần thôi, thì gia đình Kim sẽ có khoảng $1,000 dư dả cho một tuần. Nhà lúc ấy chỉ cần có $50,000 là mua được một căn nhà đẹp lắm... Mà chỉ cần đặt cọc 10% thôi cũng mua được nhà rồi... Đầu tiên, Khoa và anh Minh chắc chắn sẽ mua ngay một chiếc xe hơi cũ cho ba anh em đi học đi làm, để không phải đứng đón xe bus lạnh rét như cắt da cắt thịt vào những ngày Đông giá buốt. Khoa và anh Minh sẽ mua ngay một cây piano, cũ thôi, cũng đủ vui lắm rồi! Khoa và anh Minh cũng sẽ mua đồ đạc cho em bé, cho Kim, cho căn nhà trống lốc này, có thể nhắm mắt múa may, quay cuồng trong nhà cũng không đụng cái gì cả...
Nhưng, Kim chợt thót cả tim, bàng hoàng nhớ lại khuôn mặt thân yêu của bao nhiêu người ở VN đang khốn khổ...
Kim bồi hồi nhớ lại khuôn mặt đầy mồ hôi nhễ nhãi dưới vành nón lá của mẹ. Mỗi sáng sớm, mẹ phải chất bánh mì ngọt mà Kim đã thức trắng đêm để nhồi bột và nướng bánh, rồi chở đi giao làm nhiều chuyến khắp Saigon bằng chiếc xe đạp lọc cọc mà rớt nước mắt. Từ một bà Quận trưởng, mẹ của Kim đã biến thành một bà bán bánh mì da sạm nắng, áo quần bỗng rộng lùng bùng ra như bơi trong ấy sau cái ngày ba đi học cải tạo, nhà bị tịch biên, tiền bạc bị kẹt cả trong ngân hàng. Không ngờ, quyển sách dạy làm bánh Pháp mà ông cậu khi đi tu nghiệp ở Paris mua về làm quà tặng Kim lại nuôi sống gia đình những năm tháng "đổi đời" này.
Kim phải thức trắng đêm để vừa nhồi bột bằng tay, vừa nướng bánh. Cực khổ và nhục nhằn đủ cả, mà vẫn không có tiền dư ra để lo cho Kim đi vượt biên, mẹ phải bán hết những gì có thể bán, cũng chưa có đến nữa cây vàng! Rồi mẹ đánh liều, chạy đi mượn vàng của các bác khi xưa là nhân viên của ba. Các bác ấy thật là tốt, cho mượn vàng mà không hề ăn lời hay đòi hỏi khi nào phải trả cả. Ơn nghĩa này, Kim sẽ không bao giờ quên được. Khi có tiền, Kim sẽ gửi ngay về cho mẹ để mẹ gửi trả lại các bác thật đáng quý này...
Kim cũng thật xót xa, đau buốt cả hồn khi nhớ lại gương mặt đẹp mỹ miều của Phương, cô bạn học hoa khôi một thời của trường Gia Long. Cuộc đời Phương là những bất hạnh gắn chặt với tai ương, khốn khổ một cách lạ lùng. Phương là chị cả của năm đứa em nhỏ. Ba của Phương là Thiếu tá Truyền Tin Phủ... Tổng Thống, đã ở lại làm việc cho đến giây phút cuối cùng mà chế độ Cộng Hòa bị sụp đổ ngày 30/04/1975. Khi ông vào tù cải tạo ngoài Bắc, vợ của ông phải bươn chải đi làm ruộng rẩy bên kia sông Sài Gòn cùng với ba đứa con nhỏ. Một hôm, gió to nổi lên, chiếc ghe bị bể, rồi chìm từ từ giữa con sông lớn. Khi mọi người trên ghe nhốn nháo hoảng loạn, má của Phương chỉ ngồi nghẹn ngào dặn dò và trăn trối với thằng con trai mười bốn tuổi:
-- Con đừng lo cho má! Con gắng cứu hai em của con thôi.. Cố gắng lo cho ba và các em, gắng làm người tốt, gắng học hành…
Hai đứa em gái của Phương đứa mười tuổi, đứa tám tuổi, đã bám chặt cứng lấy tay anh của mình. Sông quá lớn và sâu, mà thằng bé thì chỉ biết lội sơ sài thôi... Khi người ta cứu nó vào bờ, nó đã khóc rống lên thật thảm thiết, tay chân chòi đạp vùng vẫy, rồi tự đấm vào ngực nó ình-ình vì chính nó đã... hất tay hai đứa em gái của nó ra…
Thi thể hai em gái của Phương được kéo lên bờ ngay hôm ấy. Nhưng, đến ba ngày sau đó mới tìm thấy thi thể mẹ của Phương. Mớ tóc dài của mẹ Phương rối nùi, quấn chặt vào một chân cầu cách nơi xảy ra tai nạn khoảng ba cây số..
Vào lúc ấy, Phương đang đi theo người hàng xóm học cách mua bán gạo lậu ở miền Tây để mong phụ được má của mình nuôi năm đứa em thơ và ba trong trại cải tạo. Phương lúc ấy cũng như Kim, chưa tới mười tám, như đóa hoa vừa hé nụ hàm tiếu, còn rất ngây thơ lẫn ngờ nghệch, Phương đã bị bọn lơ xe cùng lũ tài xế cưỡng hiếp trên đường đi buôn! Bão táp vẫn tới tấp trên đầu Phương: Phương...có thai! Cái thai vừa mới tượng hình, thì ba cái quan tài to, nhỏ nằm sát bên nhau ở ngoài sân nhà…
Người tài xế “lính kiểng” cho ba của Phương, đã cứu vớt cuộc đời của Phương bằng cách cưới Phương và nhận cái thai ấy là của mình. Anh Tâm lớn hơn Phương một con giáp, là người Tàu lai Việt. Anh chỉ bị đi tù cải tạo một năm thôi là được thả ra. Nhưng ba của Phương thì đi "học" vĩnh viễn không có ngày về! Ông đã chết vì đói, chết ngay trên luống khoai mình trồng…
Phương được anh Tâm thương yêu hết mực. Anh săn sóc các em cùng đứa con trai của Phương tận tình. Anh mua bán thuốc tây, bỏ mối khắp các tỉnh. Chỉ trong vòng một năm thôi, anh đã mua xe hơi để việc mua bán, giao hàng dễ dàng hơn. Tất cả mọi việc trong ngoài đều được anh lo toan chu đáo, Phương hầu như không biết gì cả. Cuối tuần, anh chở Phương và cả nhà đi chơi, đi ăn uống thật vui vẻ.
Những tưởng Phương được đền bù một cuộc sống sung sướng và hạnh phúc sau chuổi ngày lao đao khốn khổ, nào ngờ đâu… Nhưng bọn công an phường khóm đã ập vào nhà vợ chồng Phương. Như những con chó hoang đói khát, chúng lục soát nhà Phương lấy hết tiền mặt, thuốc tây và lấy đi luôn chiếc xe hơi của anh Tâm. Anh té quỵ vì uất ức, rồi toàn thân bị bại liệt từ đó. Nước mắt anh lăn dài trên gò má, chảy xuống cuộc đời trầm luân của Phương...
Những gì còn có thể bán được trong nhà, Phương đã cố gắng bán đi để sinh sống và chửa trị cho anh Tâm. Rồi chỉ độ chừng nửa năm, Phương đã phải ngượng ngập thoa son trét phấn đêm đêm bán thân bán sắc để cố gắng nuôi ba đứa em không cha không mẹ, cố gắng chữa trị cho người chồng kính yêu…
Thế mà đã dứt tai ương đâu? Khi đang ở trại tị nạn, Kim lại nghe tin Phương bị... ung thư... Phương ơi! Thương mi quá! Đường đời có bao nhiêu gian truân đày ải đều bủa vây mi. Phương ơi! Hãy mạnh mẽ lên nhá, khi tao có tiền rồi, tao nhất định sẽ gửi về ngay tức khắc cho gia đình mi..
Tưởng tượng ngày mẹ và Phương nhận tiền mình gửi, Kim thấy hạnh phúc sung sướng ngập tràn cả hồn. Kim quên hẳn giấc mộng mua nhà, mua xe hơi, mua piano của mình...
*
Hai đấng mày râu vui lắm, bàn tán lăng xăng, ngậm thuốc lá phì phèo, chộn rộn đi ra rồi... đi vào! Anh chị Đức mua tất cả "đồ nghề" giùm cho Khoa và anh Minh! Đồ nghề của mỗi người muốn đi bắt trùn phải có là:
- Áo quần chịu được lạnh và mưa gió từ khoảng 40 cho đến 60 độ F (Khoảng 5 đến 15 độ C).
- Giày bốt cao su không thấm nước.
- Hai cái thùng thiếc tròn, cao độ hai tấc, đường kính độ 16 cm. Mỗi cái thùng này sẽ có hai sợi dây thun to bản ràng chặt vào hai bên chân phía dưới đầu gối. Một bên thì để đựng trùn, còn một bên thì đựng mạt cưa nhuyễn như cám.
- Một đèn pin mang trên trán mà ta thấy các bác sĩ tai mũi họng hay đeo trước trán, với cục pin vuông to tướng đút vào trong túi áo lòng thòng sợi dây nối với cái đèn.
Hai đấng mày râu mặc thử vào, người này...trầm trồ người kia! Còn Kim, đã dấy lên xót xa rồi, sao cái nghề kiếm tiền gì mà phải ăn mặc quá là cồng kềnh, dị hợm thế kia? Hai đấng mày râu này chưa bao giờ biết rửa chén, quét nhà, không biết có làm ra trò trống gì đây không?!
Khoa và Minh được anh Đức giới thiệu với anh Ba, người chủ xe van chuyên chở dân VN đi bắt trùn. Có khoảng mười người VN trên xe. Mỗi người phải trả cho anh tiền chuyên chở mỗi đêm là $5. Và khi bán trùn, mỗi thùng trùn cũng phải trả 50 cents cho anh. Hẹn nhau khoảng 8 giờ tối, vì đêm khuya thanh vắng trùn mới ra. Đặc biệt, trùn rất thích ngày có trăng, (Chúng nó cũng romantic quá đi chứ!).
Anh Ba chở mọi người đến một cái farm nuôi bò cách thị trấn độ 40 phút lái xe. Người Mỹ chủ farm thật tốt, cho phép đám dân VN khốn khổ này lếch thếch vào farm của ông bắt trùng mỗi ngày mà không hề đòi hỏi cái gì cả. Anh Ba bảo, cứ mỗi dịp lể lộc như Noel, anh biếu ông Mỹ này một chai rượu Hennessy đắt tiền ( Cho thấy anh là người không thiếu tiền lẫn tình...).
Mọi người xuống xe chia ra nhiều hướng, bắt đầu im lặng "làm việc". Anh Ba hướng dẫn hai anh em Minh Khoa tư thế bắt trùn. Anh lom khom như người đi cấy mạ, rồi dùng năm ngón tay mà kẹp bốn con trùn, nhẹ nhàng, kheo-khéo rút trùn ra khỏi mặt đất. Bắt hai bàn tay cùng một lúc là được tám con trùn, rồi thả vào lon thiếc bên phải. Xong, anh nhúng cả mười ngón tay vào lon mạc cưa bên trái để khi bắt trùn không bị trơn trợt! Anh đi chỉ độ 20' thôi là trùn đã đầy thùng, rồi anh đổ lon trùn đã đầy này vào cái bao lưới mà anh nhét sẵn trong túi áo. Cứ đầy thùng thiếc này là có khoảng bốn trăm con trùn, anh buộc dây chặ?t lại, để vào một góc riêng biệt nào đó mà anh phải nhớ để cuối ngày lấy về. Anh bảo, có nhiều khi anh "say mê" bắt trùn quá, anh đã không nhớ ra anh để bao trùn ở đâu vì farm quá lớn. Thế là công cốc! Anh cũng dạy khi kéo con trùn lên, phải kéo theo cái chiều con trùn nằm. Nếu kéo ngược chiều là con trùn sẽ bị đứt và chết. Con trùn chết mà nằm chung với con trùn sống, sẽ lây các con trùn khác chết theo... Chủ trùn sẽ không chịu mua, và sẽ kiểm "hàng" gắt hơn vào những lần sau...
Ông anh chồng không nghiện thuốc, nhưng trước khi "xuống" tay, anh xin thằng em nghiện ngập một điếu để lấy can đảm. Hai anh em vừa đứng phì phà khói thuốc, vừa ngắm nghía bóng tối chung quanh... Hai "sỹ" chỉ quen sống ở SG thật ồn ào náo nhiệt, chưa bao giờ được chiêm ngưỡng cảnh ban đêm thanh vắng với tiếng côn trùng rĩ rã, cóc nhái kêu ảo não trong tiết trời giá rét như thế này. Vài ánh sáng đèn pin xa xa mờ ão càng buồn và càng nhớ nhà vô cùng. Ủa! Mà các con trùn đã biến đâu cả rồi?! Hai ông nói chuyện rân trời, đi xẹt-xẹt tới đâu là trùn thụt nhanh xuống đất tới đó! Thỉnh thoảng, Minh cũng cố chụp được một con, giựt nó ra khỏi lòng đất. Nó quẫy người vùng vẫy kịch liệt trên tay Minh... Khủng khiếp quá! Dễ sợ quá! Minh thả ngay con trùn xuống đất, rắc-rắc cái tay lia-lịa như thể con trùn vẫn còn bám tay anh…
Khoa cười ha hả khoái chí, rồi bảo ông anh chết nhát xem mình bắt trùn đây. Khoa đi nhè nhẹ đến một gia đình trùn đang ưỡn ẹo, rồi thật nhanh, các ngón tay của người "sỹ" này thô bạo tóm gọn đầu gia đình họ trùn, nắm chặt và giật mạnh lên. Hỡi ôi! Các con trùn đứt ngang người, kêu "chít" thật nhỏ nhưng đầy thảm thiết, rồi dùng tàn lực để giãy giụa, và yếu dần, yếu dần…
Chưa hết, đang đi, bỗng thấy mấy đống... phân bò to tướng, anh Minh la toáng lên để thằng em trai mình kịp thời mà tránh....
--- Ê! Ê! Coi chừng! "Kít" bò! "Kít" bò kìa…
Thế là các con trùn lặn ngụp trốn ngay xuống lòng đất, không để lại một vết tích gì cả!
Mới có vài cái lom khom thôi mà hai ông tướng đã đau lưng và đói bụng quá... Mặc kệ sự đời chung quanh, Anh Minh và Khoa cởi bỏ hết "đồ nghề", lôi bánh mì mà Kim đã nhét trong túi áo của mỗi ông, ăn ngấu nghiến ngon lành. Xong rồi lẹt xẹt đi ra xe lấy bánh kẹo và nước uống Kim để trong một cái giỏ, nhâm nhi tiếp! Khoa rút thuốc lá ra châm, cả anh Minh nữa, hết điếu này đến điếu khác, ngồi phì phèo, thở vắn, than dài...
Gần sáng, mọi người lục tục kéo nhau về, ai cũng xách bao bị lủ khủ, ai cũng mỏi mệt, bơ phờ, giày bốt dính đầy sình đất, đầy phân ngựa, phân bò! Nhưng ai cũng vui vẻ khoe hôm nay được "mùa", bắt được nhiều cặp trùn đôi đang "ôm nhau", nên mau đầy thùng. Mọi người vui vẻ quay qua hai ông tướng hỏi thăm, rồi sững sờ nhìn vào cái thùng thiếc chỉ có... vài chục con trùn đang ngo-ngoe trong ấy. Tội nghiệp hai ông "sỹ" này quá, mỗi người bèn bốc cho mỗi "sỹ" vài nắm trùn để được đầy thùng mà bỏ vào bao, rồi cũng buộc lại, đi bán như ai!
Khi về đến nhà, Minh và Khoa thật dơ bẩn, hôi thối, người rũ rượi, ngượng nghịu không nói gì cả với Kim, giành nhau cái nhà tắm, rồi lăn đùng chết khò-khò trên giường, mặc cho Kim đi chà giày, giặt giũ, lau nhà, chùi rửa cái phòng tắm thối rình, thối um! Đến khi hai ông vừa thức dậy thì lại nghe anh Ba tài xế phone hỏi "có đi nữa không?"... Nhìn nét mặt buồn thảm của Kim tội nghiệp quá, Minh và Khoa lại quyết định ráng đi thử thêm lần nữa xem sao!
Đêm thứ nhì còn tệ hơn cả đêm đầu! Hai ông tướng đã chọc giận các người đi chung! Anh Minh kể, anh... buồn quá, đến gần mọi người để... nói chuyện phiếm! Có một người đàn bà nói giọng Trung nặng chịch, đã "van xin" hai anh hãy... tránh xa chị ta!
Khi kể lại chuyện này, anh Minh nhại lại giọng chị ấy:
--- "En làm eng đừng đến gèn tui! En lẹt xẹt đến gèn tui, cặch con trùn của tui lẹn xuống đét hết! Tui mèng reng cúm tiền nuôi con tui mô tề?!"
(Em làm ơn đừng đến gần tui! Em lẹt xẹt đến gần tui, các con trùn của tui lặn xuống đất hết! Tui mần răng kiếm tiền nuôi con tui mô tề?!)
Chỉ đi có hai lần thôi, tính tiền ra, Khoa và anh Minh chưa kiếm đủ tiền vốn đèn đuốc đã nhờ anh chị Đức mua giùm! Chuyện hai ông... "sỹ" mới đến định cư và đi bắt trùn này lan rộng trong giới VN ở thành phố Buffalo thật nhanh. Bao nhiêu mơ ước của Kim tan vỡ. Biết làm sao bây giờ? Kim không trách anh Minh và Khoa được, vì hai ông đã là công tử trong gia đình chồng từ xưa đến giờ rồi. Kim quặn thắt cả lòng khi nghĩ đến món nợ hai cây vàng mà mẹ phải gánh cho Kim. Kim đi rồi, đâu còn ai nhồi bột nướng bánh cho mẹ đi bán đây? Làm sao có tiền thăm nuôi ba trong trại học tập?
Thật thương cho Phương, chắc đang chịu không biết bao nhiêu là nhục nhã, khốn khổ để có tiền lo cho lũ em mồ côi và người chồng bệnh hoạn..
*
Gia đình chị Nga ở gần nhà Kim có bốn đứa con gái. Qua đến xứ Mỹ rồi mà vẫn không chưng diện, không son phấn như đa số các người con gái khác. Cả nhà đều ốm trơ da đầu, lại xanh mét, giống y hệt như dân hút xì-ke… Năm mẹ con của chị nổi tiếng là kiện tướng bắt trùn ở thành phố Buffalo này. Mỗi đêm đi bắt trùn, mỗi thành viên nhà chị bắt trên 30 thùng trùn. Đứa Út chỉ mười hai tuổi thôi lại "lượm tiền" nhanh nhất nhà. Tội nghiệp các con gái của chị Nga hết sức, chúng nó tự nguyện đi bắt trùn phụ mẹ lúc 11 giờ đêm, rồi khoảng 3 giờ sáng mới về ngũ vài giờ để đi học. Chị Nga chở chúng về trước rồi chị mới chở trùn đi bán sau.
Kim suy nghĩ trắng đêm sau khi đến thăm gia đình chị Nga về. Nỗi sợ hãi thầm kín trong lòng của Kim không sao lấp được những khoắc-khoải của mình. Kim thử các động tác bắt trùn và thấy không khó khăn gì lắm. Kim quyết định táo bạo: mình sẽ đi "lượm tiền" trước khi cái thai lớn lên! Trước hết, phải làm sao thuyết phục Khoa đồng ý cho Kim được đi bắt trùn trước đã! Kim bèn ngồi chồm hổm lau nhà trước mặt Khoa, cố tình cho Khoa thấy mình rất “bình thường”. Và thật vui, sau khi thỏ thẻ, thuyết phục với Khoa rằng Kim muốn thử đi bắt trùn một lần, Khoa đã đồng ý cho Kim đi thử lần đầu.
Thế là Kim hồi hộp bước lên xe của anh Ba để bắt đầu đi “lượm tiền”. Suốt quảng đường, Kim tập trung ý nghĩ: một con trùn là 5 cents. Năm ngón tay sẽ “lượm” được 20 cents. Mình đi “lượm tiền”, mình cần phải “lượm” nhiều tiền để cho mẹ, cho Phương ngay bây giờ. Khi sanh xong em bé thì sẽ không có cơ hội đi được nữa vì phải đi học, cơm nước, con cái...
Anh tài xế không cần mất thì giờ chỉ dẫn Kim nhiều vì Kim đã "nghiên cứu" trước rồi. Kim vừa xuống xe là đã nhanh nhẹn "nhặt tiền" ngay như dân chuyên nghiệp. Các con trùn ngoan ngoãn theo Kim về nhà mới. Kim chợt nghiệm ra, Kim phải thảy ngay con trùn vào thùng thiếc. Phải thật nhanh tay để con trùn không kịp giãy giụa trên tay Kim, sẽ làm Kim sợ hãi. Thế mà, đã bao phen Kim thét lên, bũn rũn cả người vì chúng nó vùng vẫy, hay vì lỡ tay giật đứt con trùn làm đôi. Phân nữa người của nó quẫy thật kịch liệt trên tay Kim, tiết ra một chất như... máu của chúng.. Thỉnh thoảng, Kim cũng gặp hai con trùn đang "ôm nhau". Kim nhíu nó ra khỏi mặt đất, chúng vẫn quyện với nhau. Chúng nó trơn trợt hơn những con trùn bình thường. Và đặc biệt là chúng nó không vùng vẫy gì cả. Kim bỗng thấy sao mình quá tàn nhẫn, đang phá vở hạnh phúc của chúng nó...
Kim đổi tư thế "làm việc" liên tục, hết đứng lom khom rồi lại ngồi chồm hổm. Hai cái chân có hai cái thùng thiếc quả là vướng víu. Càng về khuya, Kim càng mõi mệt, nước mũi chảy ròng ròng vì lạnh. Cái đầu gối của Kim bắt đầu ướt nhẹp và thật bẩn vì Kim chịu không nổi nữa, Kim bắt đầu bò lê lết. Kim bò lên tất cả những gì dơ dáy nhất ở cái farm bò này, mắt Kim mở thật to, tập trung vào những chỗ nào có nhiều "tiền" nhất đang nhúc nhích, ưỡn ẹo... Chung quanh thật yên lặng. Bóng tối bao trùm, chỉ chừa đúng khoảng đất ngay trước mặt của Kim được chiếu sáng nhờ cái đèn pin.
Bỗng dưng, linh tính Kim cho biết hình như có ai đó đang đứng rình rập sau lưng. Tiếng thở phì phò nho nhỏ.. rồi lớn dần, chứng tỏ người ấy đang tiến đến gần Kim lắm! Tim đập thình-thịch, cố gắng lấy hết can đảm, Kim từ từ quay đầu lại... Ôi trời đất ơi! Con mắt ma thật to và sáng rực trong đêm tối đang quắc mắt nhìn Kim chăm bẳm. Kim thét lên một tiếng hải hùng, rồi ôm bụng bầu cắm đầu cắm cổ chạy thụt mạng... Kim cố chạy nhanh về hướng có ánh sáng đèn pin của một người bắt trùn nào đó. Kim vừa thở hổn hển, vừa đứt quảng giọng kể cho chị ta nghe mình đã thấy ma! Chị ta cười ngất, bảo Kim rằng đó là mắt của... con ngựa! Kim đã đến gần nơi con ngựa đang đứng đó thôi!
Tim Kim vẫn còn đập bình-bình. Kim tiếc cái thùng trùn quá, vì chạy thụt mạng mà trùn đã đỗ ra cả rồi. Kim cố lấy lại bình tĩnh, ôm và xoa-xoa cái bụng tự an ủi mình, lắng nghe đứa con trong bụng của mình có bị gì khác lạ không, rồi lại quỳ xuống bò lê lết để "nhặt tiền" tiếp. Kim lầm lũi trong đêm khuya. Kim nhớ lại hình ảnh của mẹ khóc ngất ngày người ta đến lấy nhà, hình ảnh của con Phương đang bị công an đuổi bắt, đang kiếm tiền nhục nhã trên đường phố... Bỗng dưng Kim hết cả đau lưng và mõi mệt. Thoăn thoắt tay nhặt trùn, miệng Kim đếm lẩm nhẩm như tụng kinh: này 20, 40 xu, này 20, 40 xu…
Khoảng hơn 4 giờ sáng, mọi người rã rời ra xe để chuẩn bị về. Kim đi gom lại các bao trùn. Kim có bảy bao tất cả. Mọi người khen Kim giỏi và khuyến khích Kim rất nhiều. Kim phờ phạc theo họ đi bán trùn. Những con trùn này được bán cho dân câu cá mua về làm mồi. Cả người của Kim kiệt quệ thảm thương. Kim về nhà tắm rửa, kỳ cọ, giặt giũ cả tiếng đồng hồ rồi mới rón rén lên giường, cố gắng tươi cười, đóng kịch với Khoa rằng mình rất…”bình thường” để ngày mai được đi bắt trùn tiếp tục...
Thế là những con trùn cứ theo Kim những hôm sau. Chúng vươn cái thân người lên để hít thở không khí tự do trong lành, không biết tai họa đang rình rập. Những con trùn cũng theo Kim từ ở farm về tận nhà, về trong từng giấc ngủ, từng đêm khuya. Hể nhắm mắt lại ngủ là những con trùn màu nâu đỏ cứ xuất hiện lúc nhúc trong con mắt của Kim. Chúng bò lổn-ngổn thật kinh khiếp ngay màng đen con mắt, nhất định không tha Kim vì Kim đã kết liễu cuộc sống của chúng... Kim không dám nhắm mắt ngủ nên bị mất ngủ thật trầm trọng. Kim không biết phải làm sao để những con trùn đó đừng hiện về trong màng con mắt nữa, người Kim hốc hác và cặp mắt to sâu lại càng to hơn, hun-hút hơn... Khi đi bác sỹ, bác sỹ bảo vì Kim quá tập trung nhìn vào những con trùn nên mới bị như thế.
Kim đành bỏ hẳn không đi bắt trùn nữa sau khi gắng đi trọn mùa trùn năm ấy. Dù đã bỏ không đi bắt trùn nữa, mà những con trùn trong màng con mắt vẫn theo Kim cho đến vài tháng sau. Những lần cuối, Kim bắt nhanh gấp đôi. Rồi Kim gửi tiền về ngay cho mẹ, cho Phương.. Đêm mà Phương lần đầu tiên nhận tiền Kim gửi, hởi ôi.. cũng là đêm cuối cùng Phương còn hơi thở ở cõi trần, miệng nở nụ cười thật sung sướng vì sờ được, nắm được những tờ đô la Mỹ đầy quyền lực trong tay, như nhận một tia sáng hy vọng cho mạng sống treo mành.....
Kim tới thăm chị Nga sau đó vài năm, thật ngạc nhiên khi thấy gia đình của chị đã thay đổi khác hẳn. Bốn đứa con gái của chị bấy giờ mới ăn mặc tươm tất, trang nhã và xinh xắn. Một đứa đã tốt nghiệp đại học, nhưng đang tiếp tục học lên lấy M.D. Một đứa đang hành nghề Dược sỹ, có tiệm thuốc tây rất lớn. Còn hai cháu nhỏ vẫn đang học đại học và trung học. Chồng của chị cũng đã được bảo lãnh sang sum họp sau khi ra khỏi tù Cộng Sản. Chị nói:
-- Em biết không, chị cũng kiếm tiền được lắm đó chứ! Nhưng gia đình ở bên VN nghèo khổ quá, chị gửi tiền về cho ba má chị cất lại cái nhà ở mé sông gần sụm bà chè! Chị cũng cơi lầu cái nhà của cô em chồng, đã thay chị nuôi anh cực khổ bao nhiêu năm trong tù. Còn thằng em trai là thương phế binh, chị phải nuôi nó mổi tháng vài trăm đô. Chị bèn gửi về cho nó liền tù tì $20,000 để vợ chồng nó mua bán máy đuôi tôm, mà nào ngờ tụi nó thành công quá. Mấy đứa con của nó cũng muốn nối gót. Chị lại gửi tiếp thêm cho tụi nó có vốn mà làm ăn, chứ con của lính nguỵ mà em, có học giỏi cách mấy cũng bị đánh rớt ngay từ khi mới điền đơn dự thi, sao ngóc đầu lên nỗi với đám Cộng Sản? Rồi chị phải nuôi các cháu ở đây ăn học… Cái xứ Mỹ này, ăn ngày có nắm gạo thôi mà cũng hồng hào tròn quay... Chị chỉ tốn tiền để đầu tư cho con của chị được học hành thành đạt, không tủi hổ là người Việt Nam nơi xứ người là anh chị vui lắm rồi…
Cặp mắt của chị bỗng đỏ hoe:
--Nhờ mấy con trùn Mỹ này mà gia đình của chị mới thoát cơn bĩ cực, mới tạo dựng được tương lai cho gia đình ở VN và gia đình ở tại đây đó em.
Chị quẹt nước mắt, nói tiếp:
-- Hừm! Nhiều khi ngồi tự hỏi, nếu không đến được đất nước này, thì đại gia đình của chị sẽ sống ra sao ở VN hả em? Làm sao có được ngày hôm nay đây hả em?!
*
Trời lại vào Xuân hôm nay. Kim xới đất tơi lên nhè nhẹ vì sợ những con trùn lại bị đứt ngang người. Gia đình của Kim vẫn thường khoe với mọi người tánh mạnh mẽ của Kim thể hiện qua việc đi bắt trùn khi xưa. Đâu ai biết rằng, sau cái bề ngoài mạnh mẽ ấy, chỉ là một trái tim nhỏ bé của một phụ nữ Việt Nam yếu ớt, nhạy cảm. Cho đến bây giờ, mỗi lần nhìn thấy những con trùn đất, Kim vẫn giật thót mình, vẫn sợ điếng cả người, rồi cố nén nỗi niềm xuống tận sâu thẳm của đáy lòng.
Ôi! Thương thay những con trùn đất xứ người..
Kim Chi