VH Tiếng Nói Văn Học Việt Houston VH

VVH Tiếng Nói Văn-Học Việt-Houston (Viet Voice From Houston). Xin gửi bài vở về địa chỉ wendynicolennduong@post.harvard.edu. Contributing articles and commentaries should be submitted to wendynicolennduong@post.harvard.edu.

COPYRIGHT NOTICE AND DISCLAIMER

Về vấn đề bản quyền (copyright) cho tác giả Việt Nam của các bài viết được đăng tải ở đây: Chúng tôi nhận được những bài viết này từ độc giả hoặc từ các môi trường truyền thông của các nhóm người Việt, vì tác phẩm đã được phổ biến ở một môi trường công cộng nào đó. Chúng tôi mạn phép đăng tải theo lời giới thiệu của độc giả, dưới thẩm quyền "fair use exception" của luật trước tác bản quyền, vì làm việc cho mục đích giáo dục quần chúng, không vụ lợi. Nếu độc giả nào biết tác giả, xin cho chúng tôi biết để gửi lời chính thức xin phép, hoặc nếu tác giả không bằng lòng, xin cho chúng tôi biết ngay để chúng tôi lấy bài xuống theo ý của tác giả.

disclaimer re content

Quan điểm của tác giả hay độc giả trình bày ở đây không phải là quan điểm của người hay nhóm chủ trương VVFH, và vì thế chúng tôi không chịu trách nhiệm về những quan điểm hay dữ kiện đưa ra bởi tác giả hay độc giả. The views and supporting facts expressed by the authors or commenters published here are not necessarily those expressed or endorsed by VVFH or its editors. Accordingly, VVFH disclaims liability with respect to such content.

MỤC ĐÍCH:

Lời nhắn với học trò Việt Nam của giáo sư WENDI NICOLE Dương, cựu học giả FULBRIGHT Hoa Kỳ và cựu giáo sư luật đại học Denver:


Cô thành lập tập san này là đề cố gắng giữ lại những cái đẹp trong văn hóa cội nguồn của Việt Nam, đã giúp chúng ta đứng vững trên hai ngàn năm, dựa trên những giá trị đặc thù của người Việt nhưng đồng thời cũng là giá trị tổng quát của nhân loại. Hy vọng TIENG NOI VAN HOC VIET-HOUSTON, gọi tắt là VH, hay VVFH (Viet Voice from Houston) sẽ đến với người Việt trên toàn thế giới, qua độc giả thích văn chương văn học trong cả hai ngôn ngữ Việt-Anh, từ bàn tay và ánh mắt của một số it học trò Việt đang sinh sống ở Mỹ hoặc ở Việt Nam, của chính cô, cũng như của thế hệ đi trước biểu tượng là cha mẹ cô, những giáo sư ngôn ngữ.


Wendi Nicole Duong (Nhu-Nguyen) tháng tư April 2015

TRIO OF WATER LILIES

TRIO OF WATER LILIES
TRIO OF WATER LILIES enamel, markers, pen and pencil on paper. artwork by Wendi Nicole Duong copyright 2013: in all three regions of Vietnam, one can always find Hoa Sung, water lilies!

Thursday, September 21, 2017

THE NOBEL "BRAND" UPON BOB DYLAN: THE INTERPLAY BETWEEN THE CREATIVE LITERATURE, MUSIC AND THE VISUAL ART

for viet readers:  
NHẠC và THƠ
BOB DYLAN VÀ GIẢI NOBEL VĂN CHƯƠNG 2016
Luân Tế

Giải Nobel là giải thưởng lớn nhất của nhân loại và bao gồm hầu như tất cả các bộ môn dính líu đến khoa học nhân văn. Tôi rất dốt về khoa học nói chung nên không để ý đến các giải trao cho các khoa học gia. Nhưng từ ngày còn ở Việt Nam, và vì mê đọc sách tiếng Anh, năm nào tôi cũng theo dõi và háo hức chờ xem ai là người được giải Nobel về Hòa Bình và Văn Chương.
Giải thứ nhất được trao cho một người hay một nhóm có công với nhân loại về các hoạt động nhân bản. Giải thứ hai được trao cho một tác giả có những tác phẩm “văn chương” (toàn bộ - không giống với những giải văn chương khác trao giải cho một tác phẩm - một hình thức vinh danh sự nghiệp) vượt thời gian, vượt không gian; những tác phẩm có giá trị để đời. Giải thưởng Nobel về văn chương thông thường được tặng cho các nhà văn, nhà thơ, kịch tác gia; tuy vào năm 1953 cũng đã trao tặng cho Thủ Tướng Anh Winston Churchill về những sách ông viết về các nhân vật nổi tiếng trong lịch sử quân sự và chính trị và về tài thuyết giáo, hùng biện của ông.
Ủy Ban Chấm Giải Nobel loan báo vào ngày 13 tháng 10 năm 2016 là họ đã chọn ca/nhạc sĩ/soạn nhạc - singer/musician/ songwriter Bob Dylan để trao giải thưởng về Văn Chương – Literature vì “ đã tạo nên được những biểu hiện thi ca mới trong truyền thống âm nhạc Mỹ.” Đây là một sự chọn lựa rất cấp tiến - “bạo” - vì là lần đầu tiên một ca/nhạc sĩ/soạn nhạc được trao giải này. Quyết định này gây ra những dư luận khá ồn ào trong giới văn học thế giới - kẻ khen, người chống. Và những vấn đề chính được đặt ra (nhất là trên văn đàn của nước Mỹ) trong những cuộc bàn cãi về chuyện này là:
“Văn chương” là gì? Những lời nhạc do Dylan viết có được coi là “văn chương” không? Dylan có xứng đáng được trao giải Nobel về Văn Chương không? Và tại sao ban giám khảo lại chọn Dylan?
Theo tự điển Merriam&Webster thì: “Văn Chương là những tác phẩm viết bằng chữ - văn xuôi hay văn vần - nhất là những tác phẩm có một hình thức hay cách diễn tả xuất sắc và nói lên được những suy tưởng có giá trị trường cửu và rộng lớn.”
Cũng theo tự điển này thì: “Văn Chương là hình thức tổng hợp, thường là của một thể loại đặc biệt nào đó, của các sáng tác âm nhạc.”
Có lẽ các ông bà giám khảo người Thụy Điển dựa vào định nghĩa này trong lúc cân nhắc, chọn lựa và rồi quyết định trao giải Nobel Văn Chương cho Dylan.
Khi nghe tin Bob Dylan đoạt giải Nobel tôi ngẩn người, không tin, nghĩ là tin vịt. Rồi chợt nghĩ là có lẽ báo đăng nhầm. Thay vì giải Hòa Bình thì lại viết là Văn Chương, vì Dylan cũng có tiếng là tác giả những bản nhạc chống chiến tranh, ca tụng tình người và than thở về những quyền căn bản của con người trong xã hội bị xâm phạm hay cưỡng đoạt. Và theo báo chí thì có lẽ chính Dylan cũng nghĩ đó là tin vịt khi được báo cho biết trong lúc đang trình diễn trên sân khấu ở Las Vegas.
Tôi chợt liên tưởng tới nét mặt của Tổng Thống Bush 43, vào ngày 11-9-2001, đang ngồi trên bục đọc sách cho một đám trẻ nhỏ trong phòng học ở Florida thì được Chánh Văn Phòng Andrew Card bước vào, nói nhỏ vài câu vào tai. Bush không thốt ra lời. Nhưng nét mặt của ông lúc đó nói lên tất cả - New York? Twin towers? Terrorists? Airplanes hijacked?Why?
Có lẽ nét mặt của Dylan trên sân khấu lúc đó cũng giống như thế khi biết tin là mình đã đoạt giải thưởng lớn nhất của nhân loại về “văn chương” – Nobel Prize? Literature? LITERATURE? Are you kiddin’ me?Why?
Và Dylan giữ im lặng trong hai tuần lễ, không trả lời bất cứ câu hỏi nào của ai và không bắt điện thoại từ Stockholm gọi sang chính thức báo tin đúng theo truyền thống của giải này. Tôi thì suy luận rằng sự im lặng của anh chàng ca nhạc sĩ – không phải và cũng không nhận mình là người viết văn / làm thơ - có tiếng là lập dị này là hậu quả của một sự chấn động thần kinh mạnh đến nỗi làm chàng lặng người, á khẩu.
Sau 8 ngày, với sự im lặng của Dylan, một thành viên trong ủy ban chấm giải, ông Wastberd, nói là Dylan có thái độ “kiêu ngạo và thô lỗ” khi không thèm trả lời. Tuy nhiên, bà Sara Danius, thư ký thường trực của ủy ban, tuyên bố: “Hàn Lâm Viện Thụy Điển (ủy ban chấm giải Nobel) chưa bao giờ quan tâm đến quyết định của những người được trao giải trong những trường hợp như thế này.” Sau đó, trong một cú điện thoại gọi cho bà Danius, Dylan nói, “Cái tin tôi được trao giải Nobel làm tôi ngớ người, nói không thành tiếng. Đây là một niềm vinh dự cho tôi.”
Một ký giả của tờ New York Times tìm cách giải thích sự im lặng và thái độ “bất hợp tác”, lẩn tránh của Dylan bằng cách trích dẫn bài hát “Không phải anh đâu, em ơi” viết vào mùa hè năm 1964 trong đó có những câu: “Anh không phải là người em muốn/ Anh không phải là thứ em cần”như là một chối bỏ sự thật. Why me? Tại sao lại là tôi?
Bob Dylan là ai?
Là một người viết nhạc, chơi nhạc và hát nhạc của mình từ những năm đầu thập niên 1960 cho đến bây giờ. Năm nay 75 tuổi, người gốc Do Thái. Sáng tác trên 500 bản nhạc và nhiều bản đã trở thành kinh điển. Một trong những thần tượng âm nhạc lớn nhất của Mỹ và có số dĩa bán trên 100 triệu. Một trong những ca sĩ ăn khách nhất thế giới, đi trình diễn liên tục, không ngừng. Anh còn vẽ và xuất bản bẩy cuốn sách in lại các tác phẩm hội họa bằng bút chì và sơn dầu và đã triển lãm nhiều lần tại các phòng tranh lớn. Vào tháng 10 năm 2014, một nhà xuất bản sách lớn vào bậc nhất của Mỹ in một cuốn sách dầy 960 trang, nặng trên 6 kí lô, gồm tất cả những lời nhạc của Dylan với tựa đề “NHỮNG LỜI NHẠC: TỪ NĂM 1962”. 50 ấn bản đặc biệt có chữ ký của Dylan được bán với giá $5000 một cuốn. Cuốn sách ‘nặng ký’ này có đóng một vai trò nào đó trong việc Dylan được tặng giải Nobel chăng? Có thể các giám khảo giải Nobel cho LỜI NHẠC (Lyrics) là những LỜI THƠ (Poems-Verses) và vì thế Dylan có đủ tầm vóc trên phương diện “văn chương” để trao giải này cho anh. Lý do là phần nhiều những lời nhạc đều có vần điệu (Rhyme) giống như thơ. Đã có một số trường đại học dùng những lời nhạc của Dylan dậy cho sinh viên trong Khoa Thơ (Poetry).
Không phải đây là lần đầu tiên Dylan được trao tặng những giải thưởng cao quý. Năm 2008, ủy ban chấm giải Pulitzer về văn chương và truyền thông của Mỹ đã trao tặng anh một bằng khen đặc biệt về “ảnh hưởng sâu đậm của anh trên nền ca nhạc phổ thông và văn hóa Mỹ bằng những sáng tác với ngôn ngữ đầy thơ tính và sức mạnh tuyệt diệu của thi ca.” Và năm 2012, Dylan được lãnh nhận Tự Do Bội Tinh Quốc Gia do Tổng Thống Obama trao tặng với lời khen: “Giọng ca khào, khàn, đục, đầy sạn của Dylan có một sức mạnh độc nhất đã tái xác định được không những là âm nhạc phải được trình diễn như thế nào mà còn ảnh hưởng tới những thông điệp âm nhạc chuyên chở tới và đánh động vào lòng người nghe.”
Dưới đây là lời một bài nhạc (thơ?) tiêu biểu về tinh thần chống chiến tranh và ưu tư về thân phận con người của Bob Dylan, tựa đề là “Blowin’ in the Wind” - “Đang Bay Trong Gió” viết rất sớm trong sự nghiệp âm nhạc vào năm 1963, lúc mới 22 tuổi. (Tựa đề này cũng rất mơ hồ, khó giải thích, làm người nghe phải gãi đầu gãi tai vì có hai trường phái nhìn vào tựa đề này với hai lời giải nghĩa khác nhau: hoặc “Câu trả lời rõ ràng, ngay trước mắt, như một cơn gió thổi vào mặt” hay “Câu trả lời mơ hồ như cơn gió”)
“Blowin’ in the Wind”
“Đang Bay Trong Gió”
Lê Tuấn dịch
How many roads must a man walk down
Before you call him a man?
How many seas must a white dove sail
Before she sleeps in the sand?
Yes, and how many times must the cannon balls fly
Before they're forever banned?
The answer, my friend, is blowin' in the wind
The answer is blowin' in the wind
Phải đi hết bao nhiêu con đường
Trước khi anh mới được gọi là người?
Phải bay qua bao nhiêu biển cả
Trước khi con bồ câu trắng được về nằm ngủ yên trên cát?
Vâng, và bao nhiêu lần những viên đạn đại bác sẽ bay
Trước khi chúng bị cấm mãi mãi?
Câu trả lời, bạn ơi, đang bay trong gió.
Câu trả lời đang bay trong gió.
Yes, and how many years can a mountain exist
Before it's washed to the sea?
Yes, and how many years can some people exist
Before they're allowed to be free?
Yes, and how many times can a man turn his head
And pretend that he just doesn't see?
The answer, my friend, is blowin' in the wind
The answer is blowin' in the wind
Vâng, và bao nhiêu năm một quả núi có thể trường tồn
Trước khi trôi ra biển?
Vâng, và bao nhiêu năm một số người phải sống
Trước khi họ có được tự do?
Và bao nhiêu lần một người có thể quay đầu sang chỗ khác
Và giả vờ như không nhìn, không thấy?
Câu trả lời, bạn ơi, đang bay trong gió.
Câu trả lời đang bay trong gió.
Yes, and how many times must a man look up
Before he can see the sky?
Yes, and how many ears must one man have
Before he can hear people cry?
Yes, and how many deaths will it take 'till he knows
That too many people have died?
The answer, my friend, is blowin' in the wind
The answer is blowin' in the wind
Vâng, và bao nhiêu lần con người phải ngước lên
Trước khi thấy được bầu trời?
Vâng, và bao nhiêu cái tai con người phải có
Trước khi nghe được tiếng khóc than?
Vâng, và phải có đến bao nhiêu cái chết mới làm cho con người biết
Là đã có quá nhiều người đã chết rồi.
Câu trả lời, bạn ơi, đang bay trong gió.
Câu trả lời đang bay trong gió.
Nghe thoang thoảng như cùng một âm hưởng, cùng một tâm sự với “Giọt mưa trên lá, nước mắt mẹ già lã chã đầm đìa trên xác con lạnh giá...” của Phạm Duy. Hay “Đại bác đêm đêm dội vào thành phố, người phu quét đường dựng chổi đứng nghe...”của Trịnh Công Sơn. Hay “Imagine there are no countries. It isn't hard to do. Nothing to kill or die for. And no religion too. Imagine all the people. Living life in peace..” của John Lennon. Quý vị và các bạn có nghĩ thế không?
Tôi rất mê nhạc ngoại quốc từ hồi nhỏ và khi tôi bắt đầu nghe nhạc Mỹ-Anh-Pháp cũng là lúc Bob Dylan khởi nghiệp. Thế nhưng chỉ sau khi đến Mỹ sống tôi mới biết đến tên anh. Có lẽ tôi đã nghe anh hơn 50 năm về trước rồi nhưng không nhớ. Và bây giờ, khi ngồi viết những dòng này, tôi biết tại sao. Khi mở YouTube ra nghe những bài nổi tiếng và thành công nhất của Dylan, tôi không thích. Không thích giọng hát của anh, cách trình bầy của anh và nhạc của anh. Có thể vì tôi không phải là người Mỹ, không có những suy nghĩ của người Mỹ. Cũng có thể là tôi không đủ trình độ để hiểu được những gì anh muốn nói trong lời nhạc của anh vì tôi không có cái gọi là “hồn thơ”. 99% những bài thơ tôi đọc, kể cả những bài “bắt” phải học ở Văn Khoa của Shakespeare, Emily Dickinson, Robert Frost…vv... khi trình độ Anh văn của tôi thuộc loại ăn đong; và ngay cả bây giờ, sau khi tôi đã đủ sức viết tiểu thuyết bằng tiếng Anh, tôi vẫn thấy không hiểu, không thích và không thấm. Mặc dầu những lời thơ (lyrics) trong các bản nhạc nói chung tương đối dễ hiểu hơn.
Tuy tôi dành quyền phán xét và quyết định thích hay không thích về âm hưởng của bản nhạc và giọng hát của anh như một người thưởng ngoạn bình thường đi xem anh trình diễn hay mua đĩa của anh về nghe,
nhưng tôi không dám phán định xem Dylan có xứng đáng lãnh giải thưởng này hay không; và sự lựa chọn của ủy ban Nobel trong việc trao giải này cho Dylan có đúng hay không.
Câu hỏi cuối cùng: Tại sao ban giám khảo lại chọn Dylan? Tôi xin được chia sẻ với các bạn một lời giải thích khá thú vị do một bỉnh bút gia của tờ New York Times viết về giải Nobel Văn Chương năm nay.
Ông viết: “Người Mỹ cuối cùng được trao giải này là nhà văn nữ da đen Toni Morrison vào năm 1993, gần ¼ thế kỷ trước. Từ đó đến nay, ủy ban chấm giải Nobel coi như nền văn chương Mỹ không có mặt trên văn đàn quốc tế. Trao giải Nobel Văn Chương cho Dylan là một sự sỉ nhục đối với các nhà văn, nhà thơ lớn của Mỹ - những tác giả hầu như năm nào cũng được đề nghị tranh giải nhưng không được giải. Kết luận duy nhất để có thể biện minh cho việc làm này là, nói một cách giản dị, văn chương thi phú của Mỹ không đủ tiêu chuẩn để thắng giải. Đây là một ý niệm hàm hồ, và có lẽ cả thế giới chỉ có một số người Thụy Điển trong ủy ban chấm giải Nobel nghĩ như vậy. Năm 2008, ông Horace Engdahl, thư ký thường trực của ủy ban, tuyên bố một câu xanh rờn: ‘Các nhà văn/thơ ở Mỹ thực sự không có tiếng nói nào tại những cuộc hội thoại văn chương lớn’.”
Ngày 10-12-2016 tại Stockholm, Hàn Lâm Viện Thụy Điển chính thức trao giải thưởng Nobel về Văn Chương cho Bob Dylan, không có mặt, viện cớ là bận với những việc khác đã định trước. Nhưng Dylan có viết một bài diễn văn nhờ một người khác đọc trong buổi lễ. Đây là mấy giòng đầu, rất nhũn nhặn:
-“Nếu có ai nói với tôi là rất có thể tôi có cơ hội thắng giải Nobel... thì tôi cho là cơ hội đó cũng giống như chuyện tôi đang ở trên mặt trăng …”
Và đây là những giòng cuối của bài diễn văn:
-“Chưa bao giờ tôi có thì giờ tự hỏi: ‘Nhạc tôi có phải là văn chương không?’Và vì thế, tôi xin cám ơn Hàn Lâm Viện Thụy Điển, đã bỏ thì giờ cân nhắc câu hỏi đó, và cuối cùng, đã cho tôi một câu trả lời trác tuyệt …”
Quý vị và các bạn, những người văn, yêu thơ, yêu nhạc, nghĩ sao?
Luân Tế
12-2016

No comments:

Post a Comment