|
My favorite novella (long short story), translation by my father, Dr. Nhu Duc Dzuong, formerly of the Faculty of Letters, University of Saigon (pre-1975) |
PHỎNG
VẤN DƯƠNG NHƯ NGUYỆN VỀ VIỆC PHÂN LOẠI TIỂU THUYẾT Ở NƯỚC MỸ
THỰC
HIỆN BỞI PHƯỢNG CÁC, WEB PHỤ NỮ VIỆT, 2005.
Độc
giả (Phượng Các): Bà nói với báo Nhà, năm 2005, rằng trong tương lai sẽ viết tiểu
thuyết thương mại. Như thế có nghĩa là sao?
“Tiểu thuyết
thương mại” dịch từ chữ “commercial fiction.” Tôi xin cắt nghiã như sau:
Trước hết muốn hiểu v/d phân loại tiểu thuyết thương mại, chúng ta phải bắt đầu bằng thể loại "tiểu thuyết văn chương."
Tiểu thuyết văn chương là một truyền thống viết văn, một
thể viết văn, một hình thức nghệ thuật tiểu thuyết đã trở thành một thông lệ rất
nhất định từ nhiều thế kỷ, trên toàn thết giới. Thông lệ và thể thức rất quan trọng cho bộ môn phê bình văn học.
“Tiểu thuyết văn chương” khác với những tác phẩm mà
các nhà phê bình gọi là “tiểu thuyết phân loại” (dịch chữ“genre fiction”), chẳng
hạn như “tiểu thuyết trinh thám,’ “tiểu thuyết yêu đương tình cảm phụ nữ,” “tiểu
thuyết kinh dị,” “tiểu thuyết khoa học giả tưởng,” vân vân và vân vân.
Các loại tiểu thuyết mà tôi mới nêu trên, gọi chung là
“genre fiction,, dịch nôm na là “tiểu thuyết phân loại,” thông thường viết rập
khuôn theo công thức mà không đặt vấn đề sâu xa hơn, nhằm bán cho quần chúng một
hình thức “mua vui” (entertainment) và vì thế rất ăn khách, có thể bán hàng triệu
cuốn.
Các “tiểu thuyết phân loại” này đều là những thể dạng khác
nhau của “tiểu thuyết thương mại.”
“Tiểu thuyết văn chương” dịch từ chữ “literary fiction.” “Tiểu thuyết thương mại” dịch từ chữ “commercial fiction.”
Tuy nhiên, cũng có những tiểu thuyết thương mại viết rất
tuyệt vời và trở thành một sản phẩm văn chương lưu truyền, được đem học trong
trường lớp. Đồng thời, cũng có những “tiểu thuyết phân loại” không dễ dàng gì
có thể đem phân loại theo “genre.” Lấy thí dụ, John Grisham viết về thế giới của
luật sư. Tác phẩm của Ghrisham rõ ràng là tiểu thuyết thương mại, nhưng thuộc về
“genre” gì? Có nhiều nhà phê bình cho rằng đó là “genre” luật pháp hay “genre”
tòa án.
Lại có nhiều nhà phê bình cho rằng tác phẩm của Aimy
Tan (được truyền tụng là một “tiểu thuyết văn chương”) chính ra cũng chỉ là tác
phẩm thương mại mà thôi, thuộc hình thức “phân loại” gọi là“genre” thiểu số hay
“genre” dân tộc (ethnic fiction).
Những tiểu thuyết không thể đem để vào “genre” nào hết
mà có giá trị nghệ thuật trường cửu hơn thì gọi chung là “tiểu thuyết văn
chương/” Và từ đó có thêm một “phân loại” nữa gọi là “phân loại văn chương.” Đó
là “phân loại” khó bán nhất, bán rất ít, nhưng lại là “phân loại” dễ được đem
vào lớp học văn chương. (Tuy nhiên, tiểu thuyết thương mại cũng vẫn có thể đem
vào lớp học để nghiên cứu về thủ thuật viết văn và “hấp dẫn tính” của tiểu thuyết
thương mại).
Lấy thí dụ là gần đây [2005] trên diễn đàn TALAWAS do
bà Phạm Thị Hoài chủ trương có một cuộc bàn luận về tiểu thuyết thương mại của Stephen
King – có nên được giải thưởng văn chương hay không. Viết được một tiểu thuyết
thương mại bán hàng triệu cuốn làm độc giả say mê như Stephen King không phải là chuyện nhỏ,
hay chuyện “bá vơ.”
Tiểu thuyết
thương mại, đặt nặng vấn đề thị hiếu của thị trường mua vui cho độc giả, không
có nghĩa rằng đó là một tiểu thuyết rẻ tiền. Tiểu thuyết thương mại thường thường
phải có tình tình tiết éo le, gay cấn, phải có cốt truyện giật gân, cuốn hút độc
giả, và thường thường phải có hậu, hay nếu không có hậu, thì cũng phải kết thúc
một cách lâm ly làm thỏa mãn người đọc.
Nghệ thuật viết một tiểu thuyết thương mại cho tới cái
đỉnh cao của tiểu thuyết thương mại đòi hỏi tài năng, trí tưởng tượng, và nhiều
công trình nghiên cứu, và phải bắt mạch độc giả cho đúng. Ian Fleming, người đã
tạo dựng nhân vật James Bond là một nhà văn cừ khôi. Tiểu thuyết của ông cũng
có thể đem phân loại là “tiểu thuyết thương mại.”
Stephen King là một nhà kể chuyện đại tài, một đầu óc
tưởng tượng phong phú. Sidney Sheldon là một người bắt mạch nhu cầu giải trí về
tiểu thuyết của nữ giới và quần chúng bình dân khá chính xác (và ông cũng là một
nhà viết truyện phim cho Hollywood). John Grisham viết về thế giới luật sư rất
chính xác, vì ông là một luật sư. Scott Turrow, một luật sư
khác, là một văn sĩ mà theo tôi có văn phong dồi dào, cách mô tả nhân vật và
tâm lý khá tuyệt vời. Tất cả đều là những nhà văn thương mại.
Như thế thì làm sao chúng ta biết rằng thế nào là một
“tiểu thuyết văn chương”? Tôi
xin đưa thí dụ sau đây:
Tôi đang đọc một tuyển tập truyện ngắn của các tác giả
châu Mỹ La Tinh, do nhà xuất bản danh tiếng Penguin-Putnam chủ trương. Dịch
giả là Thomas Colchie, được Guggengheim Fellowship, một học bổng văn chương
danh tiếng của Hoa Kỳ. Trong tập truyện có một tác giả từ Brazil, một phụ nữ
tôi rất thích, bà Claris Lispector. Cầm tập truyện lên, chúng ta biết ngay đây là thể dạng tiểu thuyết văn chương. Vì
sao?
Nhân đây xin cho tôi nói thêm về văn sĩ này. Tôi thích
bà Claris vì thuở thiếu thời bà rất nghèo (cũng giống tôi và gia đình nhà giáo
của tôi). Khi lớn, bà tự đi học luật (cũng giống tôi), và sau đó lấy chồng là một
luật sư và nhà ngoại giao (điểm này có phần hơi giống cuộc đời của tôi). Bà
viết rất sớm, năm 16 tuổi (cũng giống tôi), nhưng mãi đến khi lấy chồng, thì bà
mới thật sự có phương tiện để “tung hê” ngòi viết. Tuy
nhiên, điểm làm tôi thích bà nhất là ở lối viết của bà – tỉ mỉ và rất nội tâm,
đưa vào tâm lý và triết học, có thể nói đọc rất chán, và khi đọc, phải đọc từng
chữ, từng câu, không bỏ sót, đi theo tâm lý nhân vật từng bước một, từng chi tiết
một, vừa đọc vừa ngẫm nghĩ. Thể dạng viết như thế làm tôi liên tưởng đến ngòi
bút của Thomas Mann và cuốn Death in Venice (đã được đem làm phim, và tôi rất
thích cuốn phim này).
Đây là một hình thức tiểu thuyết văn chương rõ ràng. Một
hai giáo sư văn chương báo chí của tôi trong dòng chính thì luôn luôn đả kích
và cho rằng trong thời buổi này nếu tôi viết theo lối Thomas Mann, tôi sẽ không
bao giờ trở thành nhà văn Mỹ cả, vì sẽ không ai chịu xuất bản sách cho tôi.
Những nhà phê bình đứng đắn và các dịch giả nói rằng
bà Clarice Lispector viết với một văn phong rất điệu nghệ mà chính xác, và tác
phẩm đem lại những hiệu quả triết lý (“a writer of extraordinary stylistic
precision and enormous philosophical consequence”). Đọc
Thomas Mann cũng như Clarice Lispector thì thấy rõ ràng tác phẩm của họ là tác
phẩm văn chương chứ không thể là tác phẩm thương mại.
Một cách phân biệt nữa là nhìn vào thể thức viết. Như
tôi đã nói, tiểu thuyết thương mại chú trọng đến vấn đề thu hút độc giả, dựa
trên cốt truyện và tình tiết biến đổi éo le, “giật gân” (the plot).
Tiểu thuyết văn chương chú trọng đến “tiếng nói của
nhân vật” (the voice). Một bên chú trọng vào cốt truyện, một bên chú trọng vào
nhân vật. Tiếng nói của nhân vật, càng rõ rệt, càng nhân bản, càng độc đáo,
càng chăm chút, càng tỉ mỉ, càng cô đọng, càng vươn cao, thì “văn chương tính”
càng nổi bật hơn, đưa độc giả vào cùng tâm linh, tâm thức, tâm lý rất phức tạp
của người cất tiếng nói (cho dù độc giả có thể chán nản và nhức đầu), thay vì
chú trọng vào cốt truyện để thỏa mãn thị hiếu độc giả. Đó
là tiêu chuẩn tôi dùng để định giá và phân biệt tiểu thuyết văn chương, cho
chính mình.
Tuy nhiên cốt truyện và sự chuyển tiếp (cấu trúc; structure
and movement) cũng vẫn là căn bản nòng cốt của tiểu thuyết văn chương. Nếu
không có cốt truyện và cấu trúc, tác phẩm trở thành một sự kể lể và ghi nhận
(nòng cốt của văn báo chí, hay một loại nhật ký nào đó, nhưng không phải là văn
chương tiểu thuyết sáng tạo).
Riêng ở môi trường văn học Việt Nam (không cộng sản),
tôi nghĩ không ai chối cãi được rằng Bướm Trắng của Nhất Linh là một tiểu thuyết
văn chương, và tiểu thuyết của bà Tùng Long là một hình thức “tiểu thuyết phân
loại” rất thịnh hành và dễ được ưa chuộng (genre fiction).
Còn Mai Thảo
thì sao? Nếu có nhà phê bình cho rằng thiểu thuyết của Mai Thảo tương tự như tiểu
thuyết của Scott Fitzgerald, thì đó là tiểu thuyết văn chương. Nếu tiểu thuyết
của Mai Thảo được xem tương tự như tiểu thuyết của Sidney Sheldon, thì đó là tiểu
thuyết thương mại. Điều đó không có nghĩa là
Mai Thảo hoặc Sidney Sheldon rẻ tiền hay không có chút giá trị nào. Cũng
không thể nói rằng tiểu thuyết của bà Tùng Long hay các nhà văn thương mại nổi tiếng của Hoa Kỳ là kém giá trị hay
rẻ tiền. Chỉ có thể nói là tác phẩm nhắm đến một giới độc giả khác.
Theo tôi thì Mai Thảo không phải như Fitzgerald, và
cũng không phải như Sheldon.
Khi tôi nói trong đời, mình sẽ viết ít nhất là một cuốn
tiểu thuyết thương mại, tôi muốn nói thể dạng tiểu thuyết có thể đem ra phục vụ
nhu cầu giải trí (entertainment) như kỹ nghệ phim ảnh của Hollywood. Điều
đó không có nghĩa là tôi sẽ viết tiểu thuyết rẻ tiền. Từ trước đến giờ, tôi viết
văn không bao giờ nghĩ đến việc có bán được sách hay không, hoặc viết để độc giả
vui lòng. Tôi ghét nhất là khi phải đi tìm mại bản văn chương (literary agent)
hay đi tìm nhà xuất bản(publisher). Từ trước đến giờ…chưa đi tìm.
Khi viết để theo đuổi cái nhìn riêng biệt của mình, sự
đi tìm cái đẹp riêng mình, mà không chạy theo nhu cầu giải trí hoặc nhằm mục
đích lấy cảm tình của độc giả để bán sách cho chạy và được khen, tức là tác giả
đã chọn thể loại tiểu thuyết văn chương.
Nói theo định nghĩa của văn học VN, thì văn là vẻ đẹp,
chương là vẻ sáng.
Viết cái gì chăng nữa, nếu có vẻ đẹp và vẻ sáng trong đó, cho dù hiện thực tàn bạo xấu
xí đến đâu đi nữa, thì vẫn là tiểu thuyết văn chương.
Hiện nay có không biết bao nhiêu sinh viên ở Mỹ học
văn chương sáng tác (càng ngày càng ít đi)? Nhưng ai lựa chọn con đường này không có
nghĩa là họ kiêu ngạo tự cho rằng tiểu thuyết của mình đã đạt được tiêu chuẩn “vẻ
đẹp và vẻ sáng”
của giá trị văn chương.
Điều đó chỉ có ý nghĩa là họ đi trên con đường viết
theo thể dạng “tiểu thuyết văn chương” mà thôi.
Cho dù tôi viết tiểu thuyết thương mại (theo mô thức entertainment)
đi nữa, thì tôi vẫn luôn luôn là một người viết rất chú trọng đến “thể dạng thẩm
mỹ” (style). The Asia Review khi nhận xét về cuốn Sông Huong, có gọi tôi là một “literary
stylist.” Tôi cảm thấy người đọc ấy đã hiểu được phần nào con đường đi của tôi.
Nói cho cùng, tất cả tiểu thuyết sáng tạo đều phải
cung ứng chon nhu cầu đi tìm cái đẹp của nhân loại. Sự thưởng ngoạn cái đẹp là
phần “đi tìm niềm vui hoặc ý nghĩa” trong cuộc đời, cho dù đó là niềm vui trong
nước mắt hay ý nghĩa xấu xa tiêu cực nào đi chăng nữa. “Mua vui chỉ được một
vài trống canh,” Nguyễn Du của Việt Nam đã nói.
Độc
giả (Phượng Các): Qua cuốn Mùi Hương Quế ra đời năm 1999, có rất nhiều độc giả
Việt Nam cho rằng bà viết quá táo bạo, “taboo” trong địa hạt tình dục, và đã dùng
điều này để phán đoán đời sống cá nhân của bà. Bà nghĩ sao?
Có thể đối với họ thì như thế. Độc giả mốn nghĩ sao
cũng được. Tôi chẳng thấy tiểu thuyết của tôi có gì táo bạo. Cha
mẹ tôi, là người đứng sau việc xuất bản Mùi Hương Quế của Nhà Xuất Bản Văn Nghệ
năm 1999, là nhà giáo và tương
đối là
những người thủ cựu của văn hóa Việt Nam, cũng chẳng thấy gì là táo bạo.
Tuy nhiên, câu hỏi này là dịp để tôi phân biệt thế nào
là tiểu thuyết sáng tạo và thế nào là hồi ký dựa trên đời sống có thực. Rất
nhiều người đọc trong cộng đồng Việt Nam hoàn toàn không chú trọng đến vấn đề
phân loại văn chương: “tiểu thuyết” (fiction) hay là “phi tiểu thuyết”
(non-fiction). Nếu đã gọi là tiểu thuyết,
tức là thể loại văn chương hư cấu. Dùng chữ “tiểu thuyết hư cấu” tức là lặp đi
lặp lại, và không dùng sát nghĩa chữ “tiểu thuyết.” Trong thể dạng tiểu thuyết, tác giả
không chịu trách nhiệm phải đi theo sát sự thực ngoài đời. Điều
đó không có nghĩa rằng tiểu thuyết gia không viết trên kinh nghiệm sống cuả chính mình. Khi
đã gọi là tiểu thuyết, thì độc giả không cần tìm hiểu đâu là sự thực, đâu là hư
cấu. Vì ngay trong thể loại "tiểu
thuyết" đã là “hư cấu” rồi.
Nhân dịp câu hỏi
nêu lên vấn đề "viết táo bạo," tôi xin nói về địa hạt này.
Tôi đã nói nhều về cái hiện tượng gọi là “đua đòi viết
tình dục” với nhà văn/nhà báo/người phỏng vấn Nguyễn Xuân Hoàng, được đăng tải
trên Talawas của bà Phạm Thị Hoài. Văn chương tiểu thuyết
sáng tạo là địa hạt xé rách những cái gì gọi là cấm kỵ. Văn chương là nơi chốn
của tự do tuyệt đối trong sự sáng tạo.
Thường thường nghệ sĩ được coi là những con người phi
đạo đức (amoral). Riêng điều này, tôi không đồng ý. Chúng ta không có thể có sự
đồng ý 100 phần trăm thế nào là tiêu chuẩn đạo đức, nhưng đạo đức là căn bản của
đời sống nhân loại, làm chúng ta khác thú vật. Sự đi tìm tự do tuyệt đối trong
tư tưởng, cảm nghĩ của thế giới văn chương không có nghĩa văn chương là vô nhân
bản, phi nhân bản, phi nhân văn, vô đạo đức, phi đạo đức, hay đồi trụy như ma
túy cần sa là nọc độc làm hủy hoại con người.
Văn chương sáng tạo đối với tôi là một sự xây dựng, đi
tìm cái gì trường cửu hơn cho nhân loại. Jean Paul Sartre đã nói không có cuốn tiểu
thuyết nào hay mà không có giá trị đạo đức nào đó. (Tôi nhắc câu này vì thích hợp,
chứ không phải vì tôi
thần tượng Sartre).
Các tiểu thuyết thực sự rẻ tiền, thí dụ truyện khiêu
dâm (pornography) thì theo tôi không đáng gọi là tiểu thuyết.
Tôi tạm dịch nghĩa đen của tiểu thuyết là “a little
essay.” Loại truyện
khiêu dâm như một viên thuốc kích thích bán lấy tiền, không kể đến hậu quả,
không thể là “a little essay.”
Tuy nhiên, có rất những tác phẩm chú trọng vào vấn đề kích
thích dục tính, vừa trở thành tác phẩm văn chương lừng lẫy, vừa bị đem ra quảng
cáo và biến hóa thành tác phẩm khiêu dâm. Điển hình là cuốn History
of O, của Pauline Reage nước Pháp.
Riêng trường hợp tiểu thuyết của Marquis de Sade thì
cho đến giờ này vẫn là một vụ án văn chương chưa giải quyết. Miễn bàn tới.
Khi tiểu thuyết chú trọng vấn đề kích thích tình dục,
nhưng cách thức viết tràn trề tính chất nghệ thuật, không bỉ ổi hoặc làm mất
giá trị nhân bản, thì tiểu thuyết ấy trở thành "literary erotica," theo tôi trong giới văn học Việt Nam
chưa hề có, hoặc có thể đang được bắt đầu, nhưng chưa hề được đem ra bàn cãi nhận
định cho đúng chỗ.
Literary erotica cần phải được phân biệt với các “tiểu
thuyết phân loại” khác (genre fiction) hoặc “tiểu thuyết văn chương” (literary
fiction) trong đó có những “scene” liên quan đến dục tính.
Một literary erotica đúng nghĩa, theo tôi, là một tác phẩm văn
chương viết với mục đích khêu gợi tình dục, mô tả hoạt động tình dục của nhân vật. Tuy nhiên sản phẩm không
phải là viên thuốc gợi dục, mà vẫn là một bức tranh mang nét đẹp của nhân sinh,
là một phần đóng góp quan trọng cho kinh nghiệm sống của nhân sinh. Đó là định
nghĩa của tôi về chữ "literary erotica" được một số dịch giả gọi là
“tiểu thuyết gợi tình.”
Nói tóm tắt, theo tôi: (1) literary erotica,
có thể là tiểu thuyết văn chương. (2) literary fiction, “tiểu thuyết văn
chương” có các chương hay cảnh diễn tả hay liên quan đến đời sống tình dục của
nhân vật, không phải là tiểu thuyết gọi tình”. (3) truyện khiêu dâm (pornography)
không phải là tiểu thuyết gợi tình, cũng không phải là tiểu thuyết văn
chương.
Nói tóm lại,
truyện khiêu dâm là một hình thức “rác” của chữ nghĩa, ai thích đọc “rác” thì đọc
(chẳng khác chi phim con heo XXX), vì thế truyện khiêu dâm không phải là tiểu
thuyết gợi tình mà cũng không phải là tiểu thuyết văn chương. Tôi có thể nói rằng theo tôi, truyện khiêu dâm không
phải la "tiểu thuyết" dịch sát nghĩa Hán Việt là "a
little theme, or a little essay."
Tất cả các tiểu thuyết gợi tình đều có thể là tiểu
thuyết văn chương, nhưng không
phải tiểu
thuyết văn chương nào cũng là tiểu
thuyết gợi tình,
chỉ vì tiểu thuyết có một vài cảnh hay cốt truyện liên quan đến đời sống tình dục
của con người.
Hy vọng những điều
tôi giải thích trên đây sẽ giúp độc giả khi đọc những bài nhận định
vể tiểu thuyết tiếng Việt.
NÓI THÊM --
POSTCRIPT 2019: Cuộc nói chuyện với chị Phượng Các xẩy ra vào
năm 2005
(lúc đó tôi chỉ vừa mới cho
ra đời cuốn tiểu thuyết Con Gái Của Sông Hương, ấn bản thứ nhất.) Hiện nay, trên
thị trường Mỹ, một nhà văn gốc Việt đã đoạt giải Pultizer về dạng
tiểu thuyết văn chương nói về nước Mỹ và kinh nghiệm Việt Nam. (Tiểu thuyết cuả tôi thì chưa bao giờ đươc gửi đi
cho bất cứ cuộc thi văn chương nào ở nước Mỹ cho sách trong nước Mỹ cả,
và tôi mất đi khoảng trên 10 năm sáng tác tiểu thuyết vì lý do cá nhân. Tuy nhiên, nội dung những gì
tôi nói trên đây vẫn còn xác thực. Ba cuốn tiểu thuyết văn chương cuả tôi bị để chung vào tiễu thuyết
thương mại, tiểu thuyết phân loại, qua nhà xuất bản và nhà bán sách Amazon,
là điều tôi hoàn toàn bất bình.)
Lưu ý: hiện giờ, có các học giả lo ngại là, nhìn vào con
đường trứớc mặt, dạng tiểu thuyết văn chương đúng nghĩa nhất sẽ
không còn nữa trong thế giới internet, netflix, và digital ngảy hôm nay...
WND 2005-2019
No comments:
Post a Comment